Thách thức từ khoảng cách phát triển trong ASEAN

17:13' - 28/11/2015
BNEWS Thách thức lớn nhất mà các quốc gia trong khu vực sẽ phải đối mặt khi AEC đi vào thực thi là làm thế nào có thể mang lại lợi ích cho người dân, doanh nhân.
Bà Sanchita Basu Das, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế tại Viện Nghiên cứu ASEAN (Singapore). Ảnh: twitter

Liên quan đến việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), phóng viên TTXVN thường trú tại Singapore đã có cuộc trao đổi với bà Sanchita Basu Das, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế tại Viện Nghiên cứu ASEAN (Singapore) về những thách thức mà các quốc gia trong khu vực sẽ phải đối mặt khi AEC đi vào thực thi.

Có một thực tế đó là dù nhiều loại thuế đã được điều chỉnh giảm, song các doanh nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi các hàng rào phi quan thuế trong khu vực như quá trình cấp phép không tự động hoặc các tiêu chuẩn buộc các doanh nghiệp phải đáp ứng, hay các quy định và chi phí hành chính đi kèm với các thỏa thuận thương mại ưu đãi mới...

Chính điều này đã khiến doanh nghiệp vẫn phải tốn nhiều chi phí và cả thời gian.

Không những thế, cơ sở hạ tầng ở các nước ASEAN vẫn còn rất không đồng đều. Điều này cũng dẫn đến những đến vấn đề về vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ qua biên giới.

Ở một khía cạnh khác, những người dân bình thường mong đợi có thêm nhiều sự lựa chọn về hàng hóa trong khu vực hay giá cả sẽ giảm khi AEC hình thành hoặc họ có thể có cơ hội việc làm tốt hơn ở các nước trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, nhiều khi các chính sách về việc làm ở các nước khác lại không phù hợp hay tương đối khác với các quy định trong nước.

Và vì vậy, ngay cả khi ASEAN có thỏa thuận trao đổi lao động, cũng không hoàn toàn là dễ dàng để có được việc làm ở nước khác bởi vì quốc gia đó có thể đưa ra yêu cầu về ngôn ngữ cần đáp ứng, cũng như áp đặt một số quy định về hạn ngạch lao động nước ngoài.

Do dó, đây sẽ là những thách thức lớn đối với các nước ASEAN và rõ ràng vẫn còn rất nhiều vấn đề liên quan để xây dựng một cộng đồng kinh tế hiệu quả.

Về giải pháp để thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia trong ASEAN, bà Sanchita phân tích: "Theo các thỏa thuận về AEC, ASEAN có một chính sách gọi là sáng kiến hội nhập ASEAN.

Theo đó, các thành viên ASEAN phát triển hơn cố gắng giúp đỡ các thành viên kém phát triển mà chủ yếu là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Tuy nhiên, quan trọng hơn là tạo ra một cơ chế trong AEC để các nước kém phát triển hơn nâng cao năng lực cũng như những tùy chỉnh khi thiết kế các chương trình, dự án hỗ trợ ùy theo nhu cầu của từng nước.

Một dự án hỗ trợ cho Campuchia có thể không thích hợp với Việt Nam, vì Việt Nam là phát triển hơn Campuchia hoặc Lào. Mặt khác, theo tôi, mỗi quốc gia cũng nên tự mình cải cách, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục bởi khoảng cách về kỹ năng là một vấn đề rất lớn trong ASEAN tại thời điểm này.

Đối với một quốc gia như Việt Nam cần xem xét về vị trí của mình trong chuỗi giá trị sản xuất. Có lẽ Việt Nam nên tập trung vào vấn đề chi phí lao động thấp để có thể đặt mình trong chuỗi giá trị thấp hơn. Điều quan trọng là các nước cần phải tự mình cân nhắc làm thế nào họ có thể tận dụng được lợi thế của AEC và điều đó sẽ giúp họ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN".

Bà Sanchita khẳng định: nếu ASEAN quan tâm về khoảng cách phát triển này và có cách thức phù hợp để cả hai nhóm, các nước kém phát triển và các nước phát triển hơn, có thể tận dụng lợi thế của việc hội nhập kinh tế từ AEC, thì quá trình này có thể vận hành một cách thuận lợi.

Mỹ Bình (P/v TTXVN tại Singapore)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục