Thái Lan thông qua quy trình an toàn cho lao động nhập cư trở lại

06:50' - 14/11/2021
BNEWS Thái Lan đã thông qua quy trình đưa lao động nhập cư vào nước này với đầy đủ các quy tắc để đảm bảo những người lao động nhập cư không mắc các bệnh truyền nhiễm.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, để giải quyết tình trạng thiếu lao động, ngày 12/11, Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã thông qua quy trình đưa lao động nhập cư vào nước này với đầy đủ các quy tắc để đảm bảo những người lao động nhập cư không mắc các bệnh truyền nhiễm.

Người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết đã đồng ý với đề xuất 8 bước của Bộ Lao động để đảm bảo người dân từ các quốc gia khác có thể được thuê một cách an toàn mà không “nhập khẩu” bất kỳ ca mắc mới COVID-19 nào.

Những quy tắc mới sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2021. Để thuê lao động nhập cư, người sử dụng lao động phải gửi đơn đến các văn phòng làm việc và xin phép các cơ quan liên quan.

Bên cạnh đó, đề xuất cũng yêu cầu các quốc gia khác phải lập danh sách những người lao động tương lai và gửi danh sách này cho Bộ Lao động Thái Lan và người sử dụng lao động, trước khi những lao động tương lai này được phép làm việc tại Thái Lan. 

Bộ Lao động cũng sẽ yêu cầu bằng chứng rằng người lao động đã được tiêm chủng và có bảo hiểm y tế để họ được đăng ký với hệ thống an sinh xã hội.

Theo ông Taweesilp, Cục Việc làm sẽ liên lạc với các đại sứ quán Thái Lan ở nước ngoài để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nhập cư nhập cảnh hợp pháp vào nước này.

Người lao động phải mang theo giấy chấp thuận cũng như kết quả xét nghiệm COVID-19, giấy chứng nhận tiêm chủng và thị thực, đồng thời phải thông báo nơi cách ly ở đâu và phương tiện vận chuyển sẽ sử dụng.

Những lao động nhập cư đã được tiêm phòng đầy đủ phải được cách ly ít nhất 7 ngày và xét nghiệm 2 lần, trong khi những người chưa được tiêm chủng phải trải qua 2 tuần cách ly và thực hiện 2 lần xét nghiệm.

Người sử dụng lao động sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả các chi phí y tế. Sau khi cách ly, người sử dụng lao động phải đón người lao động để họ có thể được đào tạo thích hợp và nhận được giấy phép lao động.

Bộ trưởng Lao động Suchart Chomklin cho biết người sử dụng lao động có thể tự mình đưa lao động nhập cư vào Thái Lan hoặc thông qua các công ty tuyển dụng. Năm tỉnh Ranong, Tak (huyện Mae Sot), Sa Kaeo, Nong Khai và Mukdahan sẽ là địa điểm cách ly đối với lao động đến từ Myanmar, Campuchia và Lào. Các khách sạn cụ thể sẽ được chỉ định để tiếp nhận lao động nhập cư.

Trước đó, một nghiên cứu do Cục Việc làm thực hiện vào tháng 5/2021 cho thấy các doanh nghiệp Thái Lan cần 256.029 lao động từ Myanmar, 130.138 lao động từ Campuchia và 38.536 lao động từ Lào. Hầu hết các công việc cần lao động nhập cư là trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, xây dựng, khách sạn và may mặc.

Cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit cho biết Chính phủ nước này kỳ vọng triển vọng thương mại xuyên biên giới sẽ tốt hơn so với dự báo trước đó nhờ sự tin tưởng của khách hàng đối với chất lượng sản phẩm của Thái Lan và sự phục hồi kinh tế của các nước láng giềng.

Theo ông Jurin Laksanawisit, tổng thương mại xuyên biên giới, bao gồm cả thương mại quá cảnh, có thể sẽ tăng 4-5% trong năm 2021, so với mức tăng 3% được dự đoán trước đó.

Số liệu của Bộ Thương mại Thái Lan cho biết trong 9 tháng đầu năm 2021, thương mại xuyên biên giới, bao gồm cả thương mại quá cảnh, đạt 1.200 tỷ baht, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó,  xuất khẩu chiếm 778,3 tỷ baht, tăng 38%, trong khi nhập khẩu tăng 22,7% lên 497,1 tỷ baht.

Năm 2020, thương mại biên giới của Thái Lan, gồm cả thương mại quá cảnh, giảm 1,7% so với năm 2019 xuống còn 1.310 tỷ baht. Sự sụt giảm này là do đại dịch COVID-19, việc đóng cửa các cửa khẩu nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19 và đồng baht mạnh lên.

Theo ông Jurin, thương mại xuyên biên giới rất sôi động trong năm 2021. Trong ba tháng còn lại của năm, Bộ Thương mại vẫn lạc quan về hoạt động thương mại xuyên biên giới và tin rằng số liệu tăng trưởng cả năm sẽ vượt 3% trong dự báo trước đó.

Bộ Thương mại cũng cam kết sẽ tiếp tục đàm phán với các nước láng giềng cũng như Trung Quốc để xúc tiến việc mở lại các trạm kiểm soát nhằm thúc đẩy thương mại xuyên biên giới.

Thái Lan đã mở lại 46 cửa khẩu, trong khi vẫn còn 51 cửa khẩu đóng cửa do đại dịch.

Đầu tháng này, trong cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc Han Zhiqiang, ông Jurin đã kêu gọi Trung Quốc đẩy nhanh việc mở lại các cửa khẩu để kích thích thương mại xuyên biên giới và nhập khẩu thịt gà và yến sào từ Thái Lan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục