Tâm lý lo ngại có nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới vào giai đoạn giảm tốc

15:11' - 03/01/2019
BNEWS Tâm lý bi quan ngày càng tăng về tương lai đã "chế ngự" các nhà hoạch định chính sách, giới lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà đầu tư
Nền kinh tế thế giới có nguy cơ vào giai đoạn giảm tốc . Ảnh: THX/TTXVN

Lo ngại đã trở thành tâm lý chủ đạo trên các thị trường trong năm 2018, đặc biệt là thời điểm sáu tháng cuối năm, trong bối cảnh tâm lý bi quan ngày càng tăng về tương lai đã "chế ngự" các nhà hoạch định chính sách, giới lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà đầu tư và cả báo giới.

Sự lo ngại, có nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới vào giai đoạn giảm tốc hoặc suy thoái hoàn toàn, cũng gần như đảo ngược các dự báo lạc quan được giới chuyên gia đưa ra trước đó về triển vọng của một loạt thị trường, từ chứng khoán đến dầu mỏ và vàng.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã phải trải qua năm 2018 tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 5,6% tính chung cả năm 2018, S&P 500 để mất 6,2% và chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 4%.

Các thị trường chứng khoán thế giới cũng có một năm tươi không sáng hơn so với thị trường Phố Wall, khi một loạt nhân tố bất ổn như tiến trình Brexit hay vấn đề ngân sách của Italy ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.

Chỉ số FTSE All-World (chỉ số theo dõi cổ phiếu của 3.100 công ty tại 47 quốc gia trên thế giới) đã giảm 12% trong năm 2018. Đây là “màn trình diễn” tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cũng là sự đảo chiều mạnh mẽ từ mức tăng gần 25% trong năm 2017.

Sự suy giảm trên thị trường chứng khoán trong năm nay được thể hiện rõ nhất ở Trung Quốc, giữa bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang cảm nhận được những tác động của triển vọng thương mại không mấy sáng sủa.

Chỉ số Shanghai Composite đã giảm gần 25% trong năm 2018. Chỉ số Shenzhen Composite, bao gồm mã cố phiếu của nhiều công ty công nghệ trong nước, cũng để mất hơn 33% trong năm vừa qua. Tại Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng giảm 14%.

Trên thị trường năng lượng, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Trong phần lớn thời gian của năm 2018, thị trường đã chứng kiến giá dầu đi lên nhờ nhu cầu tăng cao cùng những mối lo ngại về nguồn cung, đặc biệt là khi Mỹ tiến hành áp đặt các lệnh trừng phạt mới kể từ tháng 11/2018 lên Iran – một trong những quốc gia sản xuất dầu lớn của thế giới.

Năm 2018, thị trường đã chứng kiến giá dầu đi lên nhờ nhu cầu tăng cao cùng những mối lo ngại về nguồn cung. Ảnh minh họa: TTXVN

Giữa bối cảnh đó, giá dầu Brent - vốn được coi là thước đo chuẩn cho giá dầu toàn cầu - đã tăng khoảng 30% trong giai đoạn từ tháng 1-10/2018 và lên mức cao 86,74 USD/thùng. Nhiều nhà phân tích tại thời điểm đó dự đoán giá dầu sẽ chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào cuối năm 2018.

Tuy nhiên trái ngược với kỳ vọng, giá dầu Brent đã quay đầu giảm gần 40% từ mức cao nhất của năm 2018 xuống còn khoảng 53,25 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng rơi từ mức cao kỷ lục 77 USD/thùng xuống còn quanh mức 45 USD/thùng chỉ trong vòng ba tháng cuối năm 2018, tương đương mức giảm 42%.

Diễn biến này đánh dấu một trong những đợt suy giảm mạnh nhất mà thị trường năng lượng từng chứng kiến trong những thập niên qua với 12 phiên bán tháo liên tiếp. Kết thúc năm 2018, giá dầu WTI mất khoảng 25% trong khi giá dầu Brent giảm 20%.

Câu chuyện trên thị trường kim loại quý trong năm qua cũng đầy những thăng trầm. Giá vàng khởi đầu năm 2018 đầy hứng khởi và đạt mức kỷ lục 1.357,70 USD/ounce vào tháng 1/2018, khiến nhiều nhà phân tích tỏ ra lạc quan về triển vọng của kim loại quý này trong năm vừa qua khi những diễn biến địa chính trị như cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể hỗ trợ đà tăng cho giá vàng.

Nhưng sau đó, vàng đã không duy trì được đà tăng để rồi rơi xuống mức thấp 1.182,4 USD/ounce trong tháng 9/2018. Giá vàng kết thúc năm 2018 đầy biến động với mức giảm 1,7% so với năm trước. Theo giới chuyên gia, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục đẩy mạnh lộ trình tăng lãi suất và nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định trong năm 2019, giá vàng có thể sẽ chịu thêm nhiều áp lực đi xuống hơn nữa.

Trên thị trường các kim loại công nghiệp, hầu như mọi hợp đồng tương lai được giao dịch tại London và New York kết thúc năm với những tổn thất hai con số, bất chấp việc Trung Quốc – một trong những quốc gia mua kim loại nhiều nhất trên thế giới – đã đạt được thỏa thuận “đình chiến thương mại” với Mỹ. Đồng, kim loại đứng đầu trên thị trường kim loại toàn cầu, đã giảm tới 17% trong năm 2018, trong khi kẽm và chì đều ghi nhận mức suy giảm vượt quá 20%.

Với những diễn biến đầy bất ổn trong thời gian qua, với việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần vì những bất đồng xung quanh vấn đề ngân sách cho bức tường biên giới với Mexico, giới phân tích cho rằng tâm lý nhà đầu tư sẽ vẫn khá bất ổn. Bên cạnh đó, những quan ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế trên quy mô toàn cầu phần nào cũng tác động xấu đến đà hồi phục của các thị trường này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục