Tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Thụy Sĩ

08:05' - 05/06/2024
BNEWS Việt Nam coi Thụy Sĩ là một trong những đối tác quan trọng tại châu Âu và Thụy Sĩ cũng đánh giá Việt Nam là một nền kinh tế năng động nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ và tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ - Việt Nam (SVEF) đã phối hợp tổ chức diễn đàn kinh yế Việt Nam - Thụy Sĩ 2024, cùng với sự hợp tác của Bộ Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ, Bộ Ngoại giao và một số bộ ngành Việt Nam, UBND một số tỉnh thành Việt Nam cùng các quỹ đầu tư như Aquis, Bellecapital, Bamboo Group và nhiều hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Sĩ.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, hơn 200 đại biểu đã tham dự diễn đàn dưới cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cùng đại diện các Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, đoàn lãnh đạo thành phố Cần Thơ, Cao Bằng, Vĩnh Long cùng nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thụy Sĩ đã tham gia và phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phùng Thế Long nhấn mạnh Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Thụy Sĩ 2024 là dịp để các cơ quan bộ ngành trung ương và địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp hai nước chia sẻ thông tin và trao đổi chính sách, tìm kiếm cơ hội hợp tác về thương mại, đầu tư, tài chính, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và đào tạo nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Thụy Sĩ trong thời gian tới.

 

Sau đó, diễn đàn đã tập trung thảo luận 4 chủ đề, gồm chính sách hỗ trợ hợp tác thương mại, đầu tư và phát triển, Vai trò và tiềm năng hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ trong các lĩnh vực trọng tâm, cơ hội và tiềm hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tài chính và đầu tư khởi nghiệp.

Phiên thứ nhất, do Tiến sĩ Philipp Rösler - nguyên Giám đốc Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Chủ tịch SVEF, chủ trì.

 

Tham gia phát biểu có các ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; ông Phạm Văn Hiểu, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Cần Thơ; bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên thuộc Bộ Công Thương; bà Natalie Rast, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế Song phương Châu Á và Châu Đại Dương của Bộ Kinh tế Thụy Sĩ; cùng lãnh đạo một số hiệp hội cơ khí và chế tạo ở Thụy Sĩ, Phòng Thương mại Thụy Sĩ - châu Á, tổ chức doanh nghiệp Thụy Sĩ toàn cầu.

 

Các đại biểu cũng đã thảo luận về chính sách nhằm hỗ trợ và thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Sĩ; chia sẻ về tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu hợp tác, chính sách thu hút đầu tư của các tỉnh thành Việt Nam, những tiềm năng lợi ích từ việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước EFTA với doanh nghiệp hai nước, chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết về thị trường, chuẩn mực kinh doanh của hai nước.

Tại phiên thứ hai, dưới sự chủ trì của ông Ivo Sieber - nguyên Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam và hiện là Phó Chủ tịch SVEF, ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng; ông Luc Schnurrenberger - Phó Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế của tổ chức Economiesuisse; ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; cùng đại diện lãnh đạo các công ty, tập đoàn như Bamboo Capital, Asian Legal, Fidinam, FPT Software Europe. đã thảo luận, trao đổi và chia sẻ chính sách và nhu cầu hợp tác trong các lĩnh vực trọng tâm về đầu tư, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo phục vụ phát triển bền vững, tư vấn quy định luật pháp trong hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp hai nước.

Tại phiên thứ ba, dưới sự chủ trì của ông Sơn Nguyễn - Giám đốc điều hành quỹ đầu tư AQUIS Capital, với sự tham dự, phát biểu của bà Nguyễn Hải Bình, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu và Điều phối Chính sách, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam; ông Philip Weights - Chủ tịch Hiệp hội Tài chính & Công nghệ Thụy Sĩ; các chuyên gia kinh tế từ Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt, Công ty Chứng khoán SSI Việt Nam, Ngân hàng Edmond de Rothschild, Quỹ đầu tư Bellecapital, Finhay Group, phiên thảo luận tập trung trao đổi về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực tài chính, công nghệ tài chính, xu hướng kinh tế ảnh hưởng đến việc hợp tác về tài chính và một số chính sách của Chính phủ nhằm cải thiện khuôn khổ pháp lý và môi trường đầu tư tài chính tại Việt Nam.

 

Tại phiên thứ tư, với sự tham dự của ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn; bà Sibylle Bachmann - Trưởng bộ phận Hợp tác của Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, đại diện của Chương trình SwissEp; ông Niraan De Silva - CEO của VNLIFE & Phó Chủ tịch của VNPAY; ông Huỳnh Công Thắng - đồng sáng lập Innolab Asia; ông Bùi Đỗ, đối tác sáng lập và CEO của Thinkzone Venture, ông Phạm Sơn - CEO của NTQ Solution JSC, ông Kiều Hoàng Đạt - Phó Tổng Giám đốc Công nghệ của Exeddo Group, ông Daniel Meyer - đồng sáng lập & CEO của EGO Movement.

Đại diện các doanh nghiệp, các công ty khởi nghiệp đã giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh đổi mới, những đóng góp cho nền kinh tế, tiềm năng tăng trưởng và khả năng mở rộng thị trường. Nội dung trao đổi nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, các cơ hội kết nối, đổi mới và đa dạng hóa kinh tế, thu hút các nhà đầu tư và đối tác tiềm năng, đồng thời thảo luận về thách thức và thành công trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến khó lường, dự báo tiếp tục chứng kiến đà tăng trưởng chậm, kinh tế Việt Nam đã đối mặt với những thách thức, khó khăn. Tuy nhiên Việt Nam đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế bằng các chính sách phù hợp, hành động mạnh mẽ, quyết liệt.

Trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" và cam kết "3 cùng" và "3 đảm bảo" của Chính phủ Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp tích cực vào các phiên trao đổi, thảo luận, chia sẻ kiến thức và đề xuất các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại, đầu tư với các đối tác Thụy Sĩ một cách hiệu quả, thiết thực.

Thời gian qua, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Sĩ đã và đang phát triển tích cực. Một số lĩnh vực tại Việt Nam được các quỹ đầu tư Thuỵ Sĩ đánh giá có tiềm năng rất lớn là xuất khẩu, du lịch và dịch vụ công nghệ thông tin.

Việt Nam coi Thụy Sĩ là một trong những đối tác quan trọng tại châu Âu và Thụy Sĩ cũng đánh giá Việt Nam là một nền kinh tế năng động nhất tại khu vực Đông Nam Á, là đối tác chiến lược hợp tác trong kinh tế khu vực.

Nhờ vị trí chiến lược, xã hội ổn định, lực lượng lao động giá rẻ nhưng có tay nghề cao, hội nhập toàn cầu mạnh mẽ, Việt Nam đã và đang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Thụy Sĩ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục