Tận dụng thế mạnh của đối tác khuyến nông trong hợp tác công tư

16:22' - 29/01/2021
BNEWS Tăng cường hợp tác công tư và tận dụng hiệu quả thế mạnh của các đối tác trong quan hệ này được xem là phương án tối ưu để đẩy mạnh hiệu quả khuyến nông.

Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo tăng cường năng lực hợp tác công tư trong hoạt động khuyến nông do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 29/1.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thúc đẩy rất mạnh mẽ hợp tác công tư và xác định việc xã hội hóa hoạt động khuyến nông cần được tăng cường.

Hiện nay, không chỉ những người làm khuyến nông mà các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và đến người sản xuất cũng tự làm khuyến nông, do đó, hoạt động khuyến nông này cần được mở rộng.

Theo ông Lê Quốc Thanh, nguồn lực trực tiếp của Chính phủ chưa thể đủ cho các hoạt động khuyến nông, do đó việc huy động xã hội hóa, thiết lập các mối quan hệ hợp tác công tư được xem là phương thức nâng cao hiệu quả khuyến nông hữu hiệu.

Ông Nguyễn Viết Khoa, trưởng phòng Đào tạo Huấn luyện, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thông tin,năm 2020, hoạt động hợp tác công tư trong khuyến nông đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong số đó, ban hành được nguyên tắc hợp tác công tư trong khuyến nông với các nội dung như sản xuất nông nghiệp có chứng nhận, sử dụng vật tư nông nghiệp có chứng nhận, phát triển sinh kế bến vững, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm 2020 cùng là năm đầu tiên Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ký kết đến 14 thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp và đối tác; trở thành trưởng nhóm hợp tác công tư trong chuỗi lúa gạo và là thành viên tích cực trong các nhóm cà phê, tiêu, chè…

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng tạo được sự đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin trong hợp tác công tư và khuyến nông. Qua đó, thu thập, quản lý thông tin của 80.000 nông hộ sản xuất lúa và ngô bằng phần mềm; ứng dụng web và mobi app để tương tác và nâng cao năng lực nông dân.

Một trong những kết quả nổi bật là chương trình hợp tác canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty cổ phần phân bón Bình Điền.

Ông Phạm Anh Cường, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển Công ty cổ phần phân bón Bình Điền cho biết, thực hiện chương trình hợp tác khuyến nông, công ty tập trung hỗ trợ nông dân các giải pháp kỹ thuật mới và phù hợp  để có thể áp dụng một cách thông minh nhất vào sản xuất, tiết giảm tối đa các chi phí đầu tư không cần thiết, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, từ đó tăng thu nhập cho nông dân.

“Trên cùng diện tích canh tác, tổng chi phí đầu tư trong mô hình sản xuất theo khuyến cáo thấp hơn từ 7-11% so với sản xuất thông thường. Kết quả trên là nhờ đầu tư theo chiều sâu thông qua nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ kỹ thuật tập huấn quy trình canh tác cho nông dân giúp kéo giảm chi phí đầu tư ban đầu”, ông Phạm Anh Cường phân tích.

Trong khi đó, đại diện Công ty Bayer, một trong những đối tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, mục tiêu của Bayer trong hợp tác công tư lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam là cắt giảm 20% chi phí đầu vào và gia tăng lợi nhuận cho người nông dân lên 15% so với trước đây.

Để thực hiện được mục tiêu đó, các cơ quan nhà nước đóng vai trò chính trong việc xây dựng cơ chế phối hợp và điều phối. Trong khi đó, các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ phát huy hiệu quả nguồn lực về kỹ thuật, tài chính để triển khai các chương trình khuyến nông một cách hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục