Thực hiện 6 chương trình khuyến nông giai đoạn 2020-2025

08:00' - 26/08/2020
BNEWS Trong năm 2020 và giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp Cần Thơ sẽ thực hiện 6 chương trình khuyến nông.

Ngày 25/8, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức cuộc họp thẩm định Chương trình khuyến nông thành phố năm 2020 và giai đoạn 2021-2025. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp cùng với các thành viên của Hội đồng là đại diện các sở: Nông nghiệp, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong năm 2020 và giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện 6 chương trình khuyến nông gồm: phát triển vùng rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm; phát triển nông nghiệp đô thị; phát triển sản xuất cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao; phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; phát triển thủy sản theo hướng tiêu chuẩn chất lượng và chương trình thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn.

Các chương trình trên nhằm chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới, có hiệu quả đến người dân thông qua các hoạt động xây dựng mô hình trình diễn, tập huấn, hội thảo, hội chợ... Từ đó, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Cần Thơ. Tổng kinh phí thực hiện là gần 4,6 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách là 2,6 tỷ đồng, còn lại do người dân đối ứng.

Góp ý cho Chương trình khuyến nông của thành phố Cần Thơ, ông Trần Lê Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương, đề nghị ngành nông nghiệp dựa vào văn bản của UBND thành phố quy định về các sản phẩm nông nghiệp chủ lực được ban hành vào tháng 7/2019 cùng với nắm bắt nhu cầu của thị trường để triển khai các chương trình khuyến nông đạt hiệu quả.

Theo ông Bình, qua làm việc của Sở Công Thương với một doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ cá thát lát, doanh nghiệp cho hay nhu cầu đối với các sản phẩm từ loại cá này của thị trường vẫn cao. Công ty cũng đã đưa được mặt hàng cá thát lát ra các vùng miền khác của cả nước cũng như nước ngoài.

Trong chương trình phát triển thủy sản theo hướng tiêu chuẩn chất lượng năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Cần Thơ đề xuất, có 3 loại thủy sản gồm: lươn, cá chạch lấu và cá bông lau, không có cá thát lát. Trong khi đó, sản lượng cá thát lát của Cần Thơ hiện nay khoảng 1.200 tấn/năm còn lươn khoảng 180 tấn/năm.

Ông Trương Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, để thực hiện được 6 chương trình khuyến nông nêu trên thì cần phải có đánh giá lại thực trạng sản xuất trên địa bàn thành phố; rà soát lại định hướng phát triển cây gì, con gì chứ không phải có sẵn loại cây trồng, vật nuôi nào là cứ phát triển các loại cây, con đó.

Dù lĩnh vực khuyến nông đã được triển khai nhiều năm nhưng theo ông Phương, đến nay quanh quẩn lại chỉ có một vài sản phẩm bình thường, không tới được nông dân. Điều quan trọng là cần có cách làm hiệu quả. Khi đã đưa ra được một mô hình sản xuất “chuẩn” thì ngành nông nghiệp cần tổ chức tập huấn, hội thảo cho bà con nông dân.

“Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp nên kết hợp với Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ để xây dựng chương trình kết nối, quảng bá cho sản phẩm đầu ra của các mô hình này. Khi có thị trường tiêu thụ thì mô hình mới có thể nhân rộng được”, ông Phương nêu ý kiến.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên thành phố tổ chức họp để thẩm định chương trình khuyến nông. Mục đích là làm sao để đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào ứng dụng trong sản xuất thông qua các chương trình với mục đích để nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, đặc biệt là nông dân.

Theo ông Dũng, năm 2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố đã thực hiện được nhiều mô hình, đánh giá kết quả đạt yêu cầu, nhiều mô hình ứng dụng rộng rãi trong sản xuất của người dân. Khi thấy được hiệu quả của mô hình, người dân bắt đầu ứng dụng vào sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn.

Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ đề nghị trong thời gian tới, việc xây dựng các mô hình khuyến nông phải tính đến thị trường tiêu thụ, phù hợp với định hướng phát triển ngành nông nghiệp của Cần Thơ, gắn với điều kiện cuộc sống, điều kiện sản xuất của từng nơi, từng địa phương và phải thiết thực, đảm bảo hiệu quả.

Trong đó, từng mô hình phải gắn với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo yếu tố môi trường. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, quan tâm xây dựng thương hiệu khi mô hình đã phát huy hiệu quả.

Năm 2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Cần Thơ đã xây dựng 7 mô hình trình diễn với 32 hộ tham gia ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Các mô hình trình diễn được đánh giá phù hợp với điều kiện sinh thái trên địa bàn thành phố và là một trong những giải pháp giúp nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao như nuôi lươn không bùn, nuôi cá chạch lấu, trồng nấm bào ngư xám./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục