Tập trung xây dựng khuôn khổ pháp lý về quy hoạch

16:58' - 08/11/2024
BNEWS “Nhà là nơi bắt đầu: Tăng cường thể chế phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam” là chủ đề chính của Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2024 diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 8/11.

Sự kiện do Bộ Xây dựng tổ chức thường niên để thúc đẩy đối thoại, hợp tác và trao đổi kiến thức giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, viện, trường, cơ sở nghiên cứu, giáo dục, đào tạo cùng đối tác phát triển quốc tế, tổ chức, cá nhân quan tâm đến phát triển đô thị.

Đây cũng là sự kiện chào mừng Ngày đô thị Việt Nam 8/11 và hưởng ứng Ngày Đô thị hóa thế giới và hướng tới chủ đề Kỳ họp thứ 12 của Diễn đàn Đô thị Thế giới đang diễn ra tại Thủ đô Cairo - Ai Cập;  đồng thời hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11. Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cùng nhiều tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp với diễn giả là chuyên gia đầu ngành về phát triển đô thị, nhà hoạch định chính sách hàng đầu.

 

Diễn đàn bao gồm 1 phiên toàn thể và 3 hội thảo chuyên đề. Diễn đàn sẽ tập hợp ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển đô thị trong nước và quốc tế để giúp các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong việc xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động, chiến lược, đề án triển khai cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 148/NQ-CP thực hiện Nghị quyết số 06.

Khai mạc Phiên toàn thể, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng khẳng định, các đô thị Việt Nam ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế quốc gia với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 43,1% và khoảng 902 đô thị trên toàn quốc. Nhiều đô thị ven biển đã hình thành các thương hiệu mới, chất lượng sống ngày càng được cải thiện.

Nhờ vào sự đóng góp của đô thị, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt 430 tỷ USD; thu nhập bình quân ở khu vực thành thị gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn. Chất lượng cuộc sống đô thị ngày càng tăng cao với sự cải thiện rõ rệt về môi trường sống, cảnh quan đô thị, tiếp cận hạ tầng kỹ thuật đô thị và cơ hội phát triển của cộng đồng dân cư...

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng cũng chỉ rõ, hiện vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại mà sự phát triển đô thị chưa khắc phục triệt để như đô thị hóa còn dàn trải, mật độ đô thị thấp, chưa thực sự hiệu quả. Chất lượng hạ tầng đô thị còn vấn đề đặc biệt đối với các thành phố lớn gây ra nhiều khó khăn trong đời sống đô thị như ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông, ngập lụt cục bộ, thiếu nhà ở, thiếu hạ tầng, không gian xanh… Sự gia tăng về đất đai đô thị, mở rộng ranh giới hành chính đô thị thời gian qua tiếp tục tạo nên thách thức trong cải thiện, nâng cấp chất lượng hạ tầng đô thị trong thời gian tới.

Để giải quyết các thách thức, hiện Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và chính quyền nhiều đô thị đang nỗ lực thực hiện chương trình hành động, triển khai chính sách, pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa; đặc biệt là Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị với định hướng toàn diện cho việc quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một Nghị quyết quan trọng mang tầm chiến lược, định hướng cho quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam. Cùng đó là dự Luật như Luật Quy hoạch đô thị - nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật cấp thoát nước đang được nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy quá trình đô thị hóa có chất lượng – Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng thông tin.

Tại Phiên toàn thể, bà Laura Petrella – Trưởng ban Quy hoạch, Tài chính và Kinh tế - Chương trình định cư con người Liên Hợp Quốc toàn cầu (UB-Habitat) cho rằng, trong phát triển đô thị, mọi hành động đều bắt đầu từ các địa phương và cần triển khai thực hiện đồng bộ ngay từ bây giờ. Khi các bên cùng thực hiện từng bước với những thay đổi từ nhỏ đến lớn sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để thay đổi tích cực tại tất cả các đô thị. Như vậy sẽ đáp ứng mục tiêu không để khu vực nào bị bỏ lại phía sau.

Theo đó, bà Laura Petrella đề xuất việc cải thiện khung pháp lý trong biên soạn Luật Đô thị; trong đó chú trọng cả chính sách cho nhà ở xã hội, hướng tới xu hướng đô thị “nén”, dành nhiều không gian công cộng... Đặc biệt, việc thúc đẩy quy hoạch đô thị tích hợp cần sự tham gia của nhiều bên, bao gồm cả tư nhân và nhóm yếu thế; đồng thời nên trao quyền cho các địa phương để nâng cao hiệu quả phát triển đô thị.

Tham dự Diễn đàn, bà Amal Abdel Kader Almorsi Salama - Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam cho rằng, phát triển đô thị bền vững là động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP tại Việt Nam thời gian qua. Việc cải thiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội đã tạo sự gắn kết giữa đô thi và nông thôn, tạo cơ sở để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên ngắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững.

Đồng quan điểm, ông Thomas Gass – Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam khẳng định, các thành phố đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững chung. Theo tính toán, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng khoảng 2 độ C, mức phát thải các-bon cũng tăng cao và có khoản 2,7 tỷ người chủ yếu sống tại đô thị phải đối mặt với tác động rủi ro của biến đổi khí hậu – ông Thomas Gass cảnh báo.

Do đó, các thành phố không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế mà phải chủ động còn ứng phó rủi ro trong chống biến đổi khí hậu để từ đó có giải pháp cải thiện cuộc sống cho người dân. Để đạt đươc các mục tiêu này, tài chính xanh cũng là một trong những nội dung quan trọng cần cân nhắc bởi nó giúp các đô thị đảo bảo đủ nguồn lực và đi đúng hướng. Thụy Sĩ sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực tài chính, thiết lập đối tác về nâng cao hợp tác phát triển đô thị - ngài Đại sứ chia sẻ.

Hiện nay, Thụy Sĩ đã làm việc với nhiều thành phố lớn cùng 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như một số vùng miền khác để phối hợp hỗ trợ cho mục tiêu chung về phát triển đô thị bền vững. Cơ quan chức năng của Thụy Sỹ cùng Bộ Xây dựng cũng đang trong quá trình hoàn tất khâu chuẩn bị cho chương trình hợp tác song phương mới về phát triển đô thị; trong đó chú trọng lồng ghép các chương trình, kiện toàn khung pháp lý, chia sẻ dữ liệu, thí điểm giải pháp đổi mới sáng tạo...

Quản trị đô thị được xác định là nội dung quan trọng. Giai đoạn năm 2025 – 2028 sẽ tập trung vào xây dựng khuôn khổ pháp lý về quy hoạch. Chủ đề này nhằm nhấn mạnh yếu tố thể chế vững mạnh, gia tăng hiệu quả quản lý... Thụy Sĩ tiếp tục cam kết đồng hành cùng Việt Nam xây dựng các thành phố phát triển bền vững, chống chọi tốt với biến đổi khí hậu và đón nhận thách thức cũng như cả cơ hội trong tương lai – ông Thomas Gass cho hay.

Diễn đàn phát triển đô thị bền vững Việt Nam đã trở thành nơi gặp mặt thường niên của các đô thị trên cả nước, chính quyền các cấp, các đối tác, chuyên gia và bạn bè quốc tế quan tâm đến phát triển đô thị Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục