Tại sao giá dầu khó tăng trở lại mức 100 USD/thùng?

14:09' - 20/12/2023
BNEWS Theo bài viết trên tờ Wall Street Journal (WSJ), giá dầu dự kiến sẽ giảm lần đầu tiên sau ba năm và kỳ vọng quay trở lại mức 100 USD/thùng vào đầu năm 2024 sẽ khó xảy ra.

Theo bài viết trên tờ Wall Street Journal (WSJ), do sản lượng khai thác dầu kỷ lục của Mỹ lấn át những nỗ lực thắt chặt sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (gọi tắt là OPEC+), giá dầu dự kiến sẽ giảm lần đầu tiên sau ba năm và kỳ vọng quay trở lại mức 100 USD/thùng vào đầu năm 2024 sẽ khó xảy ra.

Tháng 11/2023, Saudi Arabia tuyên bố tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày, Nga cũng cam kết giảm nguồn cung dầu ra thị trường 300.000 thùng/ngày. Với các động thái thắt chặt nguồn cung, OPEC kỳ vọng đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong năm nay.

 

Nhưng thực tế là giá dầu đang dần đi xuống. Hiện giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã giảm 27% từ mức đỉnh của năm là 93,68 USD/thùng xác lập vào ngày 27/9 và giá dầu kỳ hạn Brent toàn cầu giảm 24% từ mức 96,55 USD/thùng cùng ngày.

Chuyên gia Stacey Morris, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng tại công ty VettaFi, cho biết kỳ vọng hồi đầu năm 2023 là giá dầu sẽ tăng theo thời gian do nhu cầu của Trung Quốc - nước mua dầu nhiều nhất thế giới - mạnh hơn và nguồn cung dự kiến thắt chặt hơn.

Chia sẻ với MarketWatch, bà Morris cho biết: "Hầu hết mọi người vào thời điểm đó đều nghĩ rằng sản lượng và xuất khẩu của Nga sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Giá dầu tăng một phần do việc cắt giảm thêm sản lượng của Saudi Arabia và Nga cũng như những rủi ro địa chính trị mới ở Trung Đông. Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh, giá dầu đã nhanh chóng đảo ngược”.

Ngày 12/12, giá dầu thô thế giới chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2023, với giá dầu WTI giao tháng 1/2024 ở mức 68,61 USD/thùng và dầu Brent giao kỳ hạn tháng 2/2024 ở mức 73,24 USD/thùng.

Chuyên gia Morris cho rằng việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ giúp bảo vệ mức đáy của giá dầu, nhưng việc cắt giảm thêm sẽ làm tăng công suất dự phòng. Bà nói: “Do đó, động thái này được cho là đã làm giảm đà tăng của giá dầu”.

Căng thẳng ở Trung Đông và xung đột Nga - Ukraine bước đầu cho thấy đã có tác động đến nguồn cung dầu toàn cầu, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể hỗ trợ lâu dài cho giá dầu.

Theo chuyên gia Morris, mặc dù có những rủi ro về nguồn cung, song “sản lượng khai thác tăng lên từ Mỹ, Guyana, Brazil và các nước khác đã bù đắp phần thiếu hụt. Những lo ngại rằng các sự kiện ở Trung Đông sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung dầu phần lớn đã biến mất”.

 

* Sản lượng khai thác

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA), sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã giữ ổn định ở mức cao kỷ lục 13,2 triệu thùng/ngày trong vài tuần, trước khi giảm nhẹ 100.000 thùng/ngày xuống còn 13,1 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 1/12.

Ông Matt Smith, nhà phân tích trưởng khu vực châu Mỹ tại công ty Kpler, cho biết sản lượng dầu nội địa của Mỹ dự kiến đạt trung bình gần 12,9 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn khoảng 1 triệu thùng so với năm ngoái.

Ông phân tích sản lượng và xuất khẩu dầu thô của Mỹ đang tăng đồng thời, do các nhà máy lọc dầu chuyển sang sản xuất dầu thô ngọt, nhẹ và sản lượng tăng lên đang được sử dụng cho xuất khẩu. Ông Smith nói: “Nếu sản lượng khai thác tiếp tục tăng dần như chúng tôi mong đợi, xuất khẩu cũng sẽ tăng như vậy”.

Chuyên gia Robert Yawger, Giám đốc điều hành bộ phận hợp đồng năng lượng tương lai tại công ty Mizuho Securities USA, cho biết sản lượng khai thác dầu của Mỹ đặt ra mối đe dọa rõ ràng và ngày càng tăng đối với sự kiểm soát thị trường dầu mỏ của Nga và Saudi Arabia.

Ông nói: “Mỹ hiện là nhà sản xuất có khả năng tác động đến thị trường dầu mỏ toàn cầu, không phải Saudi Arabia hay Nga”. Ông cũng lưu ý rằng sản lượng của Mỹ sẽ phụ thuộc vào "điều kiện thị trường chứ không phải các sự kiện chính trị".

Theo chuyên gia Yawger, dầu thô Midland của Mỹ hiện đã được đưa vào tiêu chuẩn dầu Brent. Cuối tháng 5/2023, tổ chức Intercontinental Exchange Inc. (ICE) đã công bố rằng Midland WTI sẽ được đưa vào rổ giá dầu Brent. Điều đó có nghĩa là dầu thô Mỹ đang “quyết định giá dầu thô quốc tế”, ông Yawger khẳng định.

Trong khi đó, các nước như Brazil, Guyana, Nigeria và Na Uy cũng đang tăng xuất khẩu dầu thô. Không nằm ngoài vòng xoáy đó, các thành viên OPEC+, như Iran và Nga, cũng đã lên kế hoạch tăng xuất khẩu trong năm nay. Dữ liệu của Kpler cho thấy xuất khẩu dầu thô của Guyana đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, đạt khoảng 600.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, Venezuela đã gây ra tranh chấp lãnh thổ với Guyana, với việc Caracas chấp thuận một cuộc trưng cầu dân ý tuyên bố chủ quyền đối với một vùng thuộc khu vực Essequibo giàu dầu mỏ của Guyana. Điều này có thể gây cản trở kế hoạch khai thác dầu của Guyana.

* Nhu cầu dầu thô thế giới

Những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là khi các nước lớn chọn cách tăng lãi suất để chống lại lạm phát cao, đã làm tăng khả năng “hạ cánh cứng” của các nền kinh tế lớn trong năm nay, đe dọa nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Chuyên gia Morris của VettaFi cho biết nhu cầu vẫn "ổn" khi năm 2023 sắp kết thúc và trong khi "những lo ngại về nhu cầu dài hạn đè nặng lên giá dầu vào các thời điểm khác nhau trong năm nay", nguồn cung nhìn chung đã tăng bất ngờ.

Tuy nhiên, chuyên gia Yawger nhấn mạnh rằng: "Cầu mới là vấn đề chứ không phải cung". Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ “thực sự phù hợp với sự sụt giảm nhu cầu”. Mặc dù vậy, có vẻ như thị trường “không còn quan tâm đến những lời hoa mỹ (của OPEC+) và muốn thấy việc cắt giảm sản lượng có thể kiểm chứng. Nếu điều này không xảy ra, giá dầu có thể sẽ giảm mạnh trong những tuần tới”.

Chuyên gia Yawger cho biết sự thiếu hụt nguồn cung “có thể được bù đắp bởi dầu thô giá rẻ từ Mỹ, nơi giá chuẩn thường thấp hơn 4 USD so với giá chuẩn Brent quốc tế”.

Một số dự đoán cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt ngưỡng 102,5 triệu thùng/ngày vào năm 2024 và nguồn cung sẽ là 103 triệu thùng/ngày. Ông Yawger tin rằng giá xăng sẽ có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường. Ông nói: “Nếu nhu cầu xăng ở các nước phát triển tiếp tục giảm, giá dầu thô có thể giảm xuống dưới 50 USD/thùng trong những tuần tới”.

Chuyên gia Smith của Kpler phân tích triển vọng thị trường dầu thế giới có vẻ "đặc biệt yếu" trong nửa đầu năm 2024, với hoạt động lọc dầu chậm chạp có thể gây áp lực lên nhu cầu dầu, trong khi nguồn cung ngoài OPEC+ mạnh bù đắp cho việc cắt giảm sản lượng từ các nước OPEC+.

Kpler dự đoán việc cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia sẽ được kéo dài trong suốt năm 2024, do dự báo nhu cầu trong nửa đầu năm yếu. Tuy nhiên, đến nửa cuối năm 2024, giá dầu có thể sẽ tăng vì hoạt động lọc dầu “chứng kiến sự gia tăng theo mùa trong mùa Hè và việc cắt giảm sản lượng của các nước OPEC+ có hiệu lực”.

Mặc dù vậy, chuyên gia Smith cho biết Kpler không kỳ vọng giá dầu sẽ quay trở lại mức 100 USD/thùng. Ông nói: “Cách duy nhất dẫn đến điều này là nếu có sự leo thang địa chính trị lớn hơn sẽ dẫn đến sự gián đoạn trong nguồn cung”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục