Tác động từ giá ca cao tăng “chóng mặt”

05:30' - 02/04/2024
BNEWS Giá thành ca cao cao hơn cũng gây áp lực lên người tiêu dùng. Tại Thụy Sỹ, mức tiêu thụ sô-cô-la trong nước vào năm 2023 đã giảm nhẹ 1%, xuống trung bình 10,9kg mỗi người. 
Bài viết của tác giả Elena Tebano, đăng trên mạng Corriere della Sera (Italy) mới đây cho biết, giá bán của trứng Phục sinh và nhiều sản phẩm được chế biến từ sô-cô-la đã tăng mạnh trên toàn cầu do một một số nguyên nhân, trong đó nổi bật nhất là giá ca cao tăng kỷ lục. Nội dung bài viết như sau:

Năm nay, những quả trứng Phục sinh bày bán trên các kệ siêu thị đều có giá cao hơn, hoặc bằng giá nhưng nhỏ hơn. Điều này xuất phát từ việc giá ca cao tăng mạnh, khiến các nhà sản xuất sô-cô-la buộc phải tìm biện pháp ứng phó. Vì sau giá ca cao tăng liên tục?

Nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ biến đổi khí hậu. Khoảng 3/4 sản lượng ca cao toàn cầu, thành phần chính trong các sản phẩm sô-cô-la, được sản xuất từ những đồn điền trồng ca cao ở Ghana, Bờ Biển Ngà, Nigeria và Cameroon. Trong những tháng gần đây, gió cát theo mùa từ sa mạc Sahara đã làm giảm lượng ánh sáng Mặt Trời cần thiết để vỏ ca cao phát triển. Trước đó, mưa lớn làm bùng phát bệnh đen quả, một loại nấm lây lan khi thời tiết mát mẻ, ẩm ướt và nhiều mây, khiến cho vỏ quả ca cao bị thối và cứng lại.

Kết quả xuất khẩu ca cao từ Bờ Biển Ngà, nhà sản xuất chính của thế giới, đã giảm 1/3 trong những tháng gần đây và đẩy giá ca cao trên toàn cầu tăng mạnh. Theo hãng tin AP, giá bán ca cao giao kỳ hạn đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2024 đến nay. Đỉnh điểm là vào ngày 26/3 trên sàn giao dịch hàng hóa New York, giá ca cao đạt mức kỷ lục hơn 10.000 USD/tấn, sau khi tăng hơn 60% vào năm trước.

Trang mạng The Conversation lưu ý: “Ca cao hiện đắt hơn đồng và giá của nó đã tăng 60% chỉ trong tháng này (tháng 3/2024). Nhu cầu về ca cao dự kiến sẽ tăng hơn 4% mỗi năm trong thập kỷ này”. Theo trang mạng này của Mỹ, một yếu tố khác dẫn đến tình trạng thiếu ca cao là “cái chết của côn trùng”, đặc biệt nghiêm trọng ở các vùng nhiệt đới. Các nhà khoa học Tim Newbold và Charlie Outhwaite của Đại học London trong một nghiên cứu công bố năm 2022 đã phát hiện ra sự sụt giảm rõ rệt về lượng côn trùng thụ phấn, đặc biệt là gần các khu vực thâm canh nông nghiệp.

Hai nhà nghiên cứu giải thích: “Côn trùng đang đối mặt với mối đe dọa chưa từng có, do tác động đồng thời từ biến đổi khí hậu và mất môi trường sống. Sự suy giảm côn trùng diễn ra mạnh nhất ở các vùng nông nghiệp nhiệt đới, nơi tác động tổng hợp của biến đổi khí hậu và mất môi trường sống được cảm nhận sâu sắc nhất”.

“Chúng tôi đã so sánh các khu vực nông nghiệp thâm canh, nơi xảy ra mức nhiệt độ nóng lên tăng cao, với các khu vực môi trường sống tự nhiên ít bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Tại đây, đất nông nghiệp đạt chất lượng thấp và ít hơn 25% về số loài côn trùng. Trên khắp thế giới, phân tích của chúng tôi cũng cho thấy đất nông nghiệp ở những khu vực bị áp lực về khí hậu, nơi hầu hết môi trường sống tự nhiên gần đó bị loại bỏ, đã mất trung bình 63% côn trùng, so với chỉ 7% ở các phần đất nông nghiệp khác, nơi môi trường sống tự nhiên gần đó cơ bản còn được bảo tồn”.

Loài côn trùng thụ phấn chính cho cây ca cao là muỗi vằn, song ở một số khu vực, chẳng hạn như Ghana và Indonesia, số lượng loài này suy giảm và nông dân phải sử dụng phương pháp thụ phấn thủ công, di chuyển phấn hoa giữa các cây bằng chổi.

Mặc dù vậy, người nông dân là người được hưởng lợi ít nhất từ sự tăng giá của sô-cô-la. Theo AP, các nhà sản xuất sô-cô-la lớn trên thế giới ở châu Âu và Mỹ đã đẩy gánh nặng giá ca cao tăng cao sang người tiêu dùng. Tỷ suất lợi nhuận ròng của Công ty Hershey tăng từ 15,8% năm 2022 lên 16,7% vào năm 2023, trong khi Mondelez International, công ty sở hữu thương hiệu Toblerone và Cadbury, đã tăng từ 8,6% của năm 2022 lên 13,8% vào năm 2023 (Mondelez cho biết họ đã tăng 15% giá sô-cô-la vào năm ngoái và đang xem xét tăng giá thêm).

Nhà sản xuất sô-cô-la hàng đầu Thụy Sỹ, Lindt & Sprüngli, cũng báo cáo lợi nhuận tăng lên, với tỷ suất lợi nhuận cao hơn từ 15% lên 15,6% trong năm qua. Với các thương hiệu không muốn tăng giá bán thì họ đã chọn cách làm cho sản phẩm sô-cô-la nhỏ hơn để đảm bảo lợi nhuận khi buộc phải trả nhiều tiền hơn để mua ca cao.

Nhưng việc tăng giá ca cao tại nơi xuất xứ không đủ đảm bảo cho lợi ích của người nông dân. The Conversation giải thích: “Sản lượng thấp, kết hợp với lạm phát cao và mất giá tiền tệ, khiến điều kiện của người nông dân càng tồi tệ hơn”.

Ông Opanin Kofi Tutu, một nông dân trồng ca cao ở thị trấn Suhum thuộc miền đông Ghana, nói với AP rằng mùa màng kém kết hợp với chi phí phân bón tăng cao đang khiến việc trồng trọt trở nên khó khăn. Ông phàn nàn: “Tỷ giá hối đoái bất lợi đang bóp nghẹt cuộc sống của chúng tôi”.

Ông Eloi Gnakomene, một nông dân trồng ca cao ở Bờ Biển Ngà, vào tháng trước cho biết: “Cây ca cao đã không cho lấy ra một quả nào”. Để giúp tăng sản lượng, chính quyền nước này đang đẩy mạnh giáo dục về các phương pháp canh tác mới, có thể giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như sử dụng hệ thống thủy lợi. Tổng thống Ghana cũng hứa sẽ can thiệp để giúp nông dân đạt được mùa màng bội thu.

Giá thành cao hơn cũng gây áp lực lên người tiêu dùng. Tại Thụy Sỹ, nơi có bình quân đầu người về tiêu dùng sô-cô-la lớn nhất thế giới, mức tiêu thụ trong nước vào năm 2023 đã giảm nhẹ 1%, xuống trung bình 10,9kg mỗi người. Theo Hiệp hội công nghiệp Chocosuisse, đó là hậu quả của việc tăng giá bán sô-cô-la, một tác động rất thực tế của biến đổi khí hậu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục