Tận dụng lợi thế từ nhập khẩu và đầu tư của EU trong EVFTA

16:02' - 06/12/2022
BNEWS Là FTA đầu tiên giữa Việt Nam với khu vực thuộc Top đầu về đầu tư ra nước ngoài, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) mang tới nhiều kỳ vọng về thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư.

Là FTA đầu tiên giữa Việt Nam với khu vực thuộc Top đầu về đầu tư ra nước ngoài, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) mang tới nhiều kỳ vọng về thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư. 

Những cam kết rộng mở trong EVFTA cả về thương mại và đầu tư góp phần thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư châu Âu mở rộng đầu tư, hợp tác kinh doanh tại Việt Nam. Điều này vừa tạo ra thách thức cạnh tranh cho doanh nghiệp với đối tác châu Âu ngay tại sân nhà nhưng cũng là cơ hội lớn để nâng cao hợp tác, tăng cường chuyển giao công nghệ. 

Hơn nữa, với việc xóa bỏ ngay lập tức 85,6% dòng thuế giữa Việt Nam với EU, nhiều ngành hàng của Việt Nam có lợi thế vì giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất...  Qua đó, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đây là nội dung được các đại biểu đưa ra bàn thảo tại Toạ đàm Tận dụng lợi ích từ nhập khẩu, đầu tư của EU trong EVFTA do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 6/12, tại Hà Nội.

 
Chia sẻ điểm nổi bật về hợp tác thương mại sau 2 năm thực thi EVFTA, ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, doanh nghiệp đã tận dụng tương đối tốt lợi thế của EVFTA về nhập khẩu nguyên liệu, máy móc từ EU nhằm gia tăng giá trị và kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Không thể phủ nhận Hiệp định EVFTA đã tạo ra những lợi thế cạnh tranh rất lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang 27 nước thành viên khu vực châu Âu. 

Trong năm 2021 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước khu vực EU đã đạt hơn 57 tỷ USD, tăng hơn 14% so với năm 2020. Riêng 10 tháng năm 2022, kim ngạch đã đạt trên 52 tỷUSD, tăng hơn 14%; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng hơn 23%. 

Đáng lưu ý, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam bây giờ không chỉ tập trung vào các thị trường như Đức, Pháp và Hà Lan như trước đây mà đã tăng trưởng đều và cao hơn trước, ngay cả tại các thị trường ngách như Bắc Âu, Nam Âu hay Đông Âu. 

Sau 2 năm thực thi hiệp định, nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng rất nhiều trong các nhóm chủ yếu là máy móc, thiết bị, sản phẩm linh kiện điện tử và nguồn nguyên liệu từ khu vực châu Âu. 

Đặc biệt, doanh nghiệp đã tận dụng tương đối tốt lợi thế của EVFTA để nhập khẩu thiết bị máy móc, nguyên liệu từ các nước châu Âu phục vụ cho chính quá trình sản xuất. 

Từ những thiết bị máy móc và nguồn nguyên liệu chất lượng tốt của EU, nhiều doanh nghiệp đã tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng và từ đó đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam.

Theo ông Đỗ Hữu Hưng, hiện nay Việt Nam và các nước EU đang tập trung phát triển kinh tế bền vững, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng. Đây là những lĩnh vực mà EU có thế mạnh, phù hợp với chính sách phát triển và định hướng của Việt Nam.

Mặc dù doanh nghiệp đã tận dụng tương đối tốt lợi thế từ Hiệp định EVFTA nhưng vẫn còn những doanh nghiệp và hàng hóa của Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật như vấn đề môi trường chẳnghạn.

Phải khẳng định rằng EU là thị trường rất kỹ tính, khó tính và họ có những tiêu chuẩn chất lượng rất cao. Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, phía EU đã công bố 74 dự thảo và 173 quy định liên quan đến mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. 

Bên cạnh đó EU cũng đang quan tâm đến vấn đề môi trường và đang cụ thể hóa hơn, luật hóa hơn những vấn đề về môi trường trong thương mại. Đây là những thách thức với doanh nghiệp nhưng nếuđáp ứng được những tiêu chuẩn này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. 

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho hay, có thể thấy 3 xu hướng nổi bật nhất của đầu tư từ EU trong những năm gần đây.

Đầu tiên là xu hướng đa dạng hóa các địa điểm đầu tư do những nguyên nhân liên quan đến xung đột địa chính trị; môi trường khí hậu; nhân quyền có thể dẫn đến chất lượng của đầu tư EU nói chung cũng như định hướng lớn của EU. 

Từ phía EU, kể cả từ cấp Chính phủ cũng như doanh nghiệp đều có những xu hướng thúc đẩy hoạt động đa dạng hóa địa điểm đầu tư. Vì vậy, sự chuyển hướng của nhà đầu tư từ EU sang các nước Đông Nam Á; trong đó, có Việt Nam là một xu hướng lớn. 

Ngoài ra, khi EU tìm đến một địa điểm đầu tư mới có nhiều mạng lưới FTA với các đối tác khác cũng là một điểm cộng để nhà đầu tư EU tận dụng ưu đãi thuế, quy tắc xuất xứ, từ đó xuất khẩu sang các thị trường khác.

Bên cạnh đó, xu hướng đầu tư gắn với cái tiêu chuẩn phát triển bền vững bởi EU không quá coi trọng câu chuyện giá rẻ hay công nghệ thấp mà coi trọng ý thức gắn với phát triển, tiêu dùng và sản xuất bền vững.

Để làm được điều này, ý thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất quan trọng. Chỉ cần một vài doanh nghiệp không đáp ứng sẽ tạo hiệu ứng xấu cho môi trường đầu tư của Việt Nam. Do đó, bên cạnh chuyển biến từ doanh nghiệp, vai trò của các bộ, ngành và hiệp hội trong việc chia sẻ nhằm đáp ứng xu hướng mới của nhà đầu tư EU cũng rất cần thiết.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Đinh Văn Hiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Tập đoàn DKNEC nhấn mạnh, EVFTA là điều kiện tuyệt vời nếu  doanh nghiệp biết đón đầu và nghiên cứu, chuẩn bị hành trang. Đặc biệt, 5 năm tiếp theo Việt Nam sẽ có cơ hội rất tốt để mà xuất khẩu được nhiều sản phẩm ra nước ngoài, kể cả sản phẩm công nghệ cao.  

Vì vậy, để gia tăng xuất khẩu sang thị trường EU, Công ty cổ phần Tập đoàn DKNEC phải du nhập những văn hóa của châu Âu đồng hành cùng với văn hóa Việt, để hoà nhập và hiểu biết về văn hóa giữa các quốc gia châu Âu với Việt Nam. Bên cạnh đó, chuẩn bị tất cả những hành trang và môi trường để vừa liên kết, hợp tác, chia sẻ. Đặc biệt, DKNEC may mắn có tới 23 đối tác ở châu Âu như Đức, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch và một loạt quốc gia khác nên thuận lợi hơn trong việc gia tăng xuất khẩu. 

Theo bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, EVFTA là một điểm nhấn thu hút đầu tư từ EU vào Việt Nam. Do đó, cần đẩy mạnh sản xuất nguyên phụ liệu trong nước đáp ứng quy tắc xuất xứ theo EVFTA.

Hơn nữa, EVFTA là điểm nhấn để thu hút đầu tư từ châu Âu; trong đó, có Đức vào Việt Nam. Điều này tạo được niềm tin để đầu tư ở Việt Nam bền vững và lâu dài. 

Tuy nhiên, từ góc độ Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, bà Đào Thu Trang khuyến nghị cơ quan quản lý Việt Nam tăng cường hiệu quả  thực thi Hiệp định để xây dựng và sửa đổi những văn bản luật liên quan để gia tăng thương mại, đầu tư EU vào Việt Nam. 

Cùng đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng uy tín và bền vững, tăng được hàm lượng nội địa lên đến 30%. 

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam có những chiến lược, chính sách phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ năng để giúp cho doanh nghiệp của Đức, các nhà đầu tư Đức và nhà đầu tư của châu Âu yên tâm trong vấn đề phát triển lâu dài và bền vững tại thị trường Việt Nam…

Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh, các ngành công nghiệp, công nghệ thân thiện với môi trường năng lượng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu và quy định mà châu Âu đề ra với xuất khẩu từ Việt Nam.

Theo ông Đỗ Hữu Hưng, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai rất tốt cơ chế hợp tác song phương và đa phương giữa Việt Nam và các nước trong khu vực châu Âu. 

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thông qua hệ thống thương vụ phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và cơ quan nước sở tại để tạo điều kiện cũng như hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được thị trường khu vực châu Âu.

Mặt khác, tthường xuyên đẩy mạnh hoạt động giới thiệu thông tin về thị trường, cập nhật xu hướng tiêu dùng của các nước EU tới cộng đồng doanh nghiệp thông qua hội thảo, chương trình tập huấn.

Hơn nữa, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ là đơn vị đầu mối triển khai đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các kênh phân phối nước ngoài.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án giai đoạn mới đến năm 2030 với mục tiêu chính làphối hợp với các kênh phân phối để đưa hàng hóa của Việt Nam lên kệ hàng của các phân phối tại khu vực không chỉ là châu Âu mà còn các nước khác trên thế giới.

Tuy nhiên, Eu là một trong những khu vực quan trọng với những kênh phân phối rất lớn nên Bộ Công Thương sẽ phối hợp với nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn của châu Âu để tổ chức các sự kiện lớn nhằm quảng bá hàng hóa Việt Nam sang các nước khu vực EU.

Bên cạnh đó, trong năm 2023 và các năm tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các kênh phân phối để tổ chức các chương trình đào tạo do chuyên gia trực tiếp từ các kênh phân phối khu vực châu Âu và Việt Nam hướng dẫn. 

Ngoài ra, thông qua hệ thống thương vụ để cập nhật thường xuyên các thông tin về thị trường nhằm đẩy mạnh kết nối giữa nhà thu mua của châu Âu và doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục