Tái cấu trúc doanh nghiệp để vực dậy sau dịch bệnh COVID-19

17:50' - 23/07/2020
BNEWS Không ít doanh nghiệp đã vượt khó, tạo tiền đề cho các bước phát triển tiếp theo, song nhìn chung là chưa đủ do “sức” có hạn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Ngày 23/7 tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức Chương trình Diễn đàn “Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức khủng hoảng COVID-19”.

Diễn đàn tập trung nghiên cứu các mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước những thách thức khủng hoảng COVID-19 đối với các hiệp hội, doanh nghiệp; chia sẻ những ý kiến từ phía các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước giúp các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp vượt qua các khó khăn sau dịch; thảo luận về tác động, thách thức và những vấn đề mà COVID-19 gây cho Việt Nam và định hướng cho các doanh nghiệp để thoát khỏi khủng hoảng và đưa ra các biện pháp nâng cao trình độ quản lý, cải thiện chất lượng, năng suất lao động, tăng cường tính kỷ luật và hiệu quả tương tác giữa các cá nhân, đơn vị trên diện rộng.

Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, dịch COVID-19 đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề. Khoảng 23% tổng tín dụng có vấn đề do dịch bệnh. Theo khảo sát, trong số 126.000 doanh nghiệp, có tới 86% chịu những tác động ảnh hưởng đáng kể. Chính phủ đã có các giải pháp về an sinh xã hội với gói 62.000 tỷ đồng; giải pháp tiền tệ về hạ lãi suất điều hành, giãn, hoãn khoanh nợ; giãn hoãn nộp thuế, tiền thuê đất.

Cùng với đó là các giải pháp thúc đẩy đầu tư công bằng việc đẩy nhanh giải ngân vốn chưa “tiêu” năm 2019 và vốn kế hoạch 2020 khoảng 700.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tốc độ thực hiện nhìn chung còn chậm; tiếp cận các “gói” hỗ trợ khó khăn. Điều này dẫn tới các tác động thiết thực còn hạn chế.

Ở phía doanh nghiệp, ông Thành cho hay, doanh nghiệp Việt không phó mặc cho “số phận”. Không ít doanh nghiệp đã vượt khó, tạo tiền đề cho các bước phát triển tiếp theo, song nhìn chung là chưa đủ do “sức” có hạn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhận định tại diễn đàn, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, đại dịch COVID-19 khiến cho GDP 6 tháng/2020 tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua.

Xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn; trong đó xuất khẩu giảm 1,1Q% và nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ. Đặc biệt khối doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 38,2%, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ 2019.

Tuy nhiên, theo ông Lực, từ dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam nổi lên 6 “điểm sáng”. Đó là phòng chống dịch đạt kết quả tích cực và Chính phủ chỉ đạo tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; nông nghiệp và công nghiệp, xây dựng, bán lẻ, thu hút FDI bắt đầu hồi phục từ tháng 4/2020; giải ngân đầu tư công cải thiện tích cực; tỷ giá duy trì ổn định, mặt bằng lãi suất giảm nhanh, thanh khoản ổn định.

Cùng với đó là thị trường chứng khoán phục hồi khá trong quý 2 sau khi giảm mạnh trong tháng 2 và 3; hội nhập quốc tế được tăng cường; kinh tế số phát triển mạnh; cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển là khả quan.

TS Cấn Văn Lực cũng chỉ ra xu hướng đầu tư kinh doanh mới trong và sau đại dịch. Cụ thể, ông cho rằng, các nhà đầu tư hướng vào những tài sản an toàn hơn như vàng.

Thứ hai, xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) tăng vì nhiều công ty phá sản hoặc có giá cổ phiếu giảm sâu; một số khác vẫn hoạt động tốt, lượng tiền mặt lớn và sẵn sàng mua lại. Tỷ lệ công ty tích cực tham gia M&A trong năm 2020 là 54% (gần tương đương mức trước dịch COVID-19).

Tiếp theo đó là xu thế cấu trúc lại chuỗi cung ứng và đầu tư; xu thế áp dụng công nghệ và thay đổi cách thức làm việc. Dịch bệnh đã tạo ra động lực thúc đẩy chuyển đổi số ở các doanh nghiệp một cách mạnh mẽ. Doanh nghiệp nắm bắt, chủ động trong xu thế này sẽ có nhiều lợi thế hơn so với đối thủ.

Bên cạnh đó, tâm lý và hành vi tiêu dùng đòi hỏi doanh nghiệp phải định hình lại cách thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Đơn cử như theo khảo sát của Nielsen, tại Việt Nam có 63% số người được khảo sát sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau dịch bệnh; 86% khách hàng hài lòng khi sử dụng các kênh kỹ thuật số.

Ông Lực cho hay, từ trong dịch bệnh, bản thân doanh nghiệp phải nhìn ra được những điểm yếu để cấu trúc lại và tăng khả năng chống chịu các cú sốc bên ngoài.

Theo ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH PwC Việt Nam, sau dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp bị “tổn thương”, vì vậy cần đánh giá lại chiến lược quản trị doanh nghiệp và tài sản. Trong trạng thái “bình thường mới”, doanh nghiệp nên nắm rõ những biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ, đồng thời cân nhắc khả năng sẽ cần thêm vốn trong giai đoạn phục hồi như thế nào cho hợp lý...

Đề xuất các kiến nghị trong giai đoạn tới - giai đoạn khôi phục và phát triển, TS Võ Trí Thành cho rằng, bước đi tiếp theo, nhà nước cần tiếp tục thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ thêm các biện pháp bổ sung như: kéo dài thời hạn xử lý và đóng thuế, phí; giảm thuế, phí cùng hỗ trợ một số công ty/tập đoàn lớn; xem xét các gói kích thích kinh tế mới đến cả năm 2021.

Ngoài ra, với doanh nghiệp, ông Thành đề xuất 8 giải pháp: tìm kiếm cơ hội kinh doanh; kết nối cùng chấp nhận cạnh tranh thị trường và đối tác; sáng tạo và chuyển động cùng cách mạng công nghiệp 4.0 với các sản phẩm mới, giải pháp đi kèm và tương tác khách hàng...; đối thoại và ứng xử theo luật pháp; huy động vốn trong một thị trường tài chính đa dạng, phức hợp; quản trị sự bất định; đồng hành cùng Chính phủ; xây dựng thương hiệu và trách nhiệm xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục