Thái Lan dùng luật vay đặc biệt, tài trợ 14,3 tỷ USD cho chương trình ví số

09:27' - 10/01/2024
BNEWS Thứ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Julapun Amornvivat cho biết Hội đồng Nhà nước đồng ý rằng chính phủ có thẩm quyền ban hành dự luật vay vốn cho chương trình kích thích tiền mặt.

Kế hoạch của Chính phủ Thái Lan sử dụng luật vay đặc biệt để vay khoảng 500 tỷ baht (14,3 tỷ USD) tài trợ cho chương trình ví số đã được cố vấn pháp lý “bật đèn xanh”, xóa bỏ rào cản chính đối với chương trình kích thích gây tranh cãi của Thủ tướng Srettha Thavisin.

 

Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Julapun Amornvivat cho biết Hội đồng Nhà nước -  cơ quan tư vấn cho chính quyền về các vấn đề pháp lý - đồng ý rằng chính phủ có thẩm quyền ban hành dự luật vay vốn cho chương trình kích thích tiền mặt.

Chương trình ví số, theo đó chính phủ dự kiến phát không 10.000 baht mỗi người cho tất cả những người Thái từ 16 tuổi trở lên có thu nhập dưới 70.000 baht mỗi tháng và có ít hơn 500.000 baht trong tiền gửi ngân hàng, là một trong những ưu tiên được đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) cầm quyền đề ra nhằm thúc đẩy tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.

Tuy vậy, việc triển khai chương trình có chi phí ước tính tới 500 tỷ baht và dự kiến ra mắt vào tháng 5 tới vẫn chưa rõ ràng. Hội đồng Nhà nước trong thời gian qua đã kiểm tra xem kế hoạch tìm kiếm các khoản vay để tài trợ cho chương trình này của chính phủ có phù hợp với luật pháp hay không.

Với việc được Hội đồng Nhà nước bật đèn xanh, xem như kế hoạch của Chính phủ Thủ tướng Srettha đã vượt qua được một rào cản quan trọng. Ông Julapun cho biết một ủy ban được giao nhiệm vụ giám sát chương trình sẽ sớm họp để thảo luận về dự thảo luật và lên kế hoạch về lịch trình phân phối tiền.

Tuy vậy, kế hoạch này vẫn có thể phải đối mặt với những thách thức pháp lý từ những người phản đối. Động thái vay tiền để thực hiện chương trình đã gây ra phản ứng dữ dội, bao gồm từ các đảng đối lập, một số cựu thống đốc ngân hàng trung ương và các nhà kinh tế vì lo ngại rằng điều này có thể làm tăng thâm hụt tài chính và gây ra lạm phát.

Thủ tướng Srettha đang đặt mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng hàng năm ở Thái Lan, vốn đã tụt hậu so với các nước láng giềng và đạt mức trung bình dưới 2% trong thập kỷ qua, lên 5% trong nhiệm kỳ của ông. Tuần trước, Hạ viện Thái Lan đã thông qua phiên thảo luận đầu tiên về kế hoạch ngân sách 3.480 tỷ baht của ông Srettha cho năm tài chính đến ngày 30/9/2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục