Tác động của khủng hoảng năng lượng toàn cầu đối với Singapore

06:30' - 20/10/2021
BNEWS Theo bài viết trên báo The Straits Times, giá năng lượng đang tăng cao trên toàn cầu, và người tiêu dùng cũng như các nhà bán lẻ điện ở Singapore đang phải gánh chịu sự gia tăng này.

Trong số 12 công ty đang bán điện cho các hộ gia đình tại “đảo quốc sư tử”, hai trong số đó – iSwitch và Ohm Energy – tuần này đã chính thức thông báo qua email việc ngừng cung cấp điện. Các chuyên gia cho biết có thể sẽ có nhiều công ty khác đóng cửa. Tình trạng này của thị trường bán lẻ điện – với ít bên tham gia hơn – sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người tiêu dùng Singapore?

Theo các nhà phân tích, độ tin cậy của việc cung cấp điện sẽ không bị ảnh hưởng, bất kể hộ gia đình mua điện từ nhà bán lẻ nào. Singapore tiến hành mở cửa thị trường điện vào năm 2018, điện được sản xuất tại 7 công ty điện ở Singapore và được hòa vào lưới điện quốc gia do Tập đoàn SP - doanh nghiệp điện lực thuộc sở hữu nhà nước của Singapore - vận hành. Lưới điện này cung cấp điện cho người tiêu dùng.

Trước khi thị trường điện được tự do hóa, người dân đều trả tiền điện cho Tập đoàn SP. Tuy nhiên, sau khi thị trường điện mở cửa, các hộ gia đình có quyền lực chọn ký hợp đồng với các nhà bán lẻ khác nhau. Các nhà bán lẻ điện mua điện từ thị trường điện bán buôn và sau đó kết hợp thành các gói hợp đồng điện với những ưu đãi để thu hút người tiêu dùng. Và người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.

Vì vậy, việc đóng cửa một số nhà bán lẻ điện có nghĩa là người tiêu dùng giờ đây sẽ có ít lựa chọn hơn. Các hộ gia đình đã đăng ký với những nhà bán lẻ giảm giá từ nhiều tháng trước sẽ không còn được hưởng lợi khi những nhà bán lẻ này ngừng hoạt động.

Ông Tan Tsiat Siong, giảng viên Trường Kinh doanh thuộc Đại học Khoa học Xã hội Singapore giải thích rằng giá năng lượng trên thị trường giao ngay có thể dao động mạnh. Theo ông, để quản lý sự biến động về chi phí và thu nhập, các nhà bán lẻ điện có thể mua các hợp đồng từ Thị trường điện tương lai, cố định chi phí năng lượng của họ ở mức xác định trước.

Tuy nhiên, ông Howie Lee, nhà kinh tế thuộc Ngân hàng OCBC, lưu ý rằng sẽ rất tốn kém để một công ty được bảo hiểm rủi ro đầy đủ, và các nhà bán lẻ điện nhỏ thường được bảo hiểm thấp hơn so với các công ty lớn hơn.

Sự thiếu hụt nhiên liệu toàn cầu sẽ cho tất cả mọi người, bao gồm cả các hộ gia đình, thấy được tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng hiệu quả và cũng thúc đẩy việc tư duy lại về sự phụ thuộc của con người vào năng lượng hóa thạch.

Các thiết bị tiết kiệm năng lượng như điều hòa và tủ lạnh giúp cắt giảm hóa đơn mà không ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng điện ở Singapore. Nhưng ở cấp độ rộng hơn, cần nhấn mạnh rằng Singapore vẫn chủ yếu dựa vào khí đốt tự nhiên – một loại nhiên liệu hóa thạch – cho nhu cầu điện năng của nước này.

Trước đây, Singapore phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên được vận chuyển qua đường ống từ các nước láng giềng. Hiện nay nước này đã xây dựng một “nhà ga” khí tự nhiên hóa lỏng để tăng cường an ninh năng lượng của mình, cho phép “đảo quốc sư tử” nhập khẩu khí đốt ở dạng hóa lỏng từ khắp nơi trên thế giới. “Nhà ga” này bắt đầu hoạt động thương mại vào năm 2013.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nhiên liệu hiện nay cho thấy ngay cả sự đa dạng hóa có thể không phải lúc nào cũng giúp được đất nước thoát khỏi những cú sốc về nguồn cung.

Trong trường hợp này, hoạt động kinh tế phục hồi từ dịch bệnh và việc các nước bước vào mùa lạnh đang thúc đẩy nhu cầu về nhiên liệu. Và vì khí tự nhiên tạo ra ít carbon dioxide hơn so với than đá hay dầu mỏ, nhiều quốc gia giờ đây đang chuyển sang loại nhiên liệu này để giảm lượng khí thải carbon. Điều này cũng làm gia tăng nhu cầu về khí đốt.

Tuy nhiên, nguồn cung không theo kịp với nhu cầu, với thực tế sản lượng khí đốt vẫn chưa đạt được mức trước dịch bệnh và nguồn cung năng lượng tái tạo chưa phát triển đủ nhanh.

Một số nhà quan sát cho rằng chương trình nghị sự về khí hậu có thể bị lùi lại do cuộc khủng hoảng về năng lượng này, vì cuộc khủng hoảng đã khiến người tiêu dùng và các chính phủ nhận thấy những chi phí cần thiết của “quá trình chuyển đổi xanh vĩ đại”.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, cuộc khủng hoảng năng lượng này đang thu hẹp sự khác biệt về giá cả giữa nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo. Ở Singapore, điều này thể hiện qua trong các gói giá điện gia dụng. Nhà bán lẻ Sunseap đang cung cấp cho người tiêu dùng gói điện năng lượng Mặt Trời với giá ngang bằng biểu giá quy định các loại điện năng hiện hành.

Khoa học đã chứng minh rõ ràng. Nếu con người không từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, những tác động của biến đổi khí hậu đối với các nền kinh tế và xã hội sẽ còn tồi tệ hơn nhiều so với những gì chúng ta đã chứng kiến trong giai đoạn dịch bệnh.

Khi được hỏi liệu tình trạng thiếu hụt năng lượng đang diễn ra có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh hay không, ông Lee thuộc Ngân hàng OCBC cho rằng năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò ngày càng tăng. Điều cần thiết là thời gian để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này vì cơ sở hạ tầng và đầu tư cho việc xây dựng các nguồn năng lượng tái tạo như vậy vẫn chưa được phát triển.

Giáo sư Subodh Mhaisalkar, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Năng lượng thuộc Đại học Công nghệ Nam Dương, cho biết năng lượng tái tạo vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong toàn bộ thị trường điện năng. Ông cho rằng con người vẫn cần nhiên liệu hóa thạch như là một nguồn cung năng lượng, thậm chí sau năm 2050. Thách thức là làm thế nào để cân bằng sự sẵn có của nhiên liệu hóa thạch nhằm bổ sung cho quá trình chuyển đổi năng lượng vốn là điều hoàn toàn cần thiết để giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục