Tại sao lạm phát giảm mà giá vàng vẫn tăng?

05:30' - 31/05/2024
BNEWS Theo báo Handelsblatt, vàng được coi là một khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ lạm phát cao. Nhưng tại sao ở thời điểm hiện nay khi lạm phát đang tiếp tục đà giảm thì giá vàng lại tăng?
Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Steinbeis ở Berlin (Đức), thay mặt cho Reisebank – một ngân hàng chuyên về kinh doanh ngoại hối và kim loại quý, các hộ gia đình Đức hiện sở hữu hơn 9.000 tấn vàng. Gần 40% trong số khoảng 2.000 nhà đầu tư Đức được hỏi cho biết lý do quan trọng nhất để đầu tư vào kim loại quý là để tiền không bị mất giá do lạm phát.

Việc các nhà đầu tư bỏ tiền vào vàng vì sợ tiền của họ sẽ bị mất giá, cùng với những lý do khác, là do vàng được công nhận trên toàn thế giới như một phương tiện thanh toán và - không giống như các loại tiền tệ như đồng euro hay USD - không thể tự tiện tăng giá.

Dự trữ vàng là hữu hạn và chỉ có một lượng nhỏ một vài phần trăm được thêm vào mỗi năm.

Tỷ lệ lạm phát đang có xu hướng giảm ở Đức, cũng như trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Nhưng giá vàng lại chỉ biến động theo đúng một chiều đi lên, đặc biệt trong tháng Ba và tháng Tư có tới 15 lần phá vỡ các mức cao kỷ lục mọi thời đại. Sang tháng Năm, giá kim loại quý này lại đạt kỷ lục mới và hiện nằm quanh ngưỡng 2.450 USD/ounce.

Nhiều người đặt câu hỏi rằng nếu vàng được coi là công cụ để phòng chống lạm phát thì tại sao khi lạm phát giảm giá vàng lại vẫn tăng?

Câu trả lời ngắn gọn là: Bởi vì diễn biến giá vàng và lạm phát không có mối tương quan thuận chiều trong ngắn hạn và trung hạn. Câu trả lời dài thì phức tạp hơn một chút.

Lạm phát giảm từ mức rất cao

Thoạt nhìn, đây là một tin tốt: Trong tháng Tư, lạm phát ở Đức chỉ ở mức 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Để so sánh, trong tháng 12/2023, tỷ lệ lạm phát vẫn là 3,7%. Theo Chính phủ liên bang Đức, tỷ lệ lạm phát trung bình sẽ giảm xuống 1,8% vào năm 2025.

Nhưng điều thường bị bỏ qua là tỷ lệ lạm phát giảm từ mức rất cao. Năm 2023, giá cả tại Đức tăng trung bình 5,9% so với năm 2022. Trong năm 2022, giá thậm chí còn tăng 6,9% so với năm 2021. Điều này có nghĩa là giá tiêu dùng đã tăng mạnh trong hai năm qua và hiện lại tăng thêm 2,2% nữa.

Lạm phát của Mỹ quan trọng hơn đối với giá vàng

Tuy nhiên, lạm phát ở Đức không mấy ảnh hưởng đến giá vàng vì vàng thường được giao dịch bằng USD. Yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng nhiều hơn là tỷ lệ lạm phát của Mỹ, vốn ở mức 3,5% trong tháng Tư, so với mức 9,1% vào tháng 6/2022.

Tuy nhiên, thời điểm để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất có lẽ còn phải chờ một khoảng thời gian dài nữa, khi lạm phát vẫn “cứng đầu” ở mức trên 3% trong nhiều tháng.

Hy vọng “treo” về sự thay đổi lãi suất cũng là một lý do khiến đà tăng giá vàng đôi khi ngừng lại bởi vì lãi suất cao cũng gây áp lực lên giá vàng. Không giống như các khoản đầu tư khác được coi là an toàn, chẳng hạn như trái phiếu chính phủ hoặc tiền cho vay qua đêm, kim loại quý này lại không tạo ra bất kỳ khoản thu nhập đều đặn nào. Trong môi trường lãi suất cao, vàng có vẻ kém hấp dẫn hơn so với nhiều loại tài sản khác.

Điều này cho thấy trong ngắn hạn, lạm phát quá mức thậm chí có thể làm giảm giá vàng vì nó cản trở sự thay đổi lãi suất.

Vậy thì điều gì thúc đẩy giá vàng?

Ông Daniel Rauch, chuyên gia về hàng hoá tại LBBW Asset Management, nhấn mạnh: “Sự tăng giá thuần túy của vàng không liên quan nhiều đến lạm phát”. Trên thực tế, nhu cầu về vàng của phương Tây đang giảm: Các quỹ hoán đổi danh mục ETF được đảm bảo bằng vàng tiếp tục ghi nhận dòng vốn chảy ra và không có nhiều khách hàng muốn mua dự trữ vàng chờ đợi trước các chi nhánh giao dịch kim loại quý này.

Quan sát của chuyên gia Rauch được hỗ trợ bởi những số liệu mới từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Theo đó, nhu cầu về vàng thỏi và tiền vàng ở Đức đã giảm 48% trong quý đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng ở Trung Quốc lại hoàn toàn khác: Nhu cầu đầu tư vào vàng tăng 68%. Do thị trường bất động sản Trung Quốc đang khủng hoảng và thị trường chứng khoán yếu ớt, vàng trở thành một trong những kênh đầu tư thay thế của các nhà đầu tư nước này.

Giám đốc danh mục đầu tư Rauch cho biết: “Nhu cầu của Trung Quốc, cả của nhà đầu tư và ngân hàng trung ương, đóng một vai trò quan trọng trong sự đi lên của giá vàng”. Theo WGC, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bổ sung tổng cộng 27 tấn vàng vào kho dự trữ trong quý đầu năm nay. Còn theo chuyên gia Rauch, lượng dự trữ vàng của Trung Quốc có thể còn cao hơn mức thông báo chính thức vì Trung Quốc sản xuất khoảng 10% sản lượng vàng toàn cầu nhưng đang hạn chế xuất khẩu.

Không chỉ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) mà các ngân hàng trung ương khác cũng mua số lượng lớn vàng. Trong năm 2022 và 2023, lượng mua vàng của các ngân hàng trung ương đạt mức chưa từng có và làn sóng mua vàng tiếp tục diễn ra trong quý I/2024.

Ngoài ra, theo WGC, nhu cầu mua vàng trực tiếp (OTC) từ các ngân hàng của các nhà đầu tư cá nhân giàu có và các doanh nghiệp tư nhân cũng tiếp tục tăng. Theo chiến lược gia trưởng John Reade của WGC, phần lớn nhu cầu OTC này đến từ Đông Nam Á và Thổ Nhĩ Kỳ.

Xu hướng tăng giá mới nhất cho thấy giá vàng không còn chỉ được thúc đẩy bởi nhu cầu của phương Tây như trước đây mà nhu cầu từ các thị trường mới nổi ngày càng trở nên quan trọng.

Trong dài hạn, lạm phát vẫn đẩy giá vàng tăng

Trong ngắn hạn và trung hạn, giá vàng thế giới sẽ không bị ảnh hưởng bởi lạm phát tăng. Tuy nhiên, lạm phát lại có tác động thúc đẩy giá vàng trong dài hạn, ông Önder Ciftci, người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty kinh doanh vàng Ophirum, viết trong một bài bình luận thị trường.

Nhiều nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng, tùy thuộc vào giai đoạn lịch sử được xem xét, giá vàng và lạm phát không phải lúc nào cũng diễn biến theo cùng một hướng. “Tuy nhiên, về lâu dài, lạm phát sẽ được bù đắp và thậm chí vượt quá sự phát triển của giá vàng. Vì vậy, vàng chắc chắn là một biện pháp bảo vệ chống lại lạm phát, mặc dù khá gián tiếp”, ông Ciftci phân tích.

Ông cho rằng tỷ lệ lạm phát cao khiến mọi người cố gắng đầu tư tiền tiết kiệm của mình vào thứ gì đó có giá trị lâu dài. Đó có thể là những tài sản hữu hình như bất động sản, tác phẩm nghệ thuật hoặc là vàng.

Ví dụ, theo WGC, người tiêu dùng Thổ Nhĩ Kỳ, những người đang phải hứng chịu lạm phát gần 70% so với năm trước, đang đầu tư nhiều hơn vào vàng. Họ đã mua 44 tấn vàng chỉ trong quý I/2024, so với mức trung bình 5 năm trong giai đoạn này là 24 tấn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục