Sức hút của các nước Trung Á đối với Nhật Bản, Nga và Trung Quốc

06:30' - 11/05/2017
BNEWS Việc xây dựng quan hệ mang tính chiến lược với các nước ở khu vực này sẽ tạo ra những ảnh hưởng có lợi đối với Nhật Bản trong mối quan hệ với Nga và Trung Quốc.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng các nước Trung Á. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trung Á có một vị trí địa chiến lược quan trọng, nằm giữa Nga và Trung Quốc. Báo Nhật Bản Yomiuri số ra gần đây có bài viết với tựa đề “Ngoại giao Trung Á: Xây dựng quan hệ sâu rộng trong mối quan tâm tới Nga và Trung Quốc”. 

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida vừa có chuyến thăm Turkmenistan và tổ chức hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao 5 nước Trung Á lần thứ 6. 

Hội nghị lần này được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm ngày các nước Trung Á tách ra khỏi Liên Xô trước đây, vì vậy việc tìm kiếm một tuyên bố chung nhằm mở rộng hợp tác giữa Nhật Bản và 5 nước Trung Á trên nhiều lĩnh vực có ý nghĩa rất lớn. 

Tuyên bố chung của hội nghị lần đầu tiên đề cập tới vấn đề CHDCND Triều Tiên với nội dung phê phán mạnh mẽ việc nước này liên tục phóng tên lửa và thử nghiệm vũ khí hạt nhân là “đang tạo ra mối đe dọa lớn đối với hòa bình, ổn định trong khu vực”.

Triều Tiên có quan hệ ngoại giao với 5 nước Trung Á nên việc các nước thống nhất có lập trường nghiêm khắc đối với Triều Tiên đã thể hiện mối quan hệ sâu sắc giữa Nhật Bản và Trung Á. 

Ngoài ra, một nội dung quan trọng khác là các bên sẽ mở rộng hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, chính trị và hướng tới những kết quả mang tính cụ thể. Các nước ở khu vực Trung Á có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Kazakhstan có nguồn dầu mỏ và Uran, Turkmenistan có nguồn khí đốt tự nhiên.

Tuy nhiên, địa hình của những nước này có nhiều núi cao và sa mạc, vì vậy để nâng cao năng lực sản xuất không thể thiếu việc đào tạo nguồn nhân lực và trang bị cơ sở hạ tầng. 

Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã nêu rõ sẽ hỗ trợ 5 nước Trung Á khoản tiền 24 tỷ yên để xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt, cảng hàng không… 

Trong vòng 5 năm tới, Nhật Bản sẽ tiếp nhận đào tạo khoảng 2.000 lưu học sinh và quan chức cấp cao trong chính phủ, chuyên gia trong lĩnh vực vận tải và phân phối hàng hóa cho các nước Trung Á. Đối với một nước nghèo tài nguyên như Nhật Bản, việc tăng cường hợp tác với các nước Trung Á sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên. 

Các nước Trung Á hầu hết là các quốc gia theo đạo Hồi. Trong đó, Afghanistan được cho là quốc gia có căn cứ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhật Bản đang liên kết với cộng đồng quốc tế, tập trung sức mạnh hơn nữa để tăng cường chính sách chống khủng bố và kiểm soát chặt chẽ đường biên giới. 

Ngoài ra, Trung Á là khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ mang tính lịch sử từ Nga. Những năm gần đây, Trung Á đang mở rộng nhanh chóng hoạt động thương mại với Trung Quốc. Giữa Nga-Trung Quốc và các nước Trung Á đã hình thành một cơ cấu hợp tác trên biển, liên tiếp có các cuộc tập trận chung, mang màu sắc đồng minh về quân sự. 

Về mặt kinh tế, Nga và Trung Quốc cũng đang có sự cạnh tranh về tăng cường quan hệ tại khu vực này. Hiện nay, tại các nước Trung Á, mối quan ngại về sự phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. Nhật Bản phải tận dụng cơ hội này, liên kết với Mỹ, châu Âu, thúc đẩy sự phát triển ổn định, khai thác những tiềm năng về kinh tế, chính trị tại Trung Á là điều rất quan trọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục