Tầm quan trọng của BRICS

06:30' - 07/08/2018
BNEWS Bài viết của nhà báo Aarti Betigeri trên trang Viện nghiên cứu chính sách Lowy (Australia) cho rằng sau 12 năm thành lập, BRICS ngày càng quan trọng song nếu không chú ý tới sẽ là một mối nguy hiểm.
Đại diện các nước thành viên trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10. Ảnh: TTXVN phát 
Trong các nhóm tổ chức quốc tế, BRICS luôn được coi là khác biệt hàng đầu với một nhóm các quốc gia khác nhau với rất ít liên kết, kể cả về khoảng cách địa lý, ngôn ngữ hay hình thức chính phủ. Điểm chung của các nước trong khối gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi này là nền kinh tế cùng trong quá trình chuyển từ đang phát triển sang phát triển. 

Sau khi được thành lập vào năm 2006, khối này tiếp tục tồn tại mặc dù có nhiều tiên đoán về sự sụp đổ. Nhưng 12 năm sau, rõ ràng là BRICS đang ngày càng trở nên "nguy hiểm", tới mức mà các quốc gia đang phát triển khác không thể không quan tâm tới việc có được tham gia vào BRICS hay không. 

Đến năm 2016, BRICS đã chiếm khoảng 41% dân số thế giới, gần 30% diện tích toàn cầu, chiếm 23% GDP toàn cầu và 18% tổng doanh thu thế giới. Trong bối cảnh có những xáo trộn trong trật tự thế giới toàn cầu, BRICS đang có tiền, khả năng và ảnh hưởng.

Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 10 mới đây tại Johannesburg (Nam Phi), các nhà lãnh đạo và đại diện của 5 thành viên đã thảo luận cách thức hợp tác tốt nhất về mặt chiến lược cũng như thực tế trước những khó khăn khác biệt. 

Đặc biệt, BRICS đặt mục tiêu thúc đẩy thương mại đa phương, đầu tư và kết nối tài chính giữa các nước đang phát triển nhằm giảm sự phụ thuộc vào phương Tây.

Hội nghị này đã được cộng đồng quốc tế quan tâm, muốn chứng kiến những động thái và phát biểu của Trung Quốc về thương mại trước mối đe dọa tiềm tàng về một cuộc chiến thương mại với Mỹ trong vấn đề thuế quan. 

Các nhà quan sát cũng muốn xem liệu Trung Quốc có thể khẳng định giữ vai trò chủ đạo trong khối khi mà hiện các thành viên vẫn đóng góp bằng nhau. Truyền thông Trung Quốc đặt lãnh đạo của họ, Chủ tịch Tập Cận Bình, cao hơn hẳn các đối tác, kể cả Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tập Cận Bình không khiến mọi người thất vọng. Trong bài phát biểu chính tại Hội nghị, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các nước đang phát triển và nhu cầu hợp tác đối phó với sự thay đổi nhanh chóng của hệ thống toàn cầu. Ông nói: “Một cuộc chiến thương mại nên bị đẩy lùi vì sẽ không ai là người chiến thắng. 

Quyền bá chủ về kinh tế thậm chí bị phản đối nhiều hơn vì làm suy yếu lợi ích tập thể của cộng đồng quốc tế, những nước theo đuổi cách thức này sẽ bị tổn thương”. Sau đó, ông kêu gọi các nước BRICS hỗ trợ thương mại đa phương, tăng cường tiếng nói của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. 

Các thành viên tham dự đã rất chú ý tới phát biểu này, ký thông qua Tuyên bố Johannesburg, tái khẳng định cam kết chống chủ nghĩa độc quyền và bảo hộ, chỉ ra tầm quan trọng của nền kinh tế thế giới mở cho phép mọi người chia sẻ lợi ích của toàn cầu hóa, kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới và các thành viên tuân thủ các quy tắc, tôn trọng cam kết trong hệ thống thương mại đa phương. 

Tuyên bố cũng tái khẳng định cam kết chung của các thành viên về hợp tác phát triển bền vững, năng lượng, nông nghiệp, khủng bố, biến đổi khí hậu, hòa bình và an ninh quốc tế…

Điều đáng chú ý là chi tiêu chiến lược của Trung Quốc trên lục địa châu Phi. Ngày 24/7, Tập Cận Bình cam kết đầu tư 14,7 tỷ USD vào Nam Phi cùng nhiều khoản đầu tư khác trên khắp châu Phi. Đổi lại, Nam Phi cam kết dành cho Trung Quốc dự án tàu điện ngầm mới tại thành phố Lạc Dương trị giá 300 triệu USD.

Thật vậy, việc cho vay giữa các thành viên BRICS là một phần quan trọng. Ngân hàng Phát triển mới, trước đây là Ngân hàng Phát triển BRICS, hiện có danh mục cho vay gồm 23 dự án cơ sở hạ tầng bền vững với tổng trị giá 5,7 tỷ USD, bao gồm hệ thống đường và cung cấp nước ở khu vực nông thôn, các dự án năng lượng và hơn thế nữa, nhấn mạnh cam kết của khối đối với các nước đang phát triển. 

Với những khoản tiền như thế, không có gì ngạc nhiên khi các nước khác muốn tham gia vào BRICS. Năm ngoái, Trung Quốc đề cập tới “BRICS +” khi mời một số nước tham dự, làm dấy lên suy đoán rằng Bắc Kinh muốn mở rộng khối. Năm nay, khách mời là một số nhà lãnh đạo châu Phi, bao gồm từ Uganda, Angola, Namibia và Togo.

Từ sự khởi đầu không xác định, BRICS đã nổi lên như một khối toàn cầu quan trọng. Sẽ rất thú vị khi theo dõi tương lai tiến triển của khối này. Liệu BRICS vẫn tập trung vào kết nối tài chính hay muốn đóng một vai trò lớn hơn trong quản trị toàn cầu? Liệu Trung Quốc có đảm nhận vai trò lãnh đạo? Quan trọng hơn, liệu khối này có trở thành một kênh khác để Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng?

TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục