Sóng gió bao trùm quan hệ giữa Malaysia và Singapore

05:30' - 06/07/2018
BNEWS Quan hệ Malaysia và Singapore tiếp tục căng thẳng khi Thủ tướng Malaysia cho biết nước này sẽ tìm cách đàm phán lại Thỏa thuận cung cấp nước cho Singapore ký kết từ năm 1962 và có giá trị đến 2061.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Ảnh: AFP/TTXVN 
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Hãng truyền hình Bloomberg ngày 22/6, vài tuần sau khi tuyên bố hủy dự án đường sắt cao tốc (HSR) nối Kuala Lumpur với Singapore, Thủ tướng Malaysia Mahathir cho biết Malaysia cần xem xét lại thỏa thuận cung cấp nước cho Singapore vì nó quá rẻ, đồng thời khẳng định đây là một vấn đề mà Malaysia cần giải quyết với Singapore.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn khác với với Chanel NewsAsia ngày 25/6, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng việc Kuala Lumpur cung cấp nước cho Singapore với mức giá chỉ 3 cent Malaysia (khoảng 180 VND) cho mỗi 1.000 gallon (khoảng 3,785 m3) là "vô cùng nực cười".

Theo ông, “điều này chấp nhận được trong những năm 1990 hoặc 1930. Nhưng bây giờ bạn có thể mua gì với 3 cent? Chẳng gì cả”. Ông cũng cho biết Malaysia sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề này sau đó sẽ đưa ra quan điểm, tuy nhiên, vấn đề này không phải là cấp bách.

Trả lời phỏng vấn tờ The Straits Times hồi tháng 3/2018, trước thời điểm đắc cử Thủ tướng, ông Mahathir khẳng định giá nước bán cho Singapore là “vô lý”.

Theo thỏa thuận cung cấp nước ký năm 1962, Cơ quan quản lý nước Singapore (Public Utilities Board) có thể lấy 250 triệu gallon (tương đương 946.250 m3) nước chưa xử lý mỗi ngày từ sông Johor với giá 3 cent cho 1.000 galon. Đổi lại bang Johor được quyền nhận lại 2% tổng số nước cung cấp cho Singpore mỗi ngày, đã được Singapore xử lý, tương đương với 5 triệu gallon với giá 50 cent cho 1.000 gallon.

Phản ứng trước phát biểu của ông Mahathir, ngày 25/6 Singapore đã kêu gọi Malaysia tuân thủ đầy đủ thỏa thuận 1962. Trong một tuyên bố gửi qua email phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Singapore cho biết “Thỏa thuận cung cấp nước 1962 là thỏa thuận cơ sở được bảo đảm bởi hai chính phủ trong thỏa thuận riêng biệt đã được đăng ký tại Liên hợp quốc năm 1965. Cả hai bên phải tuân thủ đầy đủ các điều khoản của thỏa thuận này”.

Trả lời tờ The Straits Times, nhà ngoại giao kỳ cựu của Singapore giấu tên cho rằng ông Mahathir muốn đàm phán lại giá nước vì từ trước đến nay ông chưa bao giờ chấp nhận các điều khoản của thỏa thuận 1962.

Thỏa thuận 1962 quy định rõ phía Malaysia không thể đơn phương tăng giá bất cứ khi nào Malaysia mong muốn. Theo các điều khoản của thỏa thuận thì giá bán nước sẽ được xem xét lại sau 25 năm, tức là vào năm 1987, tuy nhiên theo một bài viết trên website  của Bộ ngoại giao Singapore thì phía Malaysia đã không xem xét lại giá vào thời điểm này.

Sau đó Singapore đã đồng ý xem xét lại vấn đề giá khi ông Mahathir khi đó là Thủ tướng Malaysia đã nêu lại vấn đề này vào năm 1998. Từ năm 1998-2002, hai nước đã tiến hành nhiều vòng đàm phán về vấn đề nước nhưng vẫn không đi đến kết quả cụ thể khi Malaysia liên tục yêu cầu tăng giá bán.

Tháng 10/2002, ông Mahathir quyết định từ bỏ việc đàm phán. Tháng 1/2003, Bộ trưởng ngoại giao Singapore khi đó là S. Jayakumar đã công khai các tài liệu về vấn đề này, đồng thời Chính phủ Singapore cũng xuất bản một cuốn sách có tên "Các cuộc đàm phán về nước".

Trong cuốn sách này, Chính phủ Singapore cho biết nước này phải chi 2,4 Ringit Malaysia (RM) để xử lý 1.000 gallon nước và bán lại cho bang Johor của Malaysia với giá chỉ là 50 cent, điều này có nghĩa với mỗi 1.000 gallon nước Singapore đang hỗ trợ cho Malaysia 1,9 RM.

Cuốn sách cũng cho biết chính quyền bang Johor bán lại nước cho người dân Johor với giá 3,95 RM cho 1.000 gallon và thu về 46 triệu tiền lãi mỗi năm. Chính phủ Singapore cũng cho biết tổng cộng Singapore đã chi hơn 1 tỷ SGD cho nhiều cơ sở hạ tầng xử lý nước khác nhau, trong đó có việc xây dựng một con đập để tạo ra hồ chứa Linggiu làm tăng lượng nước của sông Johor.

Trong các năm sau đó, thỏa thuận này vẫn luôn là một trong những chủ đề tranh luận chính trị giữa hai nước. Tuy nhiên, vào tháng 12/2016 cựu Thủ tướng Najib Razak cho biết Malaysia sẽ vẫn cung cấp nước cho Singapore theo thỏa thuận 1962, bất chấp nhiều thách thức xuất hiện ảnh hưởng đến việc cung cấp nước, trong đó có việc mực nước tại hồ chứa Linggiu đang suy giảm.

Trong một bài đăng trên facebook ngày 25/6, nhà ngoại giao Bilahari Kausikan của Singapore cho biết hiện Malaysia đang mua nhiều nước hơn so với qui định của thỏa thuận. Trong một văn bản trả lời Quốc hội Singapore năm 2017, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho biết Singapore thường xuyên cung cấp cho Johor 16 triệu gallon/ngày, vượt xa con số 5 triệu gallon/ngày theo thỏa thuận.

Theo nhận định của nhà ngoại giao Bilahari Kausikan, việc ông Mahathir nêu vấn đề nước hiện nay chỉ là “một chiến thuật đa hướng” nhằm chuẩn bị cho yêu cầu Singapore từ bỏ hoặc giảm bồi thường mà Malaysia phải trả nếu chính thức hủy bỏ dự án đường sắt cao tốc nối Kuala Lumpur với Singapore.

Ông Kausikan cho rằng ý định của ông Mahathir là khiến người dân Singapore thay ông gây sức ép lên Chính phủ Singapore để buộc Chính phủ Singapore có những nhượng bộ, đồng thời dựng lên cái cớ để tránh trách nhiệm với người dân Malaysia. Do vậy, ông Kausikan kêu gọi người dân Singapore không nên bị "mắc lừa", đồng thời cho rằng láng giềng tốt phải là “từ hai phía”.

Mối quan hệ giữa Malaysia và Singapore trở nên lạnh nhạt từ khi Singapore tách khỏi Liên bang Malaysia vào năm 1965. Sau đó, hai bên đã nhiều lần có mâu thuẫn về các vấn đề kinh tế, ngoại giao, trong đó có vấn đề cấp nước. Mối quan hệ này đặc biệt trở nên băng giá trong giai đoạn ông Mahathir làm Thủ tướng nhiệm kỳ đầu tiên (năm 1981-2003) nhưng đã dần trở nên tốt đẹp hơn dưới thời cựu Thủ tướng Najib Razak.

Tuy nhiên, sóng gió lại bao trùm quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng sau khi ông Mahathir tái đắc cử Thủ tướng hồi tháng 5 vừa qua. Chỉ trong vài tuần sau khi nhậm chức, ông Mahathir đã hủy dự án xây đường sắt cao tốc nối Kuala Lumpur và Singapore trị giá nhiều tỷ USD, đồng thời tuyên bố Malaysia muốn xây dựng một đảo đá tại cửa ngõ eo biển Singapore, khu vực chiến lược quan trọng với quốc đảo Singapore.

TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục