Sự “hội tụ ngoại giao” của Nga tại khu vực Trung Á

05:30' - 27/03/2018
BNEWS Từ trước đến nay, Nga không những muốn tạo ảnh hưởng riêng với Afghanistan mà còn đối với cả các khu vực Trung Á.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN

Trang mạng asialyst.com mới đây đăng bài phân tích của tác giả Didier Chaudet với tiêu đề "Nga đang ngoại giao ở Trung Á như thế nào?".

Theo đó, Nga luôn coi Afghanistan nằm trong phạm vi ảnh hưởng đương nhiên của mình, nơi giúp Nga thể hiện "quyền lực thống trị" trong khối Liên minh Á - Âu (Eurasia). Đây cũng là vùng đệm giúp Nga chống lại các nguy cơ từ bên ngoài vì Nga luôn lo sợ sự sụp đổ do hiệu ứng Domino.

Nguy cơ đến từ những đối tượng thánh chiến người Trung Á tị nạn tại Afghanistan và các khu vực bộ lạc người Pakistan vẫn đang là một vấn đề thời sự. Ảnh chụp từ video của nhóm khủng bố "Union of Islamic Jihad" (UDI), một phong trào thánh chiến Trung Á liên kết với Al Qaeda, vào 10/2017, cho thấy UDI có ít nhất một doanh trại ở Afghanistan, chuyên đào tạo các "lực lượng thánh chiến đặc biệt" để tấn công Kabul và cả các nước Trung Á.

Nguy cơ trên đối với các đồng minh Trung Á đã giải thích tại sao Nga và Tajikistan đang tăng cường quan hệ quân sự. Nga cam kết hỗ trợ hơn 1 tỷ USD để đào tạo và trang bị cho quân đội Tajikistan, điều đó đã xác nhận sự hiện diện của quân đội Nga tại nước này.

Ngoài ra, Uzbekistan và Turkmenistan cũng đã nhích lại gần hơn với Moskva trong lĩnh vực an ninh, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến Afghanistan.

Tuy nhiên, nguy cơ khủng bố không phải nguyên nhân chính thúc đẩy các quốc gia Trung Á tìm đến với Điện Kremlin mà là vì vị thế của Nga trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy đến từ Afghanistan, trong đó Nga đã chỉ trích các chính sách Mỹ về vấn đề này.

Hoạt động "ngoại giao" của Nga ở Afghanistan có thể củng cố quan hệ của Kremlin với Iran và Pakistan. Một số phân tích nhanh cho thấy sự khác biệt giữa Teheran và Moskva về các chiến lược ngoại giao của họ ở Afghanistan.

Về cơ bản, Iran và Nga có quan điểm tương đồng về Afghanistan, trong đó có một thỏa thuận chung giữa hai nước về an ninh. Trên thực tế, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) mới là đe dọa đối với Cộng hòa Hồi giáo Iran, thậm chí nhiều hơn đối với Moskva. Vụ tấn công khủng bố kép vào Tehran ngày 7/6/2017 là một nhắc nhở cho thực tế này.

Giống như Nga, Iran đã thiết lập đối thoại với Taliban và công nhận nhóm này là một lực lượng chính trị, do đó Iran sẽ không thể để cho Kabul và các đồng minh phương Tây đè bẹp lực lượng này bằng vũ lực. Giống như Nga, Iran cũng bị cáo buộc, tuy nhiên không có bằng chứng cụ thể, đã hỗ trợ quân sự cho Taliban.

Và cũng giống như Moskva, Tehran cũng luôn biết tạo mối quan hệ thân thiết với Kabul. Và một điều giống nhau nữa giữa Kremlin và Cộng hòa Hồi giáo Iran là cả hai đều có "những mối lo ngại, nghi ngờ" về sự hiện diện quân đội Mỹ ở Afghanistan. Cũng chính vì vậy mà Nga đã cố "năn nỉ" Iran liên kết với nhóm làm việc của họ, trong đó có Trung Quốc và Pakistan, tham gia thảo luận về vấn đề Afghanistan. 

Chính sách của điện Kremlin ở Afghanistan cũng cho thấy Nga đang nhích lại gần về ngoại giao với Pakistan – một đất nước cũng nắm giữ vai trò thiết yếu, quan trọng trong tiến trình hòa bình trong tương lai ở Afghanistan. Và mối quan hệ căng thẳng đặc biệt của Pakistan với chính quyền Donald Trump đưa nước này sẵn sàng tiến gần hơn với Kremlin.

Cựu chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện Nga), Sergey Naryshkin lãnh đạo Cơ quan tình báo nước ngoài (SVR) năm 2015, khẳng định mối quan hệ Moskva-Islamabad là một "giá trị đặc biệt và nội tại". Ngay cả khi Nga đang tranh thủ "vận động sự ủng hộ" từ Ấn Độ thì họ cũng không lơ là đối với Pakistan vì vị trí địa chính trị của nước này có tầm quan trọng đặc biệt. 

Sự ấm lên trong quan hệ ngoại giao song phương giữa Nga và Pakistan được cảm nhận từ đầu năm 2014. Trong các năm 2014-2016, Nga và Pakistan thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung. Đầu tiên, cả hai chỉ giới hạn trong các hoạt động hải quân để hợp tác chống buôn bán ma túy.

Nhưng kể từ cuộc tập trận "Druzba-2016"  - cuộc tập trận có quy mô càng ngày càng lớn hơn và theo logic là để chống khủng bố - thì điều đó đã tiết lộ ý đồ của Moscov tại Nam Á. Đối với chính sách của Nga ở Afghanistan hiện nay sẽ làm cho Nga ngày càng tăng cường mối quan hệ mật thiết với Islamabad, bởi vì Nga chỉ có thể thành công khi có sự hỗ trợ của Pakistan. 

Cuối cùng, đường lối ngoại giao của Nga ở Afghanistan làm cho quốc gia này có thêm sự hợp tác với Bắc Kinh. Thực tế, người ta thấy có sự "hội tụ ngoại giao" chung của hai cường quốc này ở Trung Á, cụ thể là ở Afghanistan và Pakistan, nhằm mục đích: chống lại lực lượng thánh chiến xuyên quốc gia do IS và Al Qaeda lãnh đạo; tăng cường hợp tác an ninh giữa các quốc gia; từ chối sự hiện diện quá mức của các lực lượng bên ngoài trong khu vực, chủ yếu là Mỹ.

Dĩ nhiên sự "hội tụ" giữa Moskva và Bắc Kinh tại Nam Á không có nghĩa là Nga và Trung Quốc có sự liên kết hoàn toàn, nhưng nó sẽ giúp hai nước tạo ra một mặt trận chung trong khu vực đối với vấn đề Afghanistan, đồng thời vô hiệu hóa các lực lượng chính liên quân bên cạnh Afghanistan.

Điều đó giúp tăng vị thế của Nga đối với Mỹ và khẳng định sức mạnh của mối quan hệ Nga - Trung, trái với quan điểm bi quan thường thấy giữa các nhà phân tích phương Tây về vấn đề này.

Thực tế, đằng sau các chính sách ngoại giao của Nga ở Afghanistan, điều mà Điện Kremlin mong muốn: Trước tiên là bảo vệ lợi ích của Nga, mong muốn mở rộng khả năng ảnh hưởng của Nga như là cường quốc lớn mạnh được quốc tế công nhận, và đối lập với ảnh hưởng của Mỹ.

Sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan không phải là điều Nga mong muốn. Trong quá khứ, Afghanistan dường như luôn  bị kẹt trong cuộc tranh chấp địa chính trị giữa các quốc gia lớn hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục