Tầm nhìn dài hạn cho ngành du lịch Thái Lan

06:30' - 08/05/2024
BNEWS Theo bangkokpost.com, du lịch quá tải đã trở thành một “chủ đề nóng”, khi lượng khách du lịch đổ về khiến nhiều điểm đến cảm thấy họ không thể đáp ứng sự tăng trưởng nhanh chóng.

Venice, một điểm đến nổi tiếng ở Italy, đã bắt đầu thu phí vào cửa hàng ngày, trong khi Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản khởi xướng kế hoạch chuyển dòng khách du lịch đến các tỉnh ít người ghé thăm, cách xa các thành phố lớn.
Các khu vực ở Thái Lan cũng phải đối mặt với những lo ngại tương tự khi nước này dự kiến đón 40 triệu lượt khách nước ngoài trong năm nay.
* Cần có kế hoạch

Bà Somradee Chitchong, Tổng cục phó phụ trách tiếp thị nội địa tại Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), cho biết nước này thiếu kế hoạch chi tiết về năng lực vận chuyển du lịch để giúp mỗi tỉnh và huyện quản lý một cách chiến lược lượng du khách.

Bà nói: “Nếu Thái Lan đặt mục tiêu trở thành một trung tâm du lịch, đặc biệt là phục vụ du lịch có trách nhiệm, thì điều quan trọng là phải phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với số lượng du khách”.

Theo quan chức này, kế hoạch chi tiết cho mỗi tỉnh nên tính đến số phòng sẵn có, các điểm tham quan và tài nguyên thiên nhiên, giao thông và logistics, cơ sở chăm sóc sức khỏe cũng như cơ sở hạ tầng điện nước.

Bà Somradee cho rằng những kế hoạch chi tiết này có thể đóng vai trò là chỉ báo về tăng trưởng du lịch, đặc biệt liên quan đến sự liên kết với 5 trụ cột của chính phủ theo cam kết “Khơi ngòi Du lịch Thái Lan 2025”, nhằm biến quốc gia này thành trung tâm du lịch khu vực bằng cách thu hút nhiều sự kiện và lễ hội hơn.

Bà cho biết, các kế hoạch chi tiết có thể giúp phân tích tiềm năng của mỗi tỉnh trong việc tạo điều kiện phát triển các điểm du lịch quy mô lớn. “May mắn là sau đại dịch, lượng khách du lịch vẫn chưa vượt quá khả năng, do các chuyến bay chưa trở lại mức như năm 2019”, bà Somradee nói.

Thái Lan có nhiều điểm du lịch hấp dẫn rải đều khắp 77 tỉnh thành. Do đó, TAT đã sử dụng các chiến lược tiếp thị để thúc đẩy nhu cầu đi lại đến các khu vực ít tắc nghẽn hơn trong mùa thấp điểm, nhằm phân tán khách du lịch và tăng thu nhập du lịch ở những khu vực đó. Những chiến lược này bao gồm việc quảng bá 55 thành phố hạng hai là điểm đến tiềm năng cũng như du lịch vào các ngày trong tuần.

* Dư địa tăng trưởng

Trong khi một số quốc gia chứng kiến người dân địa phương phản đối đám đông khách du lịch, thì hiếm khi thấy người Thái phản đối làn sóng du khách, ngay cả trước đại dịch. Điều này một phần là do ngành du lịch đóng góp lớn vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan.

Bà Somradee cho biết như trước đây, lượng lớn khách du lịch chỉ đổ về một vài điểm, đặc biệt là vào những thời điểm nhất định trong năm. Ví dụ như Vịnh Maya, mới mở cửa trở lại sau nhiều năm đóng cửa, và Chiang Mai, nơi đón rất nhiều du khách Trung Quốc nhờ thành công của bộ phim “Lost in Thailand” (Lạc lối ở Thái Lan) cách đây một thập kỷ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Koh Samui Ratchaporn Poolsawadee, ngay cả trước đại dịch thì Samui chưa từng trải qua tình trạng du lịch quá tải và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trên đảo. “Người dân Samui rất háo hức chào đón khách du lịch vì ngành công nghiệp này là động lực kinh tế cho hòn đảo”, ông Ratchaporn nói.

Hiện số lượng chuyến bay đến Samui vẫn thấp hơn nhu cầu đi lại và nguồn cung khách sạn. Trong khi số lượng phòng khách sạn tăng lên hàng năm, lượng khách du lịch đến bị hạn chế bởi sức chứa của sân bay Samui và chỉ có 2-3 công ty phà hoạt động từ Surat Thani.

Ông Ratchaporn cho biết mặc dù còn dư địa để phát triển du lịch nhưng hòn đảo này cần có lộ trình dài hạn, trong đó vạch ra các kế hoạch phát triển lớn như phát triển đường sá, mở rộng sân bay và cơ sở hạ tầng nước.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Srettha Thavisin tới Samui vào tháng trước, các nhà điều hành du lịch đã đề xuất xây dựng thêm đường ống dẫn nước và các cơ sở hạ tầng cũng như đường vành đai ngoài để giảm bớt tắc nghẽn trong thành phố.

Các giám đốc điều hành của Bangkok Airways, chủ sở hữu sân bay Samui, cũng thảo luận về việc đầu tư mở rộng sân bay để phục vụ các hãng hàng không khác và các loại máy bay lớn hơn.

* Quản lý tài nguyên

Cục trưởng Cục Du lịch thuộc Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan Jaturon Phakdeewanit, cho biết Cục Du lịch đang thúc đẩy du lịch bền vững cùng với cộng đồng địa phương để đảm bảo số lượng khách du lịch phù hợp với việc quản lý tài nguyên.

Ông Jaturon cho biết Cục đã hợp tác với các cộng đồng trên 21 hòn đảo như Koh Tao ở tỉnh Surat Thani và Koh Chang ở tỉnh Trat theo dự án “Tuyên bố Koh Tao”, nhằm giảm lượng khí thải carbon như một phần trong nỗ lực đưa Thái Lan trở thành điểm đến không phát thải carbon.

Theo ông, dự án sẽ cho phép các nhà khai thác và cộng đồng đo lường lượng rác thải và lượng khí thải carbon của họ, so sánh với mức họ có thể bù đắp vào thời điểm đó. “Nếu dấu chân carbon vượt quá một mức nhất định, người dân địa phương có thể quyết định hạn chế lượng khách đến hoặc số lượng hoạt động để đảm bảo hoạt động của họ ở mức bền vững”.

Ông Bill Barnett, Giám đốc điều hành của C9 Hotelworks, một nhà tư vấn khách sạn có trụ sở tại Phuket, cho biết với hơn 100.000 phòng khách sạn ở Phuket, điều quan trọng là ngành khách sạn phải thúc đẩy hoạt động bền vững trong bối cảnh du lịch của hòn đảo này tăng trưởng. Chúng bao gồm giải quyết vấn đề bảo tồn nước, giảm tiêu thụ điện và sử dụng công nghệ mới để cải thiện hiệu suất.

Ông Barnett cho biết việc khôi phục các công viên thiên nhiên và quản lý tài nguyên nên là ưu tiên hàng đầu sau khi nhiều nơi bị xuống cấp sau đại dịch.

Ông cho biết Phuket cũng cần một kế hoạch phát triển tổng thể để đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương khi nơi này ngày càng đô thị hóa, nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào du lịch. Theo ông, người dân địa phương không phản đối du lịch quy mô lớn nhưng lo ngại về hành vi ngang ngược của người nước ngoài, chẳng hạn như trường hợp gần đây về một người nước ngoài Thụy Sỹ hành hung một nữ bác sĩ.

* Phí du lịch không phải là giải pháp

Một số nhà điều hành du lịch đề nghị thu phí từ khách du lịch để ngăn chặn tình trạng quá tải du lịch, khôi phục cơ chế phí du lịch 300 baht. Venice hiện tính phí vào cửa cho những người đi trong ngày là 5 euro, với hy vọng giảm số lượng khách du lịch và mang lại trải nghiệm dễ sống hơn cho người dân.

Đầu năm nay, Nhật Bản công bố kế hoạch thu phí 2.000 yen đối với người leo núi Phú Sỹ. Đề án thu phí du lịch của Thái Lan đã được chính phủ tiền nhiệm nghiên cứu và hoàn thiện. Những người đến bằng đường hàng không phải trả 300 baht, trong khi những người đến bằng đường bộ phải trả 150 baht.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị cựu Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Sudawan Wangsupakijkosol hoãn vô thời hạn trong nỗ lực tiếp tục thu hút khách du lịch quay trở lại Thái Lan.

Ông Ratchaporn cho biết ông sẽ không phản đối việc thu phí 300 baht nếu kế hoạch này được thực hiện vì Samui thu hút những khách du lịch có mức chi tiêu cao và không quá nhạy cảm về giá cả.

Tuy nhiên, ông cho rằng phí nên được thu một cách hợp lý mà không làm ảnh hưởng đến tâm lý du lịch, chẳng hạn như bao gồm trong vé máy bay, và số tiền thu được sẽ được sử dụng một cách khôn ngoan thông qua các quỹ du lịch.

Ông Ratchaporn cho biết các nhà điều hành du lịch ở các khu vực khác có thể có quan điểm khác. Ông nói: “Các nhà điều hành ở các khu vực hạng hai có thể phản đối ý tưởng này, cho rằng điều đó không công bằng vào thời điểm họ đang cố gắng chào đón khách du lịch”.

Bà Somradee cho biết thu phí nhập cảnh du lịch không phải là phương pháp duy nhất để giải quyết tình trạng du lịch quá mức và cơ chế này không phù hợp với tất cả các điểm đến.

Một số đảo và công viên quốc gia đã thu phí vào cửa để duy trì tài nguyên của họ. Vì Amsterdam gần đây đã công bố hạn chế phát triển khách sạn mới, bà cho biết điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì nhiều thành phố ở châu Âu không chỉ dựa vào du lịch mà còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động kinh doanh khác.

Bà Somradee khẳng định, cho đến khi Thái Lan ít phụ thuộc hơn vào ngành du lịch, nước này không nên xem xét việc hạn chế phát triển khách sạn mới.

* Các nỗ lực bền vững

Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) cho biết cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn để phát triển du lịch bền vững, vì điều này không chỉ quan trọng đối với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, vốn thu hút khách du lịch mà còn giúp thúc đẩy các doanh nghiệp phụ thuộc vào việc mở rộng hoạt động du lịch.

Ông Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch FTI cho biết: “Chính quyền, nhà điều hành doanh nghiệp và người dân địa phương phải hợp tác để giải quyết các tác động tiêu cực của du lịch, đặc biệt là nước thải và rác thải nhiều hơn, để mở đường cho du lịch bền vững”. Theo ông, nếu không quản lý môi trường tốt, các điểm du lịch sẽ mất đi sức hấp dẫn, dẫn đến lượng khách du lịch giảm. Bên cạnh đó, nếu không tính đến sức chứa của các khu vực phục vụ du khách, người dân địa phương sẽ phải gánh chịu.

Cuối cùng, du lịch quá mức có thể ảnh hưởng đến kế hoạch kiếm doanh thu từ các doanh nghiệp liên quan đến du lịch. Ông Kriengkrai cho biết điều này có thể cản trở nền kinh tế Thái Lan vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch.

Theo Văn phòng Kinh tế Công nghiệp, sự phục hồi sau đại dịch của ngành du lịch đang góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành thực phẩm và dầu khí. Trong tháng 3, sản lượng sản phẩm dầu mỏ tăng 5,3% so với cùng kỳ do nhu cầu hoạt động du lịch tăng cao.

Ông cho biết, các nhà sản xuất thực phẩm cũng bán được nhiều sản phẩm hơn, tương ứng với sự gia tăng lượng khách du lịch nước ngoài. Ông nói: “Khi trở về nhà, khách du lịch mang đồ ăn Thái làm quà lưu niệm. Điều này giúp quảng bá ẩm thực Thái Lan”, đồng thời cho biết thêm rằng sự phổ biến của quần in hình voi đối với người nước ngoài cũng phản ánh xu hướng tương tự.

Theo ông Kriengkrai, lĩnh vực thảo dược cũng được hưởng lợi khi khách du lịch thường xuyên tìm kiếm các sản phẩm tự nhiên như xà phòng, tinh dầu và kem thảo dược. Thái Lan cung cấp nhiều loại mùi hương đa dạng mà khách du lịch có thể thưởng thức.

* Đảm bảo dòng điện

Nhiều tỉnh nổi tiếng với khách du lịch đã phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trong vài năm qua. Nhu cầu điện tăng nhanh trong mùa nắng nóng, đặt ra một số thách thức.
Cơ quan Phát điện Thái Lan (Egat) cho biết, tình trạng mất điện do nhu cầu điện tăng cao, đặc biệt là ở các điểm du lịch đông người, có thể được ngăn chặn bằng cách đảm bảo dòng điện không bị gián đoạn trong mạng lưới truyền tải.

Ông Jakgree Sirimaneewattana, Trợ lý giám đốc Bộ phận Vận hành và Kiểm soát Hệ thống Điện của Egat, cho biết: “Các đường dây truyền tải là cơ sở hạ tầng cung cấp điện thiết yếu cần được quản lý và chăm sóc tốt, đặc biệt là ở Bangkok và Chiang Mai, nơi diễn ra các hoạt động kinh tế quan trọng và thường đông đúc khách du lịch”.

Ông Jakgree cho biết Egat thường xuyên tổ chức diễn tập ứng phó khẩn cấp khi xảy ra tai nạn, không chỉ ở các khu du lịch mà còn trên toàn quốc. “Trong mạng truyền tải của chúng tôi, nếu xảy ra sự cố trên một đường dây, đường dây khác sẽ nhanh chóng tiếp quản để ngăn chặn khả năng mất điện”, ông nói.

Nhu cầu điện tại Thái Lan thường lên cao điểm trong mùa nắng nóng, làm dấy lên lo ngại về việc không đủ nguồn cung cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Đây là lý do tại sao các chương trình bảo trì và sửa chữa các nhà máy điện được lên kế hoạch ngoài mùa Hè để đảm bảo các nhà máy này có thể tiếp tục cung cấp điện.

Egat, cùng với tập đoàn dầu khí quốc gia PTT Plc, đang đảm bảo cung cấp đủ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu cho sản xuất điện. Thái Lan phụ thuộc nhiều vào khí đốt làm nhiên liệu phát điện, nhập khẩu LNG để hỗ trợ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt do nguồn cung trong nước hạn chế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục