Tăng đầu tư công - nguồn lực thúc đẩy kinh tế Australia phục hồi

09:27' - 01/12/2020
BNEWS Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã đẩy nền kinh tế Australia rơi vào giai đoạn giảm phát, sau hơn 29 năm liên tục tăng trưởng.

Kết thúc tài khóa 2019-2020 (kết thúc vào tháng 6/2020), quy mô kinh tế của Australia thu hẹp 7%, tương đương GDP bình quân đầu người giảm 7,2%.

Nhờ những nỗ lực và sự quyết tâm cao, Chính phủ Australia đến nay đã thành công trong việc kiềm tỏa dịch bệnh và bắt đầu tập trung vào tiến trình phục hồi kinh tế.

Những thông tin tích cực về hiệu quả của vắc-xin ngừa COVID-19 cũng đang góp phần mở ra triển vọng lạc quan cho tiến trình này.

Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia kinh tế nhận định, điều quan trọng là Canberra phải sớm tạo được động lực thúc đẩy các hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho người lao động và thúc đẩy chi tiêu xã hội.

Tuy nhiên, xét trên tổng thể bức tranh kinh tế giai đoạn gần đây của Australia, đầu tư tư nhân đã liên tục giảm, dẫn tới quy mô doanh nghiệp không tăng, trong khi chi tiêu cho cơ sở hạ tầng khu vực công gần như giữ nguyên, hoạt động sản xuất chủ yếu tập trung vào khai khoáng và năng lượng, năng suất lao động thấp, nhưng chi phí tiền lương cao…

Điều này dẫn tới các động lực trụ cột để phát triển kinh tế của "xứ Chuột túi" đều đang bị giới hạn.

* Đầu tư tư nhân giảm, đầu tư công thấp

Khảo sát về nhu cầu hạ tầng cơ sở tại Australia do Tổ chức hạ tầng cơ sở của Australia thực hiện vào giữa năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch, cho biết dân số “xứ Chuột túi” đã gia tăng nhanh, vượt qua mức đáp ứng của cơ sở hạ tầng công cộng.

Tổ chức này khuyến cáo Canberra cần phải có kế hoạch chi tiêu 200 tỷ AUD (1487,19 tỷ USD) mỗi 5 năm thay vì chỉ tập trung bù đắp vào những chỗ thiếu hụt như đang thực hiện tại các địa phương, đặc biệt là tại hai thành phố lớn Sydney và Melbourne.

Tuy nhiên, đó là trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Với các tác động tiêu cực của COVID-19, mọi việc đang trở nên tồi tệ hơn.

Nó dẫn đến yêu cầu Canberra cần nhanh chóng tăng cường hơn nữa các khoản đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng, tạo nền móng cho sản xuất, thúc đẩy các hoạt động kinh tế sớm phục hồi.

Để đối phó với đại dịch COVID-19, sự đóng góp của Canberra vào tăng trưởng kinh tế, trong suốt gần một năm qua, tập trung nhiều vào các gói kích thích như hỗ trợ tài chính cho người tìm việc là giúp trả lương để giữ việc làm cho người lao động.

Về mặt cơ bản, các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch của Canberra tương đồng với hầu hết các chính phủ thuộc những nền kinh tế lớn khác trên toàn cầu.

Nhưng đó chỉ những giải pháp ngắn hạn. Về dài hạn, để nền kinh tế nhanh chóng phục hồi, tăng chi tiêu đầu tư công vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng và sản xuất là một đòi hỏi cần được ưu tiên.

Trong một bài phân tích đăng tải trên trang mạng của Học viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA), học giả Adam Triggs từ trường Đại học Quốc gia Australia nhận định Canberra đã đề xuất một kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập trên diện rộng.

Mặc dù vậy, đề xuất này thiếu tham vọng và là một hình thức kích thích kém.

Theo chuyên gia Triggs, những đề xuất như vậy hầu như nhắm mục tiêu đến những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, chúng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, phần lớn là tiết kiệm không được chi tiêu và sẽ làm trầm trọng thêm các thách thức tăng trưởng thấp, lạm phát thấp và đầu tư thấp đang gây ra cho nền kinh tế.

Ông cho rằng Australia cần những nguồn tăng trưởng mới, đặc biệt là do sự yếu kém về năng suất, tiền lương và đầu tư trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Bên cạnh các biện pháp ngắn hạn để hỗ trợ người dân Australia, Canberra cần lập ra một lộ trình phục hồi kinh tế, trong đó tập trung vào việc tăng chi tiêu đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng, phát triển doanh nghiệp, tập trung khai thác năng lượng...

Cựu Thủ tướng Australia Paul Keating, trong một bài phóng vấn trên đài phát thanh quốc gia vào hồi tháng Chín, một lần nữa khẳng định lại quan điểm trên với khuyến nghị Canberra cần phải tăng đầu tư công để thúc đẩy sản xuất, tạo ra việc làm mới.

Nhà cựu lãnh đạo cấp cao nhất của Australia ví von: “Chúng ta nên xây dựng thêm nhà ở công cộng, cho đến khi các con bò cũng đều có nhà ở”.

* Tăng chi tiêu đầu tư công để phục hồi kinh tế

Dựa trên những khuyến nghị và phân tích kinh tế của các cơ quan chức năng, giới lãnh đạo và các chuyên gia, một lộ trình phục hồi kinh tế của “xứ Chuột túi” đã được Chính phủ Australia ban hành.

Ngay từ cuối tháng 6/2020, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố sẽ dành một khoản ngân sách trị giá 1,5 tỷ AUD để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Gói hỗ trợ này sẽ được triển khai ngay trong năm 2020, tập trung vào các dự án quy mô nhỏ được các chính phủ tiểu bang xác định là cần ưu tiên thực hiện.

Trong đó, 1 tỷ AUD sẽ được phân bổ cho các dự án ưu tiên đã lên kế hoạch và 500 triệu AUD còn lại là dành cho các công trình an toàn đường bộ.

Ngoài ra, 15 dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên quy mô lớn của Australia cũng sẽ được triển khai rút gọn thời gian xử lý hành chính, giảm tải quy định, nhằm sớm hoàn thành phê duyệt, đặc biệt là về vấn đề môi trường, để dự án có thể nhanh chóng đi vào thực tiễn.

Thủ tướng Australia khẳng định thông qua tăng cường đầu tư công là một đòn bẩy giúp tạo ra việc làm, đưa người dân trở lại với guồng máy hoạt động và doanh nghiệp khôi phục sản xuất.

Các chính sách kinh tế vĩ mô, trong thời điểm hiện tại, sẽ tập trung vào tăng năng suất, quản lý môi trường thông qua các biện pháp "chăm sóc đất nước" và "duy trì định hướng thương mại hướng ngoại, cởi mở và có chủ quyền ".

Tiếp đó, đến đầu tháng 10/2020, trước khi Bộ trưởng Bộ Ngân khố Australia công bố Kế hoạch ngân sách 2020-2021, Thủ tướng Morrison đã hé lộ một cam kết đầu tư khác, trị giá 1,5 tỷ AUD trong vòng 4 năm tới.

Khoản chi tiêu ngân sách này nhằm gia tăng tính cạnh tranh nhằm giúp các nhà sản xuất trong nước có thể hồi phục và đối mặt với bối cảnh mới của thế giới.

Trọng tâm của chiến lược là Sáng kiến sản xuất hiện đại trị giá 1,3 tỷ AUD. Trong khuôn khổ sáng kiến này, Australia sẽ tập trung vào thúc đẩy sản xuất 6 lĩnh vực ưu tiên gồm công nghệ tài nguyên và sơ chế khoáng sản quan trọng; thực phẩm và đồ uống; các sản phẩm y tế; năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; quốc phòng và không gian.

Mặc dù, các khoản chi tiêu Chính phủ hào phóng sẽ khiến thâm hụt ngân sách và nợ công tiếp tục tăng trong vòng vài năm tới, nhưng theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, lựa chọn tăng cường đầu tư công là một bước đi sáng suốt của Canberra vào thời điểm hiện nay.

Nó phù hợp với “lời khuyên” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng đầu tư công phải đóng một vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy nền kinh tế của các quốc gia khi họ đang vật lộn để phục hồi kinh tế sau sự suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục