Chuyển đổi số giúp gì cho tăng trưởng của doanh nghiệp?

10:42' - 05/09/2021
BNEWS Rất nhiều tấm gương điển hình của một số doanh nghiệp đã thể hiện sự chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành và duy trì tối đa hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo tin từ Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI), năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài và có những tác động tiêu cực tới sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt, đợt tái bùng phát lần thứ 4 ở nhiều tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước, đã để lại nhiều hậu quả và gây nhiều tổn thương cho đa số doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng xã hội. Chính trong bối cảnh đầy thách thức, làn sóng chuyển đổi số vẫn tiếp diễn mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Rất nhiều tấm gương điển hình của một số doanh nghiệp đã thể hiện sự chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành và duy trì tối đa hoạt động sản xuất kinh doanh. Có thể kể đến Công ty TNHH Nestlé Việt Nam.
Nestlé Việt Nam đã đi tiên phong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang chịu các tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19.
Tại Nestlé Việt Nam, động lực tăng trưởng bền vững được thiết lập dựa trên các trụ cột, bao gồm: chuyển đổi số, đổi mới (lấy người tiêu dùng làm trọng tâm) và phát triển bền vững; trong đó, chuyển đổi số được xác định là quá trình bao trùm toàn bộ cơ chế vận hành của công ty, giúp tạo ra nền tảng cho sự tăng trưởng, thúc đẩy tính linh hoạt, tạo ra sự hiệu quả trong quá trình quản lý và vận hành. Từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững chung của doanh nghiệp và cộng đồng.
Đại diện Nestlé Việt Nam, ông Urs Kloeti, Giám đốc Nhà máy Nestlé Bông Sen cho biết, với mô hình "Nhà máy kết nối", Nestlé đã đặt ra ưu tiên số hóa về mặt dữ tiệu, từ đó tìm kiếm và áp dụng các công nghệ phù hợp.

Điều quan trọng nhất trong chiến lược chuyển đổi số ở Nhà máy Nestlé Bông Sen là trang bị và phát triển các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ nhân viên để tiếp cận và làm chủ công nghệ. Có 5 nền tảng quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của Nestlé Việt Nam bao gồm, định hướng chiến lược, quản trị tập trung, hạ tầng IT/OT, nhân lực trình độ cao và sự liên kết hỗ trợ.
Với mục tiêu áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất và vận hành, chỉ riêng tại Nhà máy Nestlé Bông Sen đã có trên 40 ứng dụng nội bộ được tạo ra giúp nhân viên khối nhà máy lưu trữ dữ liệu, hệ thống hóa các quy trình trước đây thực hiện hoàn toàn bằng tay.

Hoạt động này không chỉ tiết kiệm 1/2 lượng giấy sử dụng so với trước đây, giảm phát thải khí CO2 ra môi trường mà cũng giúp cắt giảm tới 60% các hoạt động không mang lại giá trị, nâng cao hiệu quả vận hành.
Trong quá trình triển khai mô hình "Nhà máy Kết nối", sau mục tiêu số hóa là mục tiêu ứng dụng công nghệ trong việc thu thập và phân tích dữ liệu, xây dựng mô hình dự đoán trong các hoạt động sản xuất và bảo trì.

Tại Nhà máy Nestlé Bông Sen, việc áp dụng công nghệ và xây dựng mô hình này đã giúp phân tích trên 1.000 quy trình, góp phần phân tích xu hướng và phát hiện những vấn đề bất thường trong sản xuất. Hoạt động này đã giúp nhà máy nâng cao năng suất và chất lượng rõ rệt cụ thể là giảm tới 60% thời gian dây chuyền tạm ngưng vận hành và giúp tiết kiệm đến 10 triệu kWh năng lượng điện tiêu thụ hằng năm.
Đề cập tới việc triển khai chuyển đổi số tại Nestlé Việt Nam, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc cho biết, để thực hiện chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần có chiến lược, sự đầu tư đúng đắn cũng như ưu tiên ứng dụng các công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn, các công cụ phân tích kinh doanh để đem lại hiệu quả và gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Điều quan trọng là tư duy lãnh đạo cùng lộ trình phát triển công nghệ rõ ràng kết hợp với việc bồi đắp năng lực nhân viên để thích nghi với sự chuyển mình của doanh nghiệp. Việc tuyển chọn và phát triển năng lực nhân viên nhằm hiện thực hóa, vận hành và duy trì hiệu quả doanh nghiệp rất quan trọng. Cuối cùng, đó chính là việc áp dụng đúng mô hình, lựa chọn công nghệ phù hợp với quy mô và sự phát triển của doanh nghiệp.
Thành lập từ năm 1995, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã liên tục mở rộng đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ nhu cầu thực phẩm, dinh dưỡng với mục tiêu tối ưu hóa vai trò của thực phẩm để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư của Nestlé vào Việt Nam đạt 730 triệu USD. Công ty tuyển dụng 2.200 lao động và vận hành 4 nhà máy.
Công ty được bầu chọn trong Top 3 Doanh nghiệp Bền vững năm 2020 trong lĩnh vực sản xuất, do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bình chọn.

Cũng trong năm 2020, công ty được Bộ Tài Chính vinh danh "Đơn vị nộp thuế tiêu biểu", đánh dấu gần một thập kỷ Nestlé Việt Nam được các cơ quan quản lý thuế Trung ương và địa phương tặng bằng khen vì thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước, đóng góp vào các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội./.

>>Chuyển đổi số: Đâu là nhân tố quyết định?


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục