Thái Lan sẵn sàng ứng phó biến động trên thị trường tài chính toàn cầu

09:52' - 07/01/2025
BNEWS Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) cam kết duy trì khuôn khổ chính sách tiền tệ mạnh mẽ trong bối cảnh bất ổn gia tăng.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) cam kết duy trì khuôn khổ chính sách tiền tệ mạnh mẽ trong bối cảnh bất ổn gia tăng, đặc biệt là khi có các chính sách dự kiến sẽ được đưa ra tại Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Donald Trump.

 

Tại Diễn đàn Tiền tệ do BoT tổ chức ngày 6/1, các diễn giả cho biết những chính sách tạm thời của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, bao gồm thuế và thuế quan, thương mại, năng lượng và nhập cư, có khả năng góp phần làm gia tăng bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu, cũng như trong các nền kinh tế toàn cầu và Trung Quốc.

Theo diễn đàn, các chính sách này có thể khiến lạm phát tăng đột biến ở Mỹ và kéo dài thời gian duy trì lãi suất chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở mức cao.

Sự bất ổn như vậy có thể có cả tác động tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế Thái Lan. Ví dụ, xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc có thể chậm lại và nước này có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng do dòng hàng hóa Trung Quốc đổ vào.

Thái Lan có thể được hưởng lợi từ sự dịch chuyển các cơ sở sản xuất vào nước này, mặc dù điều này có thể được kiềm chế bởi sự chậm lại của đầu tư do bất ổn kinh tế toàn cầu gia tăng, diễn đàn lưu ý.

Nếu nền kinh tế Trung Quốc chậm lại do xung đột thương mại với Mỹ, các ngành xuất khẩu và du lịch của Thái Lan cũng có thể bị ảnh hưởng.

Các nhà kinh tế cho biết Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) cần theo dõi các chính sách do ông Trump đưa ra, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1.

Theo diễn đàn, ông Trump dự kiến sẽ tập trung vào những cuộc đàm phán với các bên liên quan về từng chính sách của mình, nghĩa là rất khó để đánh giá việc thực hiện thực tế và mốc thời gian của những chính sách.

Tháng trước, MPC đã nhất trí bỏ phiếu duy trì lãi suất chính sách ở mức 2,25% để hỗ trợ chính sách mạnh mẽ trong bối cảnh bất ổn gia tăng. BoT cho biết lập trường chính sách tiền tệ vẫn linh hoạt, sẵn sàng điều chỉnh dựa trên dữ liệu và triển vọng kinh tế.

Nền kinh tế Thái Lan vẫn đang phục hồi và đang tiến gần đến mức tăng trưởng tiềm năng, mặc dù tốc độ phục hồi không đồng đều. Nợ hộ gia đình của Thái Lan đã giảm do quá trình giảm đòn bẩy nợ. Theo báo cáo của BoT, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan là 89% trong quý III/2024, giảm so với mức 89,6% của quý trước.

Ông Piti Disyatat, Phó thống đốc BoT phụ trách ổn định tiền tệ, cho biết cơ quan quản lý không đặt ra tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP cụ thể. Thay vào đó, cơ quan tập trung chủ yếu vào phúc lợi của người dân Thái Lan, bao gồm khả năng trả nợ của cá nhân và hộ gia đình cũng như khả năng chi trả khi trả nợ, thay vì bản thân tỷ lệ này.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho rằng tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP không nên vượt quá 80%, vì vượt quá ngưỡng này có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng trong nước của một quốc gia.

Do quá trình giảm đòn bẩy nợ, ngành ngân hàng đã trải qua tốc độ tăng trưởng cho vay chậm hơn. Các khoản vay mua ô tô trong ngành ngân hàng ước tính giảm trong năm 2024 trước khi phục hồi trong năm nay. Theo BoT, các khoản vay mua ô tô trong quý III/2024 đã giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục