Thách thức trong kế hoạch quốc hữu hóa đất đai của Nam Phi

07:27' - 14/08/2018
BNEWS Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền tại Nam Phi ngày 31/7 cho biết sẽ thúc đẩy kế hoạch sửa đổi hiến pháp nhằm cho phép quốc hữu hóa đất đai mà không phải bồi thường.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Ảnh: Africa News/TTXVN
Theo trang mạng news.com.au, kế hoạch này được Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đồng thời là Chủ tịch ANC, công bố sau hội nghị toàn thể của ANC hai ngày. 

Trước đó, đảng Các chiến sỹ vì tự do kinh tế (EFF) đã đưa ra đề xuất quốc hữu hóa đất đai không cần bồi thường để phân phối lại. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của ANC và Quốc hội Nam Phi hồi tháng 2 vừa qua cũng đã bỏ phiếu ủng hộ đồng thời chuyển đề xuất này tới Ủy ban giám sát hiến pháp (thuộc Quốc hội).

Phát biểu trên truyền hình sau hội nghị của ANC, Tổng thống Ramaphosa khẳng định: "Trong quá trình tiếp xúc cử tri, rõ ràng rằng người dân thể hiện nguyện vọng Hiến pháp quy định rõ hơn về công hữu đất nhưng không bồi thường. 

ANC tái khẳng định quan điểm của đảng bằng việc đưa ra chương trình cải cách đất đai toàn diện, cho phép sở hữu đất đai công bằng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc sử dụng hiệu quả nhất diện tích đất và khuyến khích thêm hàng triệu người dân tham gia vào sản xuất". 

Ông Ramaphosa cho biết thêm ANC cầm quyền sẽ hoàn thành dự thảo Hiến pháp sửa đổi trong đó "quy định rõ ràng hơn về điều kiện quốc hữu hóa đất mà không bồi thường. Mục đích của đề xuất sửa đổi này là khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực. 

Việc sửa đổi Hiến pháp cũng sẽ cải thiện tình trạng bất công ở các khu đô thị". Tuy nhiên, Tổng thống Ramaphosa khẳng định cần "hiểu đúng" Hiến pháp và điều khoản hiện hành quy định về tài sản "cho phép nhà nước thực hiện công hữu hóa đất với sự bồi thường phù hợp và công bằng, nhưng nhà nước được phép không bồi thường nếu quốc hữu hóa đất vì lợi ích công cộng".

Gần 30 năm sau khi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid chấm dứt, quyền sở hữu đất và bất bình đẳng giàu-nghèo đang bị xem là các vấn đề về phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Điều tra dân số năm 2011 cho thấy người da trắng ở Nam Phi có khoảng 4,6 triệu, chiếm 8,9% dân số. Tuy nhiên, theo thống kê của kiểm toán Chính phủ Nam Phi năm 2017, nhóm người này đang sở hữu 72% đất nông nghiệp.

Trước sức ép của Chủ tịch EFF Julius Malema, sau khi nhậm chức (tháng 12/2017), Tổng thống Ramaphosa coi vấn đề tái phân phối đất đai là một trụ cột chính trong nền tảng chính sách của Nam Phi. 

Dư luận chung cho rằng, thông báo của Tổng thống Ramaphosa về kế hoạch quốc hữu hóa đất mà không bồi thường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với niềm tin của các nhà đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế Nam Phi đang đối mặt với nhiều khó khăn. 

Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của Nam Phi đã tăng 27,2% trong quý II/2018 so với mức 26,7% của quý I/2018. Tổng thống Ramaphosa đánh giá rằng số liệu đó "rất đáng lo ngại" và "kinh tế Nam Phi hiện đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng”.

Ngay sau Hội nghị của ANC, Tổng thống Ramaphosa đã công bố "gói kích cầu để kích thích tăng trưởng kinh tế của Nam Phi với mục tiêu tạo thêm việc làm, đặc biệt đối với giới trẻ và phụ nữ". 

Gói kích cầu bao gồm tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng và "các biện pháp hỗ trợ thương mại" đối với các ngành như đường và các sản phẩm khác bị ảnh hưởng bởi các đợt tăng nhập khẩu và gói kích cầu "sẽ dựa trên các nguồn ngân sách hiện có và thu hút thêm các khoản đầu tư mới trong khi vẫn đảm bảo sự thận trọng về tài chính"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục