Tăng cường hiệu lực thực thi quy hoạch ngay từ cấp cơ sở

11:03' - 28/05/2025
BNEWS Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 28/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

Các đại biểu đề nghị dự án Luật cần làm rõ vai trò, trách nhiệm và cơ chế của chính quyền địa phương cấp xã trong công tác quy hoạch, từ đó, tăng cường hiệu lực thực thi quy hoạch ngay từ cấp cơ sở, nhất là trong giai đoạn sáp nhập đơn vị hành chính và chuyển sang chính quyền địa phương hai cấp.

* "Ghi nhận vị trí cấp xã"

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa-Vũng Tàu) cơ bản tán thành với các nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đặc biệt là các quy định nhằm nâng cao tính khả thi và đồng bộ của hệ thống quy hoạch.

 

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, luật hiện hành và dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm và cơ chế của chính quyền địa phương cấp xã trong công tác quy hoạch. Do đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc bổ sung khoản mới về hệ thống quy hoạch quốc gia nhằm quy định rõ chính quyền cấp xã là chủ thể phối hợp trong hệ thống quy hoạch, có trách nhiệm tham gia cung cấp thông tin, đề xuất phương án quy hoạch và phối hợp triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn.

"Việc ghi nhận vị trí cấp xã trong hệ thống quy hoạch là cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bảo đảm tính thực tiễn trong tổ chức thực thi pháp luật về quy hoạch", đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị bổ sung về quy trình lập quy hoạch tỉnh, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch tỉnh trong việc lấy ý kiến chính thức của UBND cấp xã cũng như yêu cầu UBND cấp xã cung cấp dữ liệu, đề xuất định hướng phát triển không gian, dân cư, hạ tầng sản xuất của địa phương, mà lâu nay "nhiều ý kiến ở cấp xã chưa được tích hợp thực chất vào quy hoạch tỉnh, dẫn tới bất cập khi triển khai tổ chức thực hiện, nhất là tại địa bàn nông thôn, miền núi".

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định liên quan đến kế hoạch thực hiện quy hoạch, quy định UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch trên địa bàn, theo dõi tình hình sử dụng đất, đầu tư hạ tầng theo quy hoạch đã được phê duyệt và định kỳ báo cáo cho cơ quan cấp tỉnh.

"Cấp xã tuy không có quyền quyết định quy hoạch nhưng lại là nơi trực tiếp quản lý hiện trạng sử dụng đất, nếu không có cơ chế ràng buộc vai trò của cấp xã thì việc triển khai thực hiện quy hoạch sẽ thiếu lực lượng", đại biểu nêu.

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc tổ chức tuyên truyền quy hoạch, giám sát việc thực hiện trên địa bàn, tiếp nhận kiến nghị từ người dân và phản ánh về cơ quan cấp tỉnh.

"Đây là điểm mấu chốt để tăng cường hiệu lực thực thi quy hoạch ngay từ cấp cơ sở, nhất là trong giai đoạn sáp nhập đơn vị hành chính và chuyển sang chính quyền địa phương hai cấp", đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nêu.

* Tránh tình trạng "xã chờ tỉnh, tỉnh chờ Trung ương"

Nhấn mạnh quy hoạch có vai trò hết sức đặc biệt trong việc điều phối, phân bổ nguồn lực và kiến tạo phát triển, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Thu (Đắk Lắk) cho rằng, bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu công cuộc sáp nhập vào tổ chức bộ máy, điều chỉnh và mở rộng địa giới hành chính, dự thảo Luật cũng tập trung sửa đổi những bất cập, điểm nghẽn từ thực tiễn trong quá trình thực hiện quy hoạch thời gian qua.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Thu, dự thảo Luật quy định, cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch, báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, trình Chính phủ quyết định đối với quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

"Quy định này đúng trình tự pháp lý theo quy định ban hành các văn bản quy hoạch; tuy nhiên cần xem xét ở 2 góc độ", đại biểu nêu.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Thu, dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến việc hoàn thiện các cơ quan lập quy hoạch đối với 3 loại quy hoạch, đó là quy hoạch tổng thể quốc gia thì trình Quốc hội; quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia sẽ trình Chính phủ; chưa đề cập đến quy hoạch ngành quốc gia trong dự thảo này. Tuy nhiên, dự thảo luật có quy định thẩm quyền quyết định phê duyệt quy hoạch đối với quy hoạch ngành quốc gia, do Thủ tướng Chính phủ quy định. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý nội dung đồng bộ phù hợp trong quy hoạch ngành, quy hoạch tổng thể quốc gia.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Thu đề nghị bổ sung quy định về cơ chế phản hồi giữa cơ quan lập quy hoạch với Hội đồng thẩm định với các cơ quan có trách nhiệm phê duyệt quyết định các quy hoạch này.

Về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia quy định vùng, quy hoạch vùng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo Luật không đảm bảo tính khả thi trên thực tiễn, nhất là trong trường hợp các cơ quan, địa phương lấy ý kiến mà các cơ quan bộ, ngành chủ quản không trả lời.

Thực tế, thời gian qua, địa phương xin ý kiến các bộ, ngành chủ quản, liên quan về điều chỉnh quy hoạch cấp huyện; nhưng để chuẩn bị trình Hội đồng nhân dân tỉnh phải mất ít nhất 3 tháng mới thực hiện được.

Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu theo hướng, chỉnh lý lại quy định thành: "Các cơ quan được xin ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ gửi xin ý kiến, nếu quá thời hạn trên các cơ quan không trả lời thì xem như đồng ý".

"Quy định này như lời cam kết giữa các cơ quan có trách nhiệm trong quá trình, nhận hồ sơ và có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho các đơn vị, địa phương; tránh tình trạng "xã chờ tỉnh, tỉnh chờ Trung ương", gây lãng phí thời gian và nguồn lực cũng như cơ hội tiếp nhận các dự án phát triển kinh tế-xã hội địa phương", đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Thu nói.

* Cần bám sát tinh thần đổi mới

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đặt vấn đề: "Luật Quy hoạch được quan tâm và sửa rất nhiều nhưng vẫn rối, cơ sở rất khó triển khai thực hiện. Nếu sửa thế này đã thực sự là tận gốc vấn đề hay chưa?".

Đại biểu cho rằng, tinh thần của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch lần này là chuyển đổi phương thức lập quy hoạch, thay đổi căn bản từ lập quy hoạch truyền thống (là phân ngành, cục bộ theo lĩnh vực) sang quy hoạch mang tính tích hợp đa ngành, tổng thể, có liên kết và liên thông.

Trong khi đó, đội ngũ chuyên gia ở cơ sở rất quan trọng nhưng hiện chưa nắm bắt được tinh thần mới này, còn hạn chế trong phương pháp tiếp cận, phối hợp liên ngành, liên thông.

"Theo tinh thần mới của Luật, rất cần một "nhạc trưởng" có nhiều kinh nghiệm, lão luyện, có tầm nhìn để kết nối, tích hợp các quy hoạch nhưng hiện chưa có", đại biểu Tạ Văn Hạ nêu; đồng thời đề nghị tìm đúng nguyên nhân mà "sửa hoài vẫn vướng"; bình tĩnh nhận diện, xem xét lại căn bản các vấn đề để giải quyết vấn đề quy hoạch, tránh chồng lấn, xung đột về không gian, mục tiêu, chỉ tiêu giữa các quy hoạch với nhau.

 

Nguồn: https://baotintuc.vn/chinh-tri/tang-cuong-hieu-luc-thuc-thi-quy-hoach-ngay-tu-cap-co-so-20250528102608064.htm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục