Tạo đòn bẩy trong giải quyết việc làm cho người lao động

14:34' - 17/11/2021
BNEWS Thông qua các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ có được việc làm mà còn vươn lên làm giàu.

Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Vinh (sinh năm 1966) thôn Khách Nhi Xuôi, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường đều hết tuổi để đi làm công nhân nên chỉ bám vào mấy sào ruộng, kinh tế cũng chỉ dừng ở mức đủ ăn. Năm 2020 chị được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Tường tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm để phát triển kinh tế gia đình.

Với số vốn vay được, chị Vinh đã đầu tư nuôi 5 con bò thịt. Nhận thấy nuôi bò hiệu quả, đầu năm 2021, chị tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Tường cộng với vay mượn thêm họ hàng để đầu tư mua thêm 5 con bò thịt và 2 con bò sữa.

Hiện nay, gia đình chị có 12 con bò mẹ và 5 con bê. Từ việc bán bò thịt và bê con mang lại nguồn thu nhập và việc làm ổn định cho hai vợ chồng chị

Xuất phát điểm chỉ là mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ với 2 con bò thịt, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu giải quyết việc là của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Tường, gia đình bà Trần Thị Lựu, thôn Khách Nhi Ngược, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường đã vay thêm anh em, bạn bè đầu tư mua thêm 2 con bò sữa và 8 bò thịt để phát triển kinh tế.

Đến nay, gia đình bà đã xây dựng được khu chăn nuôi quy mô với 12 con bò thịt và 2 con bò sữa. Trung bình, mỗi năm gia đình bà Lựu thu nhập hơn 300 triệu đồng từ việc bán sữa và bò thịt.

Bà Vũ Thị Hồng Khuyên, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đến nay, tổng dư nợ cho vay chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn huyện đạt hơn 102 tỷ đồng với hơn 2.290 hộ vay.

Nguồn vốn của chương trình đã tạo điều kiện để các hộ phát triển chăn nuôi, trồng trọt, mở rộng sản xuất, kinh doanh góp phần giải quyết việc làm, đem lại hiệu quả, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Nhờ đó, đến nay hộ nghèo trên địa bàn huyện Vĩnh Tường còn hơn 400 hộ.

Không chỉ riêng huyện Vĩnh Tường, trong những năm qua, chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội đã kịp thời hỗ trợ nguồn vốn để người dân đầu tư phát triển, mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho bản thân, thành viên trong gia đình và nhiều mô hình còn tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Đến nay, dư nợ vốn vay các chương trình chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đạt hơn 859 tỷ đồng, với trên 22.487 lượt khách hàng vay vốn; trong đó, vay vốn giải quyết việc làm đạt hơn 345,8 tỷ đồng với hơn 3.000 lao động được vay.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 432 hộ nghèo, 960 hộ cận nghèo và hơn 1.240 hộ mới thoát nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc trong năm 2021.

Theo ông Tạ Ngọc Thảo, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nhu cầu tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn rất lớn. Nguồn vốn được ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân.

Để giải ngân kịp thời và quản lý tốt nguồn vốn, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục củng cố hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác tập trung, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

Mục tiêu của chi nhánh là cung ứng kịp thời nguồn vốn ưu đãi để người dân đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết nhu cầu việc làm đang bức thiết từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Bên cạnh triển khai giải ngân vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tỉnh chú trọng phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi đến hạn. Qua đó, hầu hết các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trả nợ gốc và lãi đúng kỳ hạn. Đến nay, nợ quá hạn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chỉ còn 0,23% tổng dư nợ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục