Thảm kịch từ những đường dây buôn người: Bài 2 - Nguy hiểm và bất trắc nơi miền đất hứa

12:20' - 30/10/2019
BNEWS Tại châu Âu, Vương quốc Anh là một trong những điểm đến chính của người nhập cư bất hợp pháp.

Nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người trên 44.000 USD/năm và mức lương tối thiểu trên 8 bảng (10,4 USD) mỗi giờ được xem là “miền đất hứa” đối với nhiều người ở các nước đang phát triển. Họ luôn "mơ đổi đời" ở nước Anh và tìm đường đến đó bằng mọi giá.

Châu Âu, Vương quốc Anh là một trong những điểm đến chính của người nhập cư bất hợp pháp. Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN

Có nhiều con đường nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Nhiều người xin thị thực và nhập cảnh hợp pháp vào Anh sau đó tìm cách trốn ở lại.

Tuy nhiên, với khả năng quản lý chặt chẽ, cùng sự hỗ trợ của các trang thiết bị và công nghệ hiện đại như hệ thống camera giám sát dày đặc và công nghệ nhận diện bằng trí tuệ nhân tạo, không quá khó để các cơ quan chức năng Anh tìm, bắt giữ và trục xuất người bỏ trốn trên cơ sở những dữ liệu sinh trắc học (ảnh, vân tay) đã có trong quá trình làm các thủ tục cấp thị thực và nhập cảnh.

Một số người tìm cách lợi dụng kẽ hở của luật pháp nước sở tại, tìm và thuê người đã có quốc tịch Anh thực hiện kết hôn giả để bảo lãnh nhập cư vào Anh.

Tuy nhiên, những người này cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro do các cơ quan quản lý Anh thường xuyên kiểm tra, giám sát xem họ có sinh sống cùng với người có tên trong đăng ký kết hôn hay không hoặc nguy cơ bị “đối tác” đe dọa tống tiền, cưỡng ép quan hệ tình dục…

Cách phổ biến nhất là thuê các đường dây buôn người tổ chức đưa người vào Anh bất hợp pháp.

Những người chọn cách này có thể sẽ mất vài tháng, thậm chí lâu hơn và phải sống trong điều kiện vô cùng khó khăn, nguy hiểm, luôn phải trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan quản lý các nước để di chuyển bằng đường bộ từ Nga, các nước Đông Âu qua Đức, đến Pháp.

Từ Pháp, những người này phải trốn trong các xe tải hay các tàu thuyền để nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh.

Theo Thẩm phán Anh Robert Winstanley, chủ tọa phiên tòa diễn ra hồi tháng 3 vừa qua xét xử một đường dây đưa các công dân nước ngoài nhập cư bất hợp pháp vào Anh, trong đó có cả người Việt Nam, các đường dây buôn người như vậy luôn "coi thường sự an toàn" của những người được đưa bất hợp pháp vào Anh. Nhiều người sẽ phải làm việc không lương trong ít nhất 2 năm để trả nợ cho những kẻ buôn người.

Calais, thành phố cảng miền Bắc nước Pháp, từ lâu đã trở thành một điểm nóng trong các hoạt động phòng chống nạn nhập cư trái phép của Pháp và Anh.

Đợt giải tỏa trại tị nạn khổng lồ, nơi trú ẩn của hơn 8.000 người nhập cư bất hợp pháp tại Calais, kéo dài hơn một tuần cuối tháng 10/2016 không giải quyết được thực trạng nhức nhối này.

Hàng trăm người di cư vẫn thường xuyên bám trụ tại Calais với hy vọng sẽ có cơ hội tìm được chỗ ẩn nấp bí mật trên những chuyến xe tải chở hàng từ cảng Calais vượt eo biển Manche sang Anh.

Đó là chưa kể đến một số lớn những người di cư thử vận may từ các cảng khác, như Ouistreham, Cherbourg hoặc Zeebrugge ở Bỉ, đây là cảng xuất phát của chiếc xe container đông lạnh trong đó có 39 thi thể được phát hiện ở hạt Essex (Đông Nam nước Anh) hôm 23/10 vừa qua.

Theo các chuyên gia về chính sách nhập cư châu Âu, vào đầu những năm 2000, lời giải thích cho câu hỏi "tại sao là nước Anh?" khá rõ ràng.

Tình hình kinh tế ở Anh phát triển thuận lợi, thị trường lao động rất tự do và ít có những cuộc kiểm tra đối với nhập cư bất hợp pháp, cho nên dễ dàng tìm được một công việc nhỏ để kiếm sống.

Thậm chí người nhập cư đã có gia đình hoặc một cộng đồng chờ sẵn khi họ vượt biên thành công. Khi tin tức được lan theo con đường truyền miệng, mỗi người nhập cư sẽ tự đặt câu hỏi: "Tại sao không đến Anh khi gia đình mình, cộng đồng mình đang ở đó?".

Bên cạnh đó, khá nhiều thông tin sai lệch, tô vẽ về cuộc sống của người nhập cư bất hợp pháp ở Anh. Thực tế này tồn tại cho đến ngày nay, bất chấp chính sách ngày càng hạn chế và nạn bài ngoại tăng cao ở Anh.

Hiện tượng tương tự đã xảy ra khi trại dành cho người nhập cư Calais, còn được gọi là "rừng rậm" (jungle).

Những người nhập cư làm việc không giấy phép ở Anh sẽ phải ngồi tù giam 6 tháng. .Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Năm 2014, tổ chức nhân đạo Secours catholique đã công bố báo cáo "Lời nói của những người nhập cư tại Calais", phỏng vấn 54 người đại diện cho những cộng đồng trong "rừng rậm" về lý do di cư của họ, trong đó khá nhiều người nghĩ rằng có thể dễ dàng thực hiện "giấc mộng đổi đời" khi đặt chân được tới Anh.

Secours catholique đã cung cấp cho người di cư thông tin rõ ràng và khách quan về điều kiện sống và làm việc ở Pháp và Anh để điều chỉnh một số thông tin sai lệch họ được tiếp nhận.

Việc xin tị nạn ở Anh không dễ dàng hơn các nước Liên minh châu Âu (EU) khác, chỉ khoảng 20% số người làm đơn nhận được giấy phép cư trú. Hơn nữa, họ phải đến sống ở những khu vực khó khăn, như miền Bắc nước Anh, nơi chi phí nhà ở thấp hơn.

Dân chúng ở các địa phương đó cũng không sẵn lòng đón nhận sự đa dạng sắc tộc và văn hóa. Thế nhưng, những người nhập cư bất hợp pháp không nhất thiết phải trình diện chính quyền mà dựa vào cộng đồng của họ để sống.

Tuy nhiên, kể cả khi nhập cư bất hợp pháp trót lọt vào Anh, sự nguy hiểm và bất trắc mà những người này phải đối mặt vẫn rất cao. 

Trái với lời đồn thổi rằng có thể làm việc ở Anh ngay cả khi không có giấy tờ, hành động này hoàn toàn bị luật pháp Anh cấm. Những người nhập cư làm việc bất hợp pháp trên lãnh thổ Anh khi bị bắt phải chịu hình phạt lên đến 6 tháng tù giam.

Từ 3 năm nay, các biện pháp kiểm soát được tăng cường và các chủ doanh nghiệp được khuyến khích tố cáo những người không có giấy tờ.

Các tổ chức bảo vệ quyền của người lao động cảnh báo rằng làm việc bất hợp pháp rất nguy hiểm do sống ngoài vòng pháp luật, những người nhập cư trái phép không được bảo vệ, không thể làm việc cho các công ty có uy tín, điều đó có nghĩa họ có xu hướng bị các công ty hoặc chủ doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm pháp luật tuyển dụng.

Và những người nhập cư bất hợp pháp rất dễ bị lạm dụng, chẳng hạn như không được thanh toán tiền lương, không được hưởng các điều kiện an toàn lao động hoặc thậm chí bị tịch thu hộ chiếu.

Theo một báo cáo của Đại học Nottingham và Văn phòng ủy viên độc lập Anh về chống lại chế độ nô lệ thời hiện đại, lao động nước ngoài không có giấy tờ có thể được thuê làm việc ở các trạm rửa xe ven đường quốc lộ hoặc trong bãi đậu xe siêu thị tới 12 giờ/ngày với mức lương 44 euro.

Đến khi ngay cả những công việc tạm thời với tiền công rẻ mạt cũng hiếm hoi do nhu cầu quá nhiều, những người nhập cư không giấy tờ phải chấp nhận làm các công việc bất hợp pháp như trồng cần sa. Bị giam lỏng trong các ngôi nhà kín mít, họ phải chịu sự kiểm soát của các băng nhóm tội phạm và bị bóc lột sức lao động không khác gì nô lệ.  

Cơ quan chống các tội phạm nghiêm trọng có tổ chức của Anh (SOCA) cảnh báo những người nhập cư bất hợp pháp vào Anh có thể bị bóc lột dưới nhiều hình thức, trong đó cao nhất là bị buộc phải bán dâm (31%), cưỡng bức lao động (22%), làm người giúp việc gia đình (11%) và làm các công việc phi pháp khác (17%).

Một rủi ro khác đối với những người nhập cư làm việc không giấy phép ở Anh là phải ngồi tù giam 6 tháng.

Đây bị coi là một tội hình sự, ngoài ngồi tù còn bị phạt tiền và bị tịch thu hết những lợi nhuận thu được từ các hoạt động không được phép thực hiện. Những người nhập cư bất hợp pháp cũng đối mặt với khả năng cao bị các cơ quan chức năng Anh trục xuất.

Đạo luật di trú của Anh thông qua năm 2016 cũng tăng hình phạt đối với chủ doanh nghiệp tuyển dụng người lao động không có giấy tờ lên 5 năm tù giam, so với 2 năm trước đây, cùng một khoản tiền lớn.

Cảnh sát và thanh tra lao động thường xuyên tiến hành các hoạt động kiểm tra cùng với các đội kiểm soát nhập cư.

Cuối năm 2016, Cơ quan Di trú Anh đã thực hiện chiến dịch kiểm tra gần 300 cửa hàng làm móng tay và móng chân, bắt giữ 97 người lao động bất hợp pháp, trong đó có một số người Việt Nam.

Các cơ sở này đã bị phạt 20.000 bảng cho mỗi trường hợp lao động không giấy tờ.

Hướng dẫn mới nhất của Bộ Nội vụ Anh yêu cầu các chủ doanh nghiệp muốn thuê lao động quốc tịch ngoài EU phải thông báo về giấy tờ giả mạo của người lao động nhập cư cho Cơ quan Di trú Anh.

Nói cách khác, chính quyền đang thúc đẩy giới chủ tố cáo những người lao động bất hợp pháp hoặc sử dụng giấy tờ giả, đổi lại chủ doanh nghiệp sẽ không bị đối mặt với các án phạt tù và tiền.

Theo báo chí Anh, thống kê vào năm 2018 cho thấy có khoảng từ 300.000 đến hơn một triệu người đang sống bất hợp pháp ở Anh. Chính quyền Anh vào tháng 3/2019 cho biết đã ra quyết định trục xuất hơn 600.000 người nhưng không thấy dấu vết họ rời đi.

Tuy vậy, một số ít người di cư, do quá mệt mỏi với điều kiện sống và làm việc khắc nghiệt ở Anh, đã quyết định quay trở lại Pháp. Năm 2017, cảnh sát Pháp đã ghi nhận gần 1.000 người đã vượt qua biển Manche để đến Calais./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục