Thách thức bủa vây Apple

05:30' - 30/03/2024
BNEWS Apple được cho là đang hướng đến một năm 2024 không mấy suôn sẻ. Trong khi đó, doanh số bán điện thoại iPhone ở Trung Quốc giảm, hãng cũng đối mặt với một cuộc điều tra pháp lý ở Liên minh châu Âu.
Apple cũng đang ghi nhận sự thiếu hụt khả năng sáng tạo trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Trong Hội Nghị các Nhà Phát Triển Toàn Cầu (WWDC) dự kiến được tổ chức từ ngày 10-14/6/2024, Apple được cho là sẽ phải có nhiều đột phá nếu muốn bắt kịp các đối thủ Big Tech như Microsoft và Google.
 
Tất cả những điều này đang làm tổn hại đến giá cổ phiếu của Apple. Giá cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone đã giảm hơn 7% kể từ đầu năm và chỉ tăng 6,25% trong 12 tháng qua. Để so sánh, giá cổ phiếu của Microsoft đã tăng 14% từ đầu năm đến nay và tăng 49% trong 12 tháng qua. Trong khi đó, cổ phiếu của “gã khổng lồ” tìm kiếm Google đã tăng 9% từ đầu năm đến nay và tăng 43% trong 12 tháng qua.
 
* “Cơn đau đầu” tại Trung Quốc

 
“Cơn đau đầu” mới nhất của Apple xảy ra hôm 26/3, khi Bloomberg trích dẫn dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc cho thấy lượng xuất xưởng điện thoại iPhone đã giảm 33% so với cùng kỳ năm 2023 tại nước này vào tháng Hai.
 
Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của Apple sau Bắc Mỹ và châu Âu. Vào năm 2023, khu vực này đóng góp 72,6 tỷ USD trong tổng doanh thu 383,3 tỷ USD của Apple, tương đương khoảng 19% tổng doanh thu của công ty.
 
Đây không hẳn là điều bất ngờ. Đầu tháng này, cơ quan nghiên cứu Counterpoint Research báo cáo doanh số bán iPhone tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm 24% so với cùng kỳ năm trước trong sáu tuần đầu tiên của năm 2024. Tổng doanh số bán điện thoại thông minh ở Trung Quốc giảm 7% trong cùng kỳ.
 
Apple đã tích cực mở rộng hoạt động ở Trung Quốc trong nhiều năm, nhưng Huawei lại đang trỗi dậy và điều kiện kinh tế khó khăn ở nước này đang khiến doanh số bán hàng bị siết chặt.
 
Mặc dù vậy, Apple đang nỗ lực cải thiện tình hình. Tuần trước, CEO Tim Cook đã bay tới Trung Quốc để khai trương cửa hàng đại diện hàng đầu mới nhất của Apple tại Thượng Hải. Ông cũng tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc tại Bắc Kinh và dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
 
Theo tờ The South China Morning Post, các nhà bán lẻ được Apple ủy quyền cũng đang cố gắng tăng doanh số bán hàng, bằng cách giảm giá những chiếc iPhone mới nhất, với hy vọng sẽ thúc đẩy người tiêu dùng bắt đầu mua hàng trở lại. Tuy nhiên, điều này không thể xảy ra trong một sớm một chiều.
 
* Cuộc chiến pháp lý với Bộ Tư pháp Mỹ

 
Bên cạnh việc doanh số bán hàng sụt giảm, Apple cũng đang phải đối mặt với cuộc điều tra chống độc quyền. Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) vào tuần trước đã đệ đơn kiện đối với Apple, cáo buộc “gã khổng lồ” công nghệ này sử dụng nhiều chiêu trò bất hợp pháp để duy trì vị trí thống trị thị trường điện thoại thông minh cao cấp.
 
DOJ tuyên bố rằng Apple đã áp đặt hạn chế đối với các nhà phát triển ứng dụng, gây khó khăn cho người dùng khi chuyển sang các nền tảng cạnh tranh, đồng thời cản trở việc chơi game trên ứng dụng đám mây và cản trở những siêu ứng dụng cho phép người dùng truy cập nhiều ứng dụng nhỏ hơn từ một nền tảng lớn hơn.
 
Tuy nhiên, Apple đã chống trả. Họ tuyên bố rằng vụ kiện "đe dọa vị trí của chúng tôi và những nguyên tắc tạo nên sự khác biệt của các sản phẩm Apple trên các thị trường cạnh tranh khốc liệt. Nếu thành công, vụ kiện sẽ cản trở khả năng Apple tạo ra loại công nghệ mà mọi người mong đợi".
 

DOJ đang tìm cách buộc Apple thay đổi phương thức kinh doanh của mình, điều này có thể có nghĩa là cấp cho các ứng dụng của bên thứ ba quyền truy cập nhiều hơn vào nền tảng của công ty và yêu cầu Apple mở rộng khả năng tương thích với các nhà sản xuất thiết bị của bên thứ ba.

DOJ đang tìm cách buộc Apple thay đổi phương thức kinh doanh của mình. Điều này có thể bao gồm việc cấp cho các ứng dụng của bên thứ ba quyền truy cập nhiều hơn vào nền tảng của Apple và yêu cầu hãng mở rộng khả năng tương thích với các nhà sản xuất thiết bị của bên thứ ba.
 
Vụ kiện cũng có thể tạo ra một sự xao lãng nguy hiểm đối với Apple, tương tự như cách cuộc chiến chống độc quyền của Microsoft vào những năm 1990 đã khiến các giám đốc điều hành đánh mất sự chú ý vào các công nghệ mới nổi như điện thoại thông minh.
 
Nếu Microsoft không đầu tư nhiều vào cuộc chiến chống độc quyền ở thời điểm đó, rất có thể hãng đã chứng kiến thời đại điện thoại thông minh đang đến giống như Apple và Google, và có thể tung ra dòng thiết bị cầm tay của riêng mình.
 
* Thách thức từ châu Âu

 
Cơ quan giám sát cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) là Ủy ban châu Âu (EC) hôm 25/3 đã thông báo rằng họ đang xem xét liệu Apple có tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) hay không.
 
Trong một tuyên bố, EC cho biết, họ đang điều tra cấu trúc phí ứng dụng mới của Apple tại EU cũng như liệu công ty này có đáp ứng các nghĩa vụ liên quan đến ứng dụng mặc định và khả năng xóa các ứng dụng được cài đặt sẵn hay không.
 
DMA yêu cầu Apple mở cửa để các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba tiếp cận iPhone, cho phép các nhà phát triển nhận được khoản hoa hồng tương đương 30% hoặc 15%.
 
Mặc dù Apple cho biết, họ sẽ cho phép điều này song họ cũng sẽ tính phí Công nghệ cốt lõi tương đương 50 xu Mỹ cho mỗi lần cài đặt mỗi năm đối với các ứng dụng đã được tải về hơn 1 triệu lần trong 12 tháng qua.
 
Trong khi phải đối mặt với vô số thách thức, nhưng Apple được cho là vẫn sẽ kiên cường đứng vững. Hãng công nghệ Mỹ hiện vẫn là công ty giàu thứ hai trên thế giới tính theo vốn hóa thị trường - sau Microsoft - và chắc chắn sẽ tiếp tục bán được hàng triệu thiết bị cùng các đăng ký dịch vụ trong suốt năm 2024.
 
Tuy nhiên trong tương lai gần, Apple có thể sẽ phải đối mặt với một chặng đường gập ghềnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục