Tái hòa nhập kinh tế-xã hội của các phần tử khủng bố

07:30' - 13/05/2018
BNEWS Trang mạng Viện nghiên cứu các vấn đề an ninh Nam Phi (ISS) có bài viết nhận định việc tái hòa nhập kinh tế-xã hội của các phần tử từng là khủng bố là một phần quan trọng trong vấn đề chống khủng bố.
 Binh sĩ Nigeria tuần tra tại khu vực Damboa, bang Borno. Ảnh: AFP/TTXVN 

Ước tính hiện có khoảng 5.600 tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) từ ít nhất 33 quốc gia trên khắp thế giới đã hồi hương. Tại Somalia, tính đến cuối năm 2017 đã có ít nhất 2.000 chiến binh thuộc tổ chức al-Shabaab đã tái hòa nhập xã hội.

Tháng 2 vừa qua, một tòa án của Nigeria đã ra phán quyết thả 475 nghi can có liên quan đến nhóm khủng bố Boko Haram để tái định cư và hòa nhập xã hội. Các cuộc điều tra đã khẳng định họ không liên quan đến nhóm khủng bố nguy hiểm nói trên.

Ở châu Phi, việc tái hòa nhập kinh tế-xã hội của các tay súng trở về từ IS cũng như các chiến binh tham chiến tại các quốc gia khác là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng vô cùng quan trọng bởi hiện khu vực này tồn tại nhiều thách thức khác như giải trừ vũ khí, giải giáp...

Không chỉ ở châu Phi mà còn trên toàn thế giới, việc tạo điều kiện thuận lợi để các tay súng và gia đình họ tái hòa nhập cộng đồng là một quá trình phức tạp và thường chỉ bắt đầu sau khi họ đã ổn định tái định cư. 

Việc tái hòa nhập kinh tế-xã hội đang hỗ trợ cho các nỗ lực xây dựng việc tự cung tự cấp về kinh tế. Đây là một quá trình cực kỳ quan trọng giúp các phần tử thánh chiến xây dựng lại cuộc sống theo hướng có lợi cho chính bản thân họ và cho xã hội. 

Tuy nhiên, quá trình tái hòa nhập lại liên quan đến "cơ sở buộc tội" các đối tượng này và việc các phần tử thánh chiến đó có bị truy tố trước pháp luật hay không. Do vậy, thách thức đặt ra cho nhiều nước châu Phi hiện nay là chưa thể có đủ cơ sở pháp lý để tiến hành xét xử các đối tượng này cũng như việc cung cấp các biện pháp tái định cư và hòa giải thiết yếu.

Trong quá trình tái hòa nhập xã hội, động cơ và hoàn cảnh gia đình của từng phần tử tham gia chủ nghĩa cực đoan cần được tìm hiểu rõ và công khai.

Nhưng hiện có những cơ chế gì để đánh giá từng cá nhân phần tử khủng bố, xác định động cơ gia nhập khủng bố cũng như hồ sơ, bằng cấp, kỹ năng và sức khỏe (cả thể chất, tâm lý và tình cảm) của họ? Những thông tin này là cần thiết để xác định đối tượng có phù hợp với chương trình tái hòa nhập cộng đồng, có thể bắt đầu với chương trình giáo dục chính thống hay được hướng nghiệp hay không. 

Mặc dù có sự khác biệt giữa chủ nghĩa khủng bố và các cuộc xung đột vũ trang, kinh nghiệm từ lĩnh vực giải trừ vũ khí, giải giáp và tái hòa nhập sau xung đột vũ trang cho thấy sự cần thiết phải hiểu thấu đáo các cơ hội kinh tế hiện có trong các cộng đồng của các tay súng hồi hương.

Ví dụ ở Liberia, Sierra Leone và các quốc gia khác (nơi các sáng kiến giải trừ vũ khí, giải giáp và tái hòa nhập đã được tiến hành), việc thiếu cơ hội trong nền kinh tế sau chiến tranh đã hạn chế sự thành công của công cuộc tái hòa nhập kinh tế-xã hội.

Một thách thức khác là việc làm thế nào để các thành viên trong cộng đồng chấp nhận quá trình tái hòa nhập của các tay súng. Làm thế nào để việc hỗ trợ kinh tế cho các nhân vật này tồn tại bền vững và chính đáng, đặc biệt là ở những khu vực nghèo đói.

Tháng 4/2018, Chính phủ Somali đã cấp 15.000 USD cho mỗi đối tượng trong diện tái hòa nhập cộng đồng. Còn năm 2016, Chính phủ Kenya đã cung cấp xe máy cho các tay súng trở về từ nhóm al-Shabaab. Vậy làm thế nào để cộng đồng nhận thức được rằng các hỗ trợ kinh tế không công bằng sẽ bị xử lý?

Hơn nữa, với sự kỳ thị vốn có gắn liền với các tay súng thánh chiến và gia đình họ, cộng đồng đã miễn cưỡng chấp nhận việc giải quyết nhu cầu của các đối tượng này. Các cựu chiến binh nhí của Cộng hòa dân chủ Congo vẫn đang phải chịu đựng hậu quả của sự kì thị thậm chí từ chính gia đình họ, sau hơn một thập kỉ tham gia các cuộc xung đột. Ở Diffa, Niger, các cộng đồng tiếp tục xem các cựu chiến binh là kẻ giết người, và miễn cưỡng chấp nhận họ.

Việc tái hòa nhập kinh tế-xã hội của các cựu phần tử cực đoan đang đối mặt với nhiều thách thức. Cung cấp hỗ trợ tài chính bền vững cho các chiến binh giải ngũ và việc mất an ninh tiếp diễn trong các cộng đồng xuất xứ của những người này có thể cản trở hoặc trì hoãn sự chuyển đổi kế sinh nhai của họ.

Bản chất phức tạp của việc tái hòa nhập, cộng với việc thiếu cơ sở thực tiễn để học hỏi, có nghĩa là không có mô hình duy nhất để thành công. Nó cũng làm cho việc đánh giá các thành tựu gặp khó khăn. 

Các chính phủ và các đối tác phát triển châu Phi cần đánh giá khía cạnh kinh tế-xã hội của chương trình tái hòa nhập và xây dựng các kế hoạch tính đến bối cảnh của địa phương. Điều này nên được xem là một phần không thể thiếu trong nỗ lực ngăn chặn và chống khủng bố một cách bền vững dưới mọi hình thức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục