Thái Lan: 4 ngân hàng lớn giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy kinh tế

11:21' - 15/08/2019
BNEWS Kể từ ngày 15/8, 4 ngân hàng lớn của Thái Lan sẽ cắt giảm 0,25% lãi suất bán lẻ tối thiểu (MRR), nhằm góp phần giảm chi phí tài chính, tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trụ sở ngân hàng Krung Thai Bank tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 14/8, bốn ngân hàng lớn của Thái Lan sẽ cắt giảm 0,25% lãi suất bán lẻ tối thiểu (MRR), có hiệu lực từ ngày 15/8, nhằm góp phần giảm chi phí tài chính, tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và hỗ trợ nền kinh tế Thái Lan.

Bốn ngân hàng trên gồm Kasikornbank (KBank), Krungthai Bank (KTB), Bangkok Bank (BBL) và Siam Commercial Bank (SCB).

Kbank, KTB và BBL cũng cắt giảm 0,25% lãi suất cho vay thấu chi tối thiểu (MOR). Trong khi đó, SCB cắt 0,125% MOR , đưa lãi suất MRR của ngân hàng này về mức 7,12% và MOR về mức 6,745%. Lãi suất cho vay tối thiểu (MLR) của SCB không thay đổi ở mức 6,025%.

Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch điều hành cao cấp của BBL Suvarn Thansathit cho biết việc ngân hàng này cắt 0,25% lãi suất MOR và MRR nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là SMEs, giảm chi phí lãi suất - một phần của chi phí vận hành kinh doanh.

Ông Suvarn Thansathit cho biết: “BBL cam kết hỗ trợ các chủ thể vận hành kinh doanh cải thiện tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh trong kinh doanh. Điều đó sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế theo các chính sách của chính phủ”.

Cho đến ngày 14/8, lãi suất MOR và MRR tại Kbank là 7,12%. Chủ tịch Kbank xác nhận mục đích của việc cắt giảm lãi suất là để giảm bớt gánh nặng cho SMEs và các khách hàng bán lẻ.

Trong khi đó, với việc cắt giảm 0,25%, KTB đã đưa lãi suất của ngân hàng này về 6,87%. Động thái của các ngân hàng trên được thực hiện theo đà quyết định của Ngân hàng Trung ương Thái Lan hôm 7/8 vừa qua giảm lãi suất chính sách từ 1,75 xuống 1,50%./.
Xem thêm:

>>Khu vực kinh tế tư nhân Thái Lan muốn được ưu đãi về thuế

>>Các ngân hàng Thái Lan áp dụng công nghệ blockchain trong giao dịch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục