Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh

21:33' - 26/02/2024
BNEWS Chiều 26/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.
Chiều 26/2, Đoàn công tác liên ngành theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long.

 
Phát biểu tại buổi làm việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, trong khi dự báo tiếp tục vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024 của cả nước nói chung và của Vĩnh Long nói riêng, thời gian tới, các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả nhiệm vụ và giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, các bộ, cơ quan, địa phương sẽ tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội. Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, kịp thời triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại tại địa bàn. Ngoài ra, các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là những dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, nền kinh tế của tỉnh hiện vẫn còn những hạn chế nội tại về quy mô, năng lực sản xuất, thị trường tiêu thụ, sự phụ thuộc vào đầu tư khu vực FDI, thị trường xuất khẩu... Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 chỉ tăng 2,01% so với năm 2022, không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Năm 2023, tỉnh đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất, tín dụng đối với doanh nghiệp. Cùng đó, tỉnh thực hiện miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho 5.414 lượt người nộp thuế với tổng số thuế miễn, giảm, gia hạn hơn 965 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh có 56 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, dư nợ gốc, lãi được cơ cấu là 132 tỷ đồng…

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt đi khảo sát thực tế tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo cơ quan chức năng hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền như: đẩy nhanh, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục về đất đai, tập trung triển khai hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đang gặp khó khăn về tài chính trong quá trình triển khai thực hiện dự án...

Ngay từ đầu năm 2024, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn, nhằm góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Kết quả 2 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp của tỉnh có tín hiệu phục hồi, tăng 16,19% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 11.593,8 tỷ đồng, tăng 14,98%. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 124,7 triệu USD, tăng 35,15% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư 1 dự án FDI và 1 dự án trong nước với số vốn 1,2 triệu USD và 184,8 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới 51 doanh nghiệp…

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Đặng Văn Chính cho biết, khó khăn của địa phương thời gian qua là thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn chậm so với yêu cầu. Về phát triển nhà ở xã hội, dù được sự hỗ trợ tích cực của các sở, ban ngành, địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở dành cho công nhân, người thu nhập thấp đô thị nhưng nhìn chung các dự án này triển khai xây dựng còn chậm, chưa hoàn thành, đưa vào sử dụng theo kế hoạch.

Về chính sách tín dụng, các chính sách, khoản hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phục hồi kinh tế đã được tích cực triển khai thực hiện. Tuy nhiên, một số biện pháp, khoản hỗ trợ chưa phát huy, thúc đẩy phát triển ngay trong thời gian ngắn. Tình hình triển khai thực hiện cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững tuy được triển khai quyết liệt nhưng trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh cho vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình tín dụng hỗ trợ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 đạt 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Đồng thời, với Luật Đấu thầu được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, tỉnh kiến nghị Trung ương kịp thời ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện để đảm bảo tính tuân thủ và thực thi trong quá trình triển khai thực hiện.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Vĩnh Long Lý Nhật Trường cho hay, năm 2024, ngành ngân hàng tỉnh sẽ triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng, điều hành lãi suất, tỷ giá theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh Vĩnh Long; đảm bảo tăng trưởng nguồn vốn huy động 9-10%, dư nợ cho vay tăng từ 14-15% so với năm 2023; kiểm soát nợ xấu nội bảng dưới 3% tổng dư nợ.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục triển khai đề án không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 và các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số; phối hợp tháo gỡ các khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống của doanh nghiệp và người dân; truyền thông chính sách hoạt động ngân hàng đầy đủ, kịp thời và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục