Tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU

14:26' - 27/08/2020
BNEWS Các hiệp hội ngành nghề tăng cường vai trò giới thiệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ biết được thế mạnh của mình, từ đó có cơ hội tiếp cận thị trường EU tốt hơn trong EVFTA.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. EVFTA được kỳ vọng mang lại cơ hội lớn cho cả Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư đi vào chiều sâu.

Tuy nhiên, những ưu đãi từ EVFTA chỉ được xem là yếu tố hỗ trợ, còn để đi nhanh, đi được đến đích, điều kiện tiên quyết vẫn phải là sự nỗ lực tự đổi mới sáng tạo của chính các doanh nghiệp.

Nhằm phân tích cơ hội, thách thức, sự chuẩn bị thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam; quá trình, giải pháp giúp doanh nghiệp có thể tận dụng hiệu quả các ưu đãi; những khuyến nghị để hoàn thiện thể chế, chính sách giúp doanh nghiệp hội nhập, sáng 27/8, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm "Phát huy vai trò tự chủ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp - tận dụng cơ hội từ EVFTA".

Trả lời câu hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để khai thác hiệu quả cơ hội lớn từ EVFTA, TS. Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nêu quan điểm: Các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu nội dung của Hiệp định có ảnh hưởng đến ngành nghề của mình.

Dẫn số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy tới thời điểm hiện tại mới chỉ có 1,8% doanh nghiệp biết về EVFTA, TS. Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng hiệp định với số lượng đồ sộ, nhiều trang dẫn đến việcl khó khăn cho các doanh nghiệp để có thể đọc, hiểu.

Đối với các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ còn gặp phải nhiều khó khăn, khó có thể có nguồn lực để nghiên cứu kỹ lưỡng, hiểu biết sâu về điều kiện cũng như cơ hội dành cho doanh nghiệp của mình. TS. Nguyễn Mạnh Tiến đánh giá rất cao các Hiệp hội nghề nghiệp có vai trò tốt, nắm được điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp trong hiệp hội; phản ánh lên các cơ quan chức năng trong quá trình đàm phán, từ đó có những thông tin, giải thích cho doanh nghiệp.

Các cơ hội của doanh nghiệp được hiệp hội phản ánh với đoàn đàm phán và được đưa vào nội dung của EVFTA, và khi hiệp định được ký, hiệp hội quay trở lại phổ biến, tuyên truyền cho doanh nghiệp của mình biết được điểm mạnh, điểm yếu để có thể thâm nhập thị trường.

Để khai thác hiệu quả cơ hội lớn từ EVFTA, TS. Nguyễn Mạnh Tiến nêu, bên cạnh sự cố gắng của Quốc hội, các bộ, ngành thì các hiệp hội ngành nghề tăng cường vai trò giới thiệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ biết được thế mạnh của mình, từ đó có cơ hội tiếp cận thị trường EU tốt hơn.

Đánh giá về cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam cũng như chia sẻ quan điểm về việc doanh nghiệp phải "tự nâng cấp mình" theo các tiêu chuẩn tiêu chí mới để có thể bước vào thị trường EU khó tính, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, muốn tận dụng được cơ hội, doanh nghiệp phải "nâng cấp", phải thay đổi tư duy "an phận thủ thường" với những hợp đồng gia công.

Tiếp theo phải có năng lực cạnh tranh tốt; phải nâng cấp những hiểu biết, cam kết đối với thị trường và nâng cấp quan hệ hợp lý, để hàng Việt Nam xuất khẩu cạnh tranh về giá, bởi nhìn giá khác nhau thì sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

Chia sẻ quan điểm của mình, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định trên cơ sở tạo điều kiện cho tất cả doanh nghiệp Việt Nam nếu có điều kiện đều tận dụng được những mặt tích cực mà hiệp định mang lại, nhưng ông Nguyễn Đức Kiên lưu ý, phải chuẩn bị tinh thần ngay trong thị trường nội địa.

"Các doanh nghiệp sau khi nghiên cứu hiệp định để kiến nghị với Chính phủ những hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ về chính sách, đổi mới công nghệ, đáp ứng được nhu cầu, tiêu chuẩn rất cao"- TS. Nguyễn Đức Kiên nêu.

Các ý kiến cho rằng thực thi EVFTA, doanh nghiệp phải theo luật chơi mới, khó hơn, khắc nghiệt hơn. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại, phải thay đổi cả phương thức sản xuất và đầu tư công nghệ mới, bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể tham gia thương mại quốc tế, tận dụng cơ hội, lợi thế. Đây là con đường mà sớm hay muộn các doanh nghiệp cũng phải đi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục