Tại sao Anh có lạm phát cao nhất trong G7?

06:30' - 24/05/2022
BNEWS Lạm phát của Anh đã tăng lên 9% trong tháng Tư, cho thấy Anh đang phải chịu đựng tác động mạnh nhất trên thế giới do giá cả tăng cao hơn so với các nước khác.

Ngày 18/5 được coi là ngày tồi tệ đối với Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey, những người trực tiếp điều hành nền kinh tế Anh, khi lạm phát của Anh tăng lên 9%, mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, khiến cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt trở nên trầm trọng hơn.

Theo dữ liệu chính thức được công bố ngày 18/5, lạm phát của Anh đã tăng lên 9% trong tháng Tư, cho thấy kinh tế Anh đang phải chịu đựng tác động mạnh nhất trên thế giới do giá cả tăng cao hơn so với các nước khác.

Giống như nhiều nền kinh tế châu Âu chịu ảnh hưởng của giá khí đốt và điện cao hơn do xung đột Nga-Ukraine, chi phí năng lượng của Anh trong tháng Tư cao hơn 69% so với một năm trước. Các hộ gia đình ở Anh sẽ cảm nhận được toàn bộ tác động vào tháng Mười tới, khi mức trần giá năng lượng dự kiến sẽ được nâng lên, trong một động thái có khả năng đưa lạm phát lên 10% vào mùa Thu.

Trong khi đó, thị trường lao động ở Anh đang nóng lên với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất gần 50 năm và mức chi trả tiền thưởng mạnh mẽ, theo dữ liệu chính thức được công bố ngày 17/5. Theo nghĩa này, nền kinh tế của Anh đang phát triển quá nóng theo cách tương tự như của Mỹ, và việc tăng lãi suất sẽ là cần thiết để hạ nhiệt mọi thứ.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang, ưu điểm tiết kiệm nhất của Anh vào thời điểm hiện tại khi so sánh lạm phát quốc tế là các hộ gia đình Anh chỉ phân bổ 8,4% chi tiêu của họ cho thực phẩm, vốn đang bắt đầu tăng mạnh. Các nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, ở các nền kinh tế tiên tiến, tỷ trọng trung bình là 17%, trong khi ở các thị trường mới nổi là 31%.

Điều sẽ khiến các quan chức chính phủ Anh lo ngại nhất là, vấn đề lạm phát của nước này có nhiều dấu hiệu dai dẳng hơn so với nhiều nước châu Âu khác.

Allan Monks, nhà kinh tế học tại JPMorgan, nhấn mạnh bằng chứng ngày càng tăng về mức độ lạm phát cao từ giá năng lượng và hàng hóa thành các dịch vụ cốt lõi. Ông cho biết, một số nguyên nhân là do ngành khách sạn tiếp tục tính thuế giá trị gia tăng ở mức 20% sau một thời gian cứu trợ trong đại dịch COVID-19. Nhìn chung, tỷ lệ lạm phát cơ bản (trong ngành dịch vụ) vẫn cho thấy xu hướng kéo dài dai dẳng, đây là yếu tố cấu thành lạm phát ngay cả khi giá cả hàng hóa được điều chỉnh.

Với việc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đặt mục tiêu lạm phát hàng năm là 2%, Kallum Pickering - nhà kinh tế học tại Ngân hàng Berenberg - lưu ý rằng 80% hàng hóa và dịch vụ mà cơ quan thống kê Anh theo dõi có mức tăng giá vượt quá 3% vào thời điểm hiện tại .

Ông Bailey cho biết, BoE không thể làm gì nhiều để ngăn lạm phát ở Anh chạm mức 10% vì lạm phát được thúc đẩy bởi các cú sốc toàn cầu bao gồm xung đột Ukraine và chính sách “Zero COVID” (Không COVID) của Trung Quốc, nhưng thực tế là một loạt hàng hóa và dịch vụ đang có giá tăng cao hơn mục tiêu 2% của BoE sẽ là mối quan ngại nghiêm trọng trong nội bộ ngân hàng trung ương.

Theo Sandra Horsfield, nhà kinh tế học tại ngân hàng Investec, tình hình này làm nền tảng cho việc tăng lãi suất. Bà cho biết sự lan rộng của lạm phát sang các dịch vụ “càng làm tăng mức độ phản ứng của BoE” bởi vì ngân hàng trung ương không thể né tránh trách nhiệm trong vấn đề này. “Cùng với báo cáo thị trường lao động ‘nóng đỏ’ ngày 17/5, khả năng thắt chặt tiền tệ (tăng lãi suất) có vẻ mạnh hơn”, bà nói thêm.

Câu hỏi đặt ra cho các thành viên của Ủy ban Chính sách Tiền tệ của BoE là liệu cơ quan này có thể tuân theo quan điểm đa số tại cuộc họp vào tháng Năm về số lần tăng lãi suất hạn chế trong ngắn hạn hay không, với hy vọng phần lớn lạm phát sẽ được dập tắt trong vòng một năm hoặc lâu hơn. Giải pháp thay thế là BoE sẽ buộc phải tăng lãi suất đáng kể để đảm bảo gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời hạn chế hành động của những cá nhân và công ty hiện đang gây ra lạm phát.

Lo lắng lớn đối với BoE là lạm phát cao đang trở thành bình thường và được các hộ gia đình, doanh nghiệp và thị trường tài chính mong đợi. Điều này có nguy cơ khiến Anh rơi vào vòng xoáy tiền lương-giá cả, khi người lao động yêu cầu tăng lương để phù hợp với chi phí sinh hoạt cao hơn và các công ty tăng giá để bảo vệ lợi nhuận của họ. Nếu thị trường kỳ vọng lạm phát tiếp tục ở mức cao, thì lạm phát sẽ được tích hợp vào các hợp đồng tài chính khác nhau, từ chi phí nợ chính phủ đến giá cơ sở hạ tầng.

Như Ủy ban Chính sách Tiền tệ của BoE cho biết trong báo cáo chính sách tiền tệ tháng Năm của mình, kỳ vọng lạm phát cao hơn là một mối lo ngại vì nếu chúng tiếp tục tăng quá cao, “việc thiết lập giá cả và tiền lương không phù hợp với việc lạm phát quay trở lại mục tiêu 2% trong trung hạn”.

Cơ quan này lưu ý rằng, cho dù xem xét dự báo của các công ty về khả năng tăng giá của họ, hay quan điểm của các hộ gia đình về lạm phát trong tương lai hoặc giá trị trên thị trường tài chính, "kỳ vọng về lạm phát trong thời gian hai đến ba năm vẫn ở trên mức trung bình lịch sử". Ủy ban Chính sách Tiền tệ của BoE sẽ tiếp tục theo dõi các kỳ vọng lạm phát chặt chẽ và đánh giá về việc kỳ vọng lạm phát ảnh hưởng như thế nào đến việc thiết lập tiền lương và giá cả.

Nếu những dấu hiệu mới xuất hiện cho thấy, Anh có lạm phát tồi tệ nhất thế giới được xác nhận, BoE có thể sẽ phải tăng lãi suất đáng kể. Ngân hàng trung ương Anh vẫn chưa đưa ra nhận định đó, nhưng nếu có thêm tin xấu về việc giá cả tăng cao hơn, các quan chức BoE có thể sẽ bị buộc phải hành động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục