Sức nặng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đối với nền kinh tế vùng Vịnh

09:01' - 04/11/2020
BNEWS Những khoản đầu tư trị giá nhiều tỷ USD tại Mỹ và tỷ giá đồng nội tệ neo theo "đồng bạc xanh" đang khiến các quốc gia vùng Vịnh phụ thuộc đáng kể vào nền kinh tế Mỹ.

Mạng tin Al-Monitor mới đây đăng bài phân tích cho rằng kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể giữ vai trò quyết định đối với mối quan hệ kinh tế giữa các nền kinh tế Vùng Vịnh và Washington.

Xuất khẩu dầu mỏ sang Mỹ từng mang lại nguồn thu rất lớn cho nhiều quốc gia Arab vùng Vịnh trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, thời thế đang thay đổi và ngày nay hầu hết các tàu chở dầu vùng Vịnh di chuyển về phía Đông để cung cấp cho các thị trường châu Á.

Xuất khẩu dầu mỏ của Saudi Arabia sang Mỹ đã giảm hơn một nửa trong giai đoạn năm 2014-2019. Mặc dù vậy, khu vực vùng Vịnh tiếp tục chịu ảnh hưởng đáng kể từ sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. 

Mỹ vẫn là một điểm đến "hấp dẫn"

Michael Maduell, Chủ tịch Viện nghiên cứu Quỹ Đầu tư Quốc gia tại Mỹ cho rằng các quỹ đầu tư có chủ quyền ở vùng Vịnh từng là những nhà đầu tư "nặng ký" vào thị trường Mỹ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là các loại trái phiếu đầu tư lớn, chứng khoán, tài sản cố định, bất động sản hay cơ sở hạ tầng. Trên thực tế, các quỹ đầu tư quốc gia này đã rất năng động với tình hình thực tế.

Trong giai đoạn thị trường chứng khoán sụp đổ do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hồi tháng 2-4/2020, Quỹ Đầu tư Công của Saudi Arabia (PIF) đã nhanh chóng "chớp thời cơ" để thực hiện các thương vụ mua cổ phần trị giá tổng cộng hơn 5 tỷ USD từ các công ty lớn của Mỹ như Boeing, Disney và Facebook. Chỉ vài tháng sau, quỹ đầu tư chủ quyền này đã bán chốt lời và thu về những khoản "lợi nhuận khổng lồ".

Nhà quản lý tài sản kiêm chuyên gia tài chính của Saudi Arabia Mohammed al-Suwayed cho rằng Saudi Arabia phụ thuộc rất lớn vào thị trường tài chính Mỹ, đặc biệt là sau khi PIF tham gia vào các khoản đầu tư trong Quỹ Tầm nhìn của SoftBank. Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, Saudi Arabia cũng nắm giữ khoảng 130 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ.     

Giới chuyên gia tin tưởng rằng Mỹ sẽ vẫn là một điểm đến "hấp dẫn" đối với các khoản đầu tư của khu vực Vùng Vịnh bất chấp những bất ổn trong ngắn hạn. Kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái nửa đầu năm nay và ghi nhận mức sụt giảm kỷ lục tính riêng trong quý II/2020. Sự ổn định tiền tệ của các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) cũng có mối tương quan chặt chẽ với sức mạnh kinh tế Mỹ. Ngoại trừ Kuwait, các đồng nội tệ của các nền kinh tế GCC đều được neo tỷ giá cố định với USD kể từ giữa những năm 1980.

Trước quá trình chuyển đổi năng lượng quan trọng, các quốc gia vùng Vịnh phải tìm cách củng cố mối quan hệ đối tác kinh tế sâu rộng với nhiều doanh nghiệp Mỹ nhằm giúp nền kinh tế của họ giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của Issam Al Tawari, nhà sáng lập và đối tác quản lý Công ty tư vấn kinh tế Newbury có trụ sở tại Kuwait, dòng tiền của vùng Vịnh thực tế chỉ dịch chuyển một chiều, tức là từ khu vực này chảy sang Mỹ. Theo chuyên gia Al Tawari, hiện không có nhiều công ty Mỹ dám mạo hiểm đầu tư vào khu vực này. 

Cựu Đại sứ Mỹ tại Oman Marc Sievers từng chia sẻ với mạng tin Al-Monitor rằng các nước vùng Vịnh cần giới thiệu nhiều hơn cho các nhà đầu tư Mỹ về những cơ hội thực sự tại khu vực Vùng Vịnh. 

Tại Saudi Arabia, kế hoạch cải cách nền kinh tế của Thái tử Mohammed bin Salman – có tên gọi chính thức là "Tầm nhìn 2030" – đã cố gắng thu hút các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài trị giá nhiều tỷ USD để giảm bớt sự phụ thuộc của Riyadh vào nguồn thu từ dầu mỏ. Theo chuyên gia Suwayed, các nhà đầu tư Mỹ cần xem xét cơ hội đầu tư trong nhiều lĩnh vực đang nổi ở Saudi Arabia như giải trí, du lịch và bất động sản. 

Trong khi đó, cựu chuyên gia tài chính tại Ngân hàng Trung ương Kuwait Jamshaid Anwar Chattha cho rằng công cụ bổ sung để cải thiện mối quan hệ giữa kinh tế Mỹ và các nước Vùng Vịnh có thể là nguồn tài chính Hồi giáo.

Các ngân hàng Hồi giáo của Vùng Vịnh có thể tìm thấy một "thị trường hoàn hảo" ở Mỹ và cung cấp cơ hội đầu tư vào các sản phẩm dành riêng cho cộng đồng người Hồi giáo tại Mỹ. Chuyên gia này hy vọng nếu ứng cử viên Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra thì Washington sẽ "linh hoạt hơn" trong vấn đề này.

Quan hệ "nồng ấm" hay "lạnh nhạt" hơn?

Các nền kinh tế vùng Vịnh đang chuẩn bị cho những kịch bản có thể xảy ra nếu ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ. Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ tuyên bố ông sẽ tái tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran, chấm dứt sự ủng hộ của Mỹ đối với cuộc chiến do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen…

James Swanston, nhà kinh tế trưởng về Trung Đông của Capital Economics, đã lên tiếng cảnh báo về viễn cảnh mối quan hệ Mỹ và các nền kinh tế Vùng Vịnh trở nên xấu hơn dưới thời Chính quyền ông Biden, từ đó làm tăng tỷ lệ rủi ro đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ những khoản nợ tại Vùng Vịnh. 

Kể từ năm 2015, các quốc gia vùng Vịnh đã nhiều lần khai thác thị trường cho vay toàn cầu để tài trợ cho những khoản thâm hụt ngân sách lớn. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings dự báo nợ chính phủ của các nền kinh tế GCC sẽ tăng thêm 100 tỷ USD chỉ trong năm 2020.        

Bất chấp cam kết của ông Biden sẽ "đánh giá lại" mối quan hệ của Washington với Riyadh, các nước Vùng Vịnh vẫn tiếp tục dựa vào những cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực.

Một số nguồn tin giấu tên cho biết, ngay cả khi ứng cử viên Biden giành chiến thắng, Mỹ sẽ không làm đảo lộn mối quan hệ đồng minh kéo dài hàng thập kỷ qua với những đối tác vùng Vịnh. Các nền kinh tế khu vực này sẽ tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ bất kể ai là ông chủ Nhà Trắng, dù cho quan hệ đó có thể "nồng ấm hơn" hay có phần "lạnh nhạt hơn" mà thôi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục