Thái Lan: Chính sách đảm bảo giá nông sản không phải là giải pháp lâu dài

05:30' - 01/09/2019
BNEWS Nếu Thái Lan muốn cải thiện chất lượng cuộc sống của nông dân về lâu dài, thì chính phủ cần đầu tư vào cải thiện chất lượng sản phẩm và tạo ra những lựa chọn giá trị gia tăng cho nông sản.
Nông dân gặt lúa trên cánh đồng ở tỉnh Nonthaburi, Thái Lan. Ảnh: EPA/TTXVN

Tờ The Nation số ra mới đây dẫn lời Phó giáo sư, Tiến sĩ Nipon Poapongsakorn, thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI), khuyến cáo việc chính phủ nước này dự định chi 150 tỷ baht (hơn 4,9 tỷ USD) cho các chương trình đảm bảo giá nông sản sẽ không cải thiện được chất lượng sản phẩm hoặc nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân.

Theo ông Nipon, việc đảm bảo giá không thể áp dụng cho tất cả các sản phẩm vì chúng có thời gian sản xuất khác nhau, như gạo cần 3-4 tháng, trong khi cao su cần một thời gian dài hơn để được chuyển hóa thành sản phẩm. Do đó, chính sách đảm bảo giá của chính phủ sẽ không mang lại một giải pháp lâu dài.

Ông Nipon cũng nói rằng kế hoạch này sẽ khó được kiểm soát vì những vùng khác nhau có giá thị trường khác nhau đối với những sản phẩm khác nhau. Ví dụ, gạo ở miền Trung có giá khác với gạo ở miền Bắc, điều này có nghĩa là nông dân trồng lúa ở những vùng khác nay sẽ nhận được những khoản tiền khác nhau. Giá những nông sản khác như cao su, sắn, ngô và dầu cọ cũng dao động lớn.

Theo ông Nipon, chính sách nói trên, bắt đầu từ khi đảng Dân chủ nắm quyền những năm trước đây, đã phải đối mặt với những vấn đề như nông dân chia nhỏ đất canh tác ra cho các thành viên trong gia đình để có thể được hưởng trợ cấp.

Ngoài ra, chính sách này không thể cải thiện được chất lượng nông sản, khiến cho chính sách không bền vững về lâu dài. Khoản ngân sách 150 tỷ baht sẽ không đủ nếu Chính phủ muốn bảo vệ tất cả các nông sản được trồng ở Thái Lan, nước có diện tích canh tác nông nghiệp 9,6 triệu ha.

Chuyên gia Nipon cho rằng nếu Thái Lan muốn cải thiện chất lượng cuộc sống của nông dân về lâu dài, thì Chính phủ phải đầu tư vào cải thiện chất lượng sản phẩm và tạo ra những lựa chọn giá trị gia tăng cho nông sản.

Các đảm bảo về giá cũng không thể thúc đẩy sản xuất nông nghiệp vì sản xuất phải theo các xu thế thị trường. Nếu Chính phủ muốn thúc đẩy giá sản xuất, họ nên sử dụng biện pháp thế chấp, nhưng hệ thống thế chấp ở Thái Lan hiện có nhiều khiếm khuyết.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ  Somchai Pakapaswiwat - một chuyên gia kinh tế và chính trị độc lập - nói rằng Chính phủ Thái Lan phải nâng năng suất nông nghiệp bằng cách sử dụng sáng tạo và dữ liệu lớn (big data) để giúp nông dân cải thiện chất lượng.

Đảm bảo giá là một biện pháp ngắn hạn vào thời điểm khi đất nước trải qua sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Chính phủ cũng phải cải thiện chất lượng nông sản đầu ra của nông dân và cung cấp thông tin hỗ trợ để họ có thể trở thành những nông dân thông minh cùng với sự bền vững về lâu dài.

Cùng quan điểm, Charoen Laothammatas, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho rằng hệ thống đảm bảo giá là một giải pháp ngắn hạn nhằm bảo đảm cho nông dân có thu nhập ổn định, nhưng về lâu dài Hiệp hội muốn cải thiện chất lượng giống và giúp nông dân sản xuất những vụ lúa chất lượng hơn cũng như mở rộng các thị trường ở nước ngoài.

Đầu tháng 8/2019, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanavisit đã công bố chính sách đảm bảo giá cho cao su, gạo, sắn, dầu cọ và ngô. Tuy nhiên, ông Jurin không tiết lộ số tiền được dành cho chính sách này, nói rằng điều đó phụ thuộc vào giá cuối cùng được các bên liên quan nhất trí. Sau đó, hơn 40 tỷ baht đã được phân bổ cho việc đảm bảo giá gạo, cao su và dầu cọ. Việc phân bổ ngân sách để đảm bảo giá ngô và sắn sẽ được công bố sau.

Ông Jurin đồng ý rằng đảm bảo giá là một chính sách ngắn hạn, và rằng chính phủ đang lên kế hoạch về các biện pháp dài hạn hơn để cải thiện chất lượng sản phẩm và phát triển các thị trường bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục