Tham vọng thu hút các doanh nghiệp triệu phú của Indonesia

06:30' - 14/10/2023
BNEWS Indonesia vừa có chiến lược ban hành "thị thực vàng", cho phép người sở hữu được tự do ra vào đất nước trong 10 năm, nhằm thu hút các doanh nhân triệu phú đầu tư vào đây.

Theo trang mạng của Viện Lowy (Australia), trong chuyến thăm thủ đô Jakarta của Indonesia vào tháng Sáu vừa qua, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty công nghệ OpenAI, nhà sáng lập ứng dụng ChatGPT, Sam Altman đã nói với Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư của Indonesia Luhut Binsar Panjaitan rằng ông muốn làm việc ở Indonesia và thường xuyên đến thăm quốc gia Đông Nam Á này.

Bộ trưởng Luhut, giữ vai trò là người đại diện cho Tổng thống Indonesia Joko Widodo (còn được biết đến với tên gọi Jokowi) trong việc thu hút các nhà lãnh đạo doanh nghiệp triệu phú đến giao dịch đầu tư tại quốc gia này, đã đề nghị cấp cho CEO Altman một “thị thực (visa) vàng”. Đây là chế độ ưu đãi đặc biệt của Kuala Lumpur mời chào các nhà đầu tư lớn vào đất nước. Bộ trưởng Luhut cho biết, ông sẽ đề xuất với Tổng thống Jokowi về việc chính phủ cấp “thị thực vàng” đầu tiên cho ông Altman nếu vị doanh nhân này đầu tư vào Indonesia. Đáp lại, nhà triệu phú 38 tuổi đã vui vẻ đồng ý.

Tháng trước, “thị thực vàng” của CEO Altman đã được công bố. Loại thị thực đặc biệt này cho phép người sở hữu được nhập cảnh và xuất cảnh tự do tại các sân bay và cảng biển của Indonesia trong 10 năm. Tuy nhiên, có hai điều kiện cơ bản áp dụng đối với người được cấp “thị thực vàng”. Thứ nhất, người sở hữu “thị thực vàng” phải có ý định đầu tư ít nhất 5 triệu USD vào Indonesia. Thứ hai, nhà đầu tư phải chấp thuận một đề xuất của một bộ trưởng Nội Các – đề xuất đó đã được tổng thống phê duyệt.

Trong nửa đầu năm 2023, Indonesia đã thu hút 5,7 tỷ USD nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực khai thác kim loại cơ bản và lĩnh vực vận tải và viễn thông thu hút được 5,1 tỷ USD. Trả lời phỏng vấn trực tuyến với báo giới địa phương gần đây, Bộ trưởng Luhut đã nêu ra bốn trụ cột chính trong chiến lược phát triển của Tổng thống Jokowi, nhằm tìm kiếm đầu tư trong và ngoài nước.

Trụ cột thứ nhất là “hạ nguồn”. Đây là hoạt động sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng trong nước, từ tài nguyên khoáng sản và đa dạng sinh học của Indonesia. Kế hoạch này có thể thúc đẩy thu nhập xuất khẩu, giảm chi tiêu nhập khẩu và tăng thu nhập quốc dân. Một kế hoạch hạ nguồn lớn liên quan đến quặng niken khai thác ở đảo Sulawesi đang được xem xét. Tổng thống Jokowi đã cấm xuất khẩu nickel làm nguyên liệu thô, giữ lại trong nước để sản xuất pin năng lượng, hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao khi nhu cầu xe điện trên thế giới ngày càng tăng. Ngoài ra một số kim loại thiếc, bauxite và đồng cũng được đưa vào danh sách phù hợp cho việc sản xuất hạ nguồn. Tương tự, vô số công cụ làm từ kim loại như dụng cụ nấu ăn và dụng cụ y tế cũng nằm trong trụ cột này.

Về hàng hóa dựa trên sinh học, nổi bật là rong biển và dầu cọ. Carrageenan, một chiết xuất rong biển có giá trị cao, chủ yếu được sử dụng làm chất tạo gel trong thực phẩm và mỹ phẩm. Các ứng dụng thay thế là làm nhiên liệu sinh học, phân bón, thức ăn chăn nuôi, xử lý nước thải và nhựa sinh học để thay thế tình trạng tàn lụi của nhựa gây tắc nghẽn môi trường. Cùng với cọ dầu, rong biển có thể được sử dụng làm nhiên liệu sinh học và do đó giảm hóa đơn nhập khẩu dầu của Indonesia. Năm 2021, Indonesia phải gánh thâm hụt thương mại dầu khí 13,3 tỷ USD.  

Trụ cột thứ hai là số hóa. Hầu như tất cả các thủ tục giấy tờ của Kuala Lumpur hiện nay đều được số hóa. Việc điền các mẫu đơn đầu tư, khai thuế, giấy phép kinh doanh, hộ chiếu, hẹn khám bác sĩ tại các trung tâm y tế công cộng và bệnh viện được thực hiện trên điện thoại thông minh hoặc máy tính cá nhân. Indonesia cũng tìm cách phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo (AI). Các ứng dụng kỹ thuật số rộng hơn trong tương lai kéo theo những “bánh xe lớn”, như doanh nhân Sam Altman.            

Trụ cột thứ ba là khả năng kết nối, bao gồm đường thu phí, sân bay, bến cảng, tuyến đường sắt liên thành phố, phủ sóng băng thông rộng, phát triển năng lượng và nhà máy luyện kim, cũng như các công trình công cộng khác. Đây là những yếu tố nằm trong một kế hoạch lớn hơn của Tổng thống Jokowi, gồm 245 dự án chiến lược quốc gia. Một trong những kế hoạch tham vọng nhất là xây dựng thủ đô quốc gia mới của Indonesia có tên gọi Nusantara, trong khu rừng Borneo thuộc tỉnh Đông Kalimantan. Thủ đô mới sẽ giảm bớt áp lực cho Jakarta, khi thành phố này đã trở nên quá đông đúc, dễ bị ô nhiễm không khí và ngập lụt. Jakarta, phía trước biển Java, đang chìm dần do hoạt động xây dựng liên tục và khoan nước ngầm quá mức, dẫn đến tình trạng sụt lún đất và nước biển dâng. Tổng thống Jokowi đã giới thiệu thành phố xanh Nusantara tương lai tại một diễn đàn đầu tư lớn ở Singapore hồi tháng Sáu vừa qua.            

Trụ cột thứ tư là cấp kinh phí cho các làng. Indonesia có hơn 74.000 ngôi làng ở nông thôn và thành thị. Mỗi làng sẽ nhận được khoản trợ cấp hàng năm của chính phủ trung ương trị giá 1 tỷ rupiah (66.000 USD), mục đích là thúc đẩy hoạt động kinh tế ở cấp làng.            

Tổng thống Jokowi cũng đã thực hiện các chuyến đi giới thiệu sản phẩm tới Australia và châu Phi hồi tháng 8/2023. Bộ trưởng Luhut hồi đầu năm nay cũng đã tới Qatar, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Trung Quốc nhằm thu hút thêm sự hỗ trợ.            

Trong bối cảnh Indonesia sẽ tổ chức lễ kỷ niệm thiên niên kỷ vàng nhân 100 năm thành lập quốc gia vào năm 2045, trọng tâm của Tổng thống Jokowi là đưa Indonesia trở thành nền kinh tế có thu nhập cao lớn thứ 5 đến thứ 7 thế giới.

Tuy nhiên, cách tiếp cận phát triển đa trụ cột của Tổng thống Jokowi không phải là không có thách thức. Ví dụ, các vấn đề về môi trường và xã hội đã nảy sinh tại khu công nghiệp Trung tâm Sulawesi ở Morowali, nơi biến quặng nickel thành nickel có thể sử dụng để chế tạo ắc quy cho xe điện với nguồn vốn lớn từ Trung Quốc. Nhiều nhà môi trường học và người dân sinh sống tại khu vực này đang lo lắng về việc quản lý hệ thống xử lý chất thải sản xuất độc hại, có thể ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương. Một vấn đề nhạy cảm khác về mặt xã hội là quan niệm cho rằng các giám sát viên Trung Quốc được ưu đãi và bảo trợ nhiều hơn so với các nhân viên địa phương người Indonesia - lực lượng lao động chính.            

Hơn nữa, chương trình nghị sự về chuỗi giá trị hạ nguồn của Tổng thống Jokowi là một chiến lược dài hạn. Nhiệm kỳ 5 năm thứ hai của ông sẽ kết thúc vào tháng 10/2024. Kế hoạch của ông Jokowi sẽ chỉ đi đúng hướng nếu các tổng thống kế nhiệm tiếp tục duy trì và thực hiện chúng một cách phù hợp./.            

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục