Tạo chuyển biến về ý thức người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam

10:46' - 12/03/2022
BNEWS Bộ Công Thương đã công bố Quyết định về Kế hoạch tăng cường triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2022.

Theo đó, tại Quyết định số 281/QĐ-BCT, kế hoạch sẽ tập trung việc tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

 
Qua đó, tạo chuyển biến về ý thức trong nhân dân, các đơn vị sản xuất kinh doanh, tổ chức kinh tế - xã hội, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có chất lượng.

Ngoài ra, kế hoạch còn tập trung vào việc vận động toàn xã hội hướng đến tinh thần yêu nước và khích lệ tinh thần vươn lên, cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam.

Hơn nữa, chú trọng vào các doanh nghiệp ngành công thương, nâng cao vị thế của hàng Việt Nam, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm, hướng tới hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam và tự hào sử dụng hàng Việt Nam.

Đặc biệt, kế hoạch cũng nhằm tạo nền tảng và môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đóng góp, tăng trưởng kinh tế thông qua hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý minh bạch.

Đáng lưu ý, chú trọng vai trò quan trọng của các tập đoàn tổng công ty có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm trong sự nghiệp phát triển ngành công thương.

Mặt khác, tiếp tục thực hiện các giải pháp để tập trung phát triển thị trường trong nước, kịp thời có giải pháp ứng phó, bảo đảm nguồn cung hàng hóa Việt Nam thiết yếu, nguyên nhiên, vật liệu Việt Nam phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Cùng với đó, tăng cường quảng bá, khuyến khích tiêu dùng sản phẩm nội địa, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế thế giới và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sự bùng phát của dịch COVID-19 gây ra.

Kế hoạch còn hướng tới việc tập trung tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại theo hình thức phù hợp với tình hình mới nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối các nhà cung cấp, doanh nghiệp Việt Nam với đối tác, doanh nghiệp nước ngoài.

Không những thế, chú trọng phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nhằm kết nối các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty thương mại điện tử.

Bên cạnh đó là ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương, tập trung vào các vùng nông thôn với các sản phẩm chủ lực.

Hơn nữa, đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ) và Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ); trong đó, tập trung triển khai nội dung về truyền thông, hỗ trợ xây dựng hệ thống phân phối... với tên gọi "Tinh hoa hàng Việt Nam", "Tự hào hàng Việt Nam".

Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, xử lý hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng hóa gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục