Mỹ: Lạm phát - ưu tiên hàng đầu cũng là rủi ro lớn nhất

06:30' - 21/05/2022
BNEWS Giới quan sát tỏ ra thận trọng rằng các công cụ mà Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sử dụng trong cuộc chiến chống lạm phát lại rất hạn chế, với mức độ thành công còn bỏ ngỏ.

Giữa bối cảnh việc giá cả tăng cao làm suy yếu mức tăng lương và làm tổn thương các gia đình Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 10/5 khẳng định ông rất quan tâm đến vấn đề này và chống lạm phát sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông.

Tuy nhiên, giới quan sát tỏ ra thận trọng rằng các công cụ mà Tổng thống Mỹ có thể sử dụng trong cuộc chiến chống lạm phát lại rất hạn chế, với mức độ thành công còn bỏ ngỏ. Đây là một điều đáng lo ngại với người đứng đầu Nhà Trắng, nhất là khi đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ đang tiến ngày một gần hơn.

“Cơn đau” vì lạm phát chưa chấm dứt

Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bùng nổ trở lại sau những thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, được hỗ trợ chủ yếu nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng của Cục Dự trữ liên bang (Fed) và các biện pháp kích thích lớn của chính phủ.

Tuy nhiên, với việc đại dịch vẫn đang hoành hành ở nhiều khu vực khác trên thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục tắc nghẽn khiến giá ô tô và các sản phẩm khác tăng vọt, trong khi giá nhà đất cũng “leo thang” trong bối cảnh số người mua mới mở rộng bất ngờ.

Lạm phát đã tăng vọt trong 12 tháng qua, với tốc độ tăng nhanh nhất trong 40 năm qua. Giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 8,5% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 3/2022. Và mặc dù các nhà kinh tế cho rằng đó có thể đã là mức đỉnh của đợt tăng này, lạm phát của Mỹ vẫn có thể duy trì quanh mức cao trong nhiều tháng tới.

Tiền lương dù cũng đang tăng, nhưng giá cả tăng nhanh hơn nhiều và ăn sâu vào thu nhập khả dụng của nhiều người dân Mỹ. Điều này đang gây áp lực lên các hộ gia đình và doanh nghiệp khi họ phải vật lộn để “hấp thụ” các chi phí mới. Nhiều doanh nghiệp đang chuyển những khoản phí tăng thêm này sang cho người tiêu dùng, và sự gia tăng chi phí đã gây khó khăn đến mức nhiều gia đình đang phải suy nghĩ lại về kế hoạch chi tiêu hoặc nghỉ hưu của họ.

Và tình hình càng thêm khó khăn khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến giá dầu toàn cầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng.

Giá trung bình cho một gallon xăng trên toàn quốc đã đạt 4,37 USD vào thứ Ba, mức giá cao nhất mà Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA) ghi nhận được kể từ khi nó bắt đầu theo dõi số liệu loại này vào năm 2000. Tại bang California, giá xăng cao hơn 1,47 USD so với mức trên. 

Đây không phải là mức giá năng lượng đắt nhất từng được ghi nhận trong lịch sử Mỹ khi đã điều chỉnh chúng theo lạm phát, nhưng sự gia tăng diễn ra bất chấp việc Tổng thống Biden đã ra lệnh “giải phóng” một triệu thùng mỗi ngày từ Kho Dự trữ Dầu Chiến lược cách đây hơn một tháng.

Thêm vào đó, Bộ Lao động Mỹ có khả năng đưa ra thêm nhiều tin xấu hơn với việc công bố báo cáo lạm phát vào thứ Tư tuần này (ngày 11/5 theo giờ địa phương). Khi các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng tìm kiếm bằng chứng cho thấy lạm phát đã đạt đến đỉnh điểm, chẳng hạn như dấu hiệu hạ nhiệt trên thị trường nhà ở, có rất ít dấu hiệu hứa hẹn như vậy.

Những lời "trấn an" của Tổng thống Mỹ

Trong bài phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng vào hôm 10/5, Tổng thống Biden bày tỏ thông cảm với tình hình khó khăn của các hộ gia đình Mỹ và cam kết tăng gấp đôi nỗ lực của mình để giải quyết tình trạng đó. 

Ông đồng thời vạch ra chương trình nghị sự của mình – dù hầu hết trong số đó đang bị đình trệ tại Quốc hội - để giảm bớt gánh nặng lạm phát cho người dân Mỹ bình thường. Các kế hoạch bao gồm tăng thuế đối với những người siêu giàu có, mở rộng Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng và thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch cũng như giao thông vận tải mới.

Tổng thống Mỹ cho rằng xung đột tại Ukraine là lý do chính khiến giá cả tại Mỹ tăng vọt. Cuộc xung đột bùng phát vào cuối tháng Hai đã đẩy giá năng lượng leo thang phi mã, và sau đó bắt đầu đẩy giá thực phẩm lên cao hơn.

Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng chỉ trích đảng Cộng hòa như một phần lý do cho những thách thức kinh tế của quốc gia, viện dẫn một kế hoạch được đưa ra trong năm nay của Thượng nghị sỹ Rick Scott về áp mức thuế thu nhập liên bang tối thiểu. Hiện khoảng một nửa người dân Mỹ không đóng thuế thu nhập liên bang vì lương của họ không đủ cao theo luật định. Ông Biden cáo buộc đảng Cộng hòa theo đuổi một chương trình nghị sự sẽ tăng thuế đối với các cử tri thuộc tầng lớp lao động.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Biden cũng trấn an người dân Mỹ rằng Fed đang hành động để giảm bớt áp lực lạm phát, điều mà ông gọi là "thách thức hàng đầu" đối với nền kinh tế.

Fed hồi tuần trước đã công bố mức tăng lãi suất chuẩn lớn nhất kể từ năm 2000 và là lần tăng thứ hai trong năm nay, khi ngân hàng trung ương này đang nỗ lực hành động để nhanh chóng thu hẹp các biện pháp kích thích được đưa ra trong thời kỳ đại dịch.

"Hộp công cụ" hạn chế

Bất chấp những lời cam kết và trấn an của ông chủ Nhà Trắng, giới chuyên gia tỏ ra thận trọng về những biện pháp khả thi mà ông Biden có thể thực hiện.

Một yếu tố góp phần lớn vào lạm phát tại Mỹ là giá xăng tăng, chủ yếu do giá “vàng đen” lên cao và liên tục quanh mức hơn 100 USD/thùng. Ông Devin Gladden, Giám đốc phụ trách các vấn đề liên bang tại AAA cho biết, việc tăng giá dầu trong tháng này phần lớn là phản ứng trước thông báo của Liên minh châu Âu (EU) về khả năng khối này ngừng tất cả hoạt động nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm. Động thái của châu Âu có tác động đến thị trường thế giới lớn hơn nhiều so với bất kỳ biện pháp ngắn hạn nào mà chính quyền Tổng thống Biden có thể thực hiện để kiếm chế giá xăng.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Edward Chow, một học giả về an ninh năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định, không ai có thể biết cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ kéo dài bao lâu, hoặc tác động sâu rộng đến thị trường năng lượng toàn cầu như thế nào?

Chuyên gia này cho biết sự kiện dẫn tới việc vẽ lại bản đồ xuất khẩu dầu toàn cầu này có thể khiến Mỹ phải đối mặt với tình trạng giá tăng cao kéo dài – điều mà nước này từng phải chịu đựng trong thời gian Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) áp đặt các lệnh cấm vận hồi đầu những năm 1970 và cuộc cách mạng Iran diễn ra sau đó.

Nhưng đây không chỉ là vấn đề của việc tăng thêm nguồn cung dầu thô cho thị trường. Ông Kevin Book, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu thị trường năng lượng ClearView Energy Partners, cho biết khả năng lọc dầu của Mỹ đã giảm đi khi các cơ sở cũ hơn, bẩn hơn, kém hiệu quả hơn đã được thay thế bằng các thiết bị lọc dầu đời mới hơn. Theo ông, năng lực lọc dầu hiện tại của nước Mỹ đã kém hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh cao nhất là sau giai đoạn gián đoạn sản xuất vì dịch bệnh.

Đại dịch COVID-19 đã tăng thêm các thách thức năng lượng đối với Mỹ. Trong thời kỳ đầu của dịch, nhu cầu đã có lúc giảm xuống rất thấp đến mức có thời điểm dầu được giao dịch với giá 0 USD/thùng. Điều đó, cùng với sự không chắc chắn của thị trường năng lượng khi Mỹ và châu Âu chạy đua để từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, khiến các công ty dầu mỏ có ít động lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các giếng khoan mới đầy tốn kém. Và việc xây dựng mới cũng sẽ mất rất nhiều thời gian.

Các biện pháp khắc phục khác có thể giúp ích đôi chút ngay bây giờ lại không phù hợp về mặt chính trị. Ông Patrick De Haan, Trưởng bộ phận phân tích xăng dầu của dịch vụ theo dõi giá GasBuddy, cho biết, một trong số các biện pháp đó là Chính phủ Mỹ nới lỏng các quy định về môi trường đối với xăng dầu trong những tháng mùa Hè ở các khu vực đô thị lớn. Ông nói rằng việc tạm dừng các yêu cầu về việc sử dụng các loại hỗn hợp xăng sạch hơn ở những nơi này có thể làm giá giảm 20-40 xu/ gallon xăng.

Chính sách ưu đãi thuế để giảm giá xăng là một lựa chọn khác thuộc nhóm này. Tuy nhiên, chính sách này sẽ gửi một tín hiệu giả tạo cho người tiêu dùng rằng giá đang giảm và họ có thể lái xe nhiều hơn, trong khi thực tế là nguồn cung vẫn eo hẹp. Ngoài ra, chính sách đó còn đoạt mất khoản kinh phí cần thiết cho xây dựng tu sửa đường xá.

Việc thúc giục các bang giảm giới hạn tốc độ cũng có thể giúp người tiêu dùng tiết kiệm xăng. Nhưng các động lực chính trị lại không đủ lớn để thúc đẩy chính sách này.

Nhìn chung, những biện pháp trên thường đi kèm sự hy sinh về môi trường, nhưng chỉ có tác dụng rất hạn chế và thường không được đón nhận.

Một biện pháp được Tổng thống Biden đặt nhiều hy vọng được cho là chương trình nghị sự Xây dựng trở lại tốt hơn (Build Back Better), tập trung vào gói lập pháp nhằm giảm chi phí cho hộ gia đình. Nhưng gói biện pháp đó đang bị đình trệ tại Thượng viện.

Điều đó khiến Nhà Trắng phải viện tới các biện pháp khiêm tốn hơn, bao gồm cả việc giải phóng Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược. Song động thái đó cũng không mang lại nhiều tác động cho người tiêu dùng. Nhà Trắng cũng nêu ra hành động kéo dài lệnh “đóng băng” các khoản thanh toán nợ sinh viên được đưa ra dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, với tác động không mấy nổi bật.

Hôm thứ Ba, ông Biden cũng đề cập đến Fed, cơ quan đóng vai trò lớn trong nỗ lực chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Tuy nhiên, hiệu quả của các đợt tăng lãi suất gần đây trong việc kiềm chế lạm phát vẫn chưa rõ ràng, khi Fed cũng cố gắng tránh đẩy nền kinh tế vào suy thoái với các biện pháp mạnh tay.

Trong buổi hợp báo ngày 10/5, ông Biden cũng cho biết đang “xem xét cách thức tốt nhất” để giảm các mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc do cựu Tổng thống Trump áp đặt, nhưng lưu ý hiện chưa có quyết định nào được đưa ra. Các quan chức chính quyền Biden vẫn “dậm chân tại chỗ” trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc trong nhiều tháng về việc nới lỏng thuế quan và đến nay vẫn chưa công bố một bước đột phá nào.

Việc dỡ bỏ các biện pháp này có thể sẽ mang lại rủi ro chính trị cho Nhà Trắng, vốn không muốn bị coi là yếu thế trước Trung Quốc. Nhưng ông Jason Furman, cựu cố vấn kinh tế của Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết việc dỡ bỏ thuế quan là một trong số ít những biện pháp ông Biden có thể thực hiện để giải quyết trực tiếp vấn đề lạm phát. Dù vậy, các phân tích trước đây của Nhà Trắng phát hiện rằng động thái đó có tác động khá nhỏ đến việc kiểm soát giá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục