Tạo thêm liên kết giữa doanh nghiệp Việt với các nhà bán lẻ nước ngoài

18:57' - 17/07/2018
BNEWS Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020” vừa được phê duyệt sẽ tạo thêm liên kết giữa doanh nghiệp Việt với các nhà bán lẻ nước ngoài.
Big C  là một trong hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Mặc dù thời gian qua hàng hóa của Việt Nam liên tục được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới nhưng tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp.

Chính vì vậy, Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020”do Bộ Công Thương xây dựng và vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây được kỳ vọng sẽ tạo thêm sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt với các nhà bán lẻ nước ngoài.

Hài hòa lợi ích

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, việc xây dựng đề án này của Bộ Công Thương nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Đặc biệt, khi các doanh nghiệp trực tiếp tham gia mạng phân phối sẽ nắm bắt tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng. Đồng thời, tiếp cận phương thức quản lý chất lượng tiên tiến đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới và có điều kiện phát triển thương hiệu.

Riêng với các chuỗi phân phối, việc tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam sẽ giúp phát triển đa dạng thêm nguồn hàng, kiểm soát tốt hơn chất lượng hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng nông - lâm - thủy sản cần quản lý chất lượng tận gốc. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp trong nước và nhà bán lẻ đều có lợi về giá thông qua giảm chi phí trung gian.

Theo đánh giá từ giới chuyên gia, đề án đã nhận được những đánh giá rất tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, các doanh nghiệp nhất trí phương hướng xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống nước ngoài nhằm hướng tới việc thúc đẩy xuất khẩu bền vững và đem lại hiệu quả và giá trị gia tăng cao.

Ông Paul Lee, Phó Chủ tịch Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, xúc tiến thương mại, Công ty Central Group Việt Nam bày tỏ, hầu hết hàng hóa của Việt Nam đều có chất lượng tốt nhất là các mặt hàng nông thủy sản. Tuy nhiên, khi xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài doanh nghiệp lại thờ ơ với mẫu mã bao bì và thị hiếu của người tiêu dùng từng nước. Chính vì vậy, đây là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam khi cạnh tranh trường nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội chia sẻ, khó khăn lớn nhất là thiếu đội ngũ doanh nghiệp đủ mạnh để đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất.

Thực tế cho thấy, trong hàng chục doanh nghiệp với nhiều chủng loại sản phẩm cũng chỉ chọn được 6 sản phẩm, mặt hàng có đủ điều kiện để đưa vào hệ thống phân phối nước ngoài.

Nguyên nhân là do khi triển khai, nhận thức và sự vào cuộc của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa hiểu rõ thủ tục và quy định để đưa hàng vào các thị trường. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp vẫn khá lúng túng trong khâu giới thiệu và quảng bá hàng hoá dẫn tới giao thương chưa đạt hiệu quả cao.

Giới phân tích cho hay, mấu chốt vấn đề ở đây phải kể đến lực lượng tham gia các chương trình chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư chưa cao.

Không những thế, các doanh nghiệp này đều thiếu và yếu về chuyên môn, kỹ năng cũng như khả năng tài chính hạn chế chính là nút thắt không đáp ứng được yêu cầu từ các nhà phân phối nước ngoài. Do vậy, nhiều doanh nghiệp tỏ ra bi quan, chán nản và từ bỏ ý định đưa sản phẩm ra nước ngoài.

Nhìn nhận về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Tập đoàn phân phối nước ngoài lên kế hoạch triển khai hoạt động với trọng tâm là tập trung nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp để đủ khả năng xuất khẩu vào các hệ thống phân phối hiện đại trên thế giới.

Tuy nhiên, để việc triển khai đồng bộ và hiệu quả cần sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là các sở công thương, các tổ chức xúc tiến thương mại, các hãng phân phối nước ngoài và đặc biệt là các doanh nghiệp, hiệp hội xuất khẩu Việt Nam.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Là một trong số các doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực xuất khẩu, ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San (Đồng Nai) chia sẻ, do nắm bắt được tâm lý và thị hiếu tiêu dùng của các nước nên sản phẩm tiêu của hợp tác xã Lâm San hiện đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng của châu Âu và được xuất khẩu với số lượng lớn qua EU.

Thay vì sản xuất đại trà như trước, hợp tác xã đang tự đi tìm gặp các nhà phân phối đặt vấn đề, đưa sản phẩm cho phía bạn xem đã đáp ứng chưa để tổ chức sản xuất cho phù hợp. Dù mất thời gian nhưng hàng hóa sản xuất đảm bảo chắc chắn được đầu ra có giá tốt hơn so với trước đây.

Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 170 cơ sở bán lẻ thuộc các loại hình có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); trong đó, có khoảng 110 cơ sở bán lẻ FDI có quy mô 500 m2 trở lên thuộc loại hình siêu thị, trung tâm thương mại của rất nhiều thương hiệu nổi tiếng như BigC, Lotte Mart, Aeon, Emart…

Không chỉ ưu tiên phân phối các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt trong hệ thống tại thị trường nội địa, các nhà bán lẻ “ngoại” còn tham gia xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thông qua hệ thống phân phối tại các thị trường nước ngoài.

Theo các chuyên gia, đây không chỉ là kênh tiêu thụ quan trọng giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu Việt trên thị trường thế giới.

Nhiều doanh nghiệp cũng đồng tình rằng, việc tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài có trình độ tổ chức tiên tiến, hiện đại đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ. Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế nên các doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn nhất định.

Theo ông Paul Lee, liên tục trong hai năm qua, Central Group Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan, mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt.

Cùng đó, qua việc trưng bày và giới thiệu sản phẩm Việt đến người tiêu dùng Thái, xây dựng mối quan hệ đối tác và đối thoại trực tiếp với các bộ phận thu mua của Central Group Thái Lan, doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng năng lực tiếp cận thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.

Central Group Việt Nam dự kiến sẽ đẩy mạnh thu mua các sản phẩm của Việt Nam để xuất khẩu đi nước ngoài qua hệ thống như nước mắm Cát Hải (Hải Phòng), nước mắm Phú Quốc...

Tuy nhiên, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) cho rằng, để hàng hóa của doanh nghiệp Việt vào được các kênh phân phối hiện đại của nước ngoài vẫn là bài toán khó.

Bởi ngoài vấn đề chất lượng sản phẩm mẫu mã đẹp giá thành cạnh tranh, doanh nghiệp cần hiểu rõ quy trình và tiêu chí xuất khẩu sản phẩm vào các hệ thống phân phối nước ngoài.

Bà Cao Thị Phi Vân cho hay, ngoài các chương trình được Bộ Công Thương triển khai, ITPC thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố phía Nam với các hệ thống phân phối sỉ, lẻ tại Tp. Hồ Chí Minh.

Từ đầu năm đến nay, ITPC hỗ trợ cho hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị Aeon Việt Nam.

Dự kiến cuối tháng 7/2018, ITPC sẽ phối hợp với Công ty TNHH TMDV BigC tổ chức Hội thảo Kết nối đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị BigC Việt Nam và tháng 9 sẽ phối hợp tổ chức Tuần lễ trưng bày triển lãm sản phẩm tương tự tại Aeon.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam rất yếu về kinh doanh quốc tế cũng như hạn chế về tiềm lực quảng bá sản phẩm.

Để xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam áp dụng nhiều biện pháp như xuất khẩu thông qua một doanh nghiệp thương mại rồi họ bán lại cho các khách hàng khác hoặc vào siêu thị.

Tuy nhiên, nếu xuất khẩu trực tiếp cho các đối tác này, ưu thế là khi sản phẩm đã vào được một siêu thị thì cũng sẽ được chấp nhận ở toàn bộ hệ thống siêu thị của doanh nghiệp đó trên toàn thế giới. Vì vậy, thông qua hệ thống này, sản phẩm sẽ trực tiếp đến tay người tiêu dùng cuối cùng, khi đó giá thành và thị trường rất tốt.

Hơn nữa, khi sản phẩm Việt đã được bán trong kênh phân phối nước ngoài thì đồng nghĩa với việc sản phẩm được đảm bảo về mặt chất lượng cũng như thương hiệu. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp Việt dần dần khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục