Thận trọng chọn nhà đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

15:08' - 11/11/2019
BNEWS Liên quan đến dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sáng 11/11, bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu cho rằng cần hết sức thận trọng trong việc lựa chọn nhà đầu tư vào dự án.
Sơ đồ phân vùng chức năng Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN

Nêu ý kiến về việc lựa chọn nhà đầu tư vào Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, sáng 12/11, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về một số chỉ tiêu trong báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn I của dự án này.

Theo đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến về hạn mức đầu tư khoảng 110 ngàn tỷ đồng, còn lại giao cho Chính phủ quyền quyết định chọn nhà đầu tư theo hướng khai thác hiệu quả và không ảnh hưởng đến nợ công của quốc gia.

Điều quan trọng trong cuộc họp này là các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc điều chỉnh diện tích đất dành cho quốc phòng, diện tích đất dành cho khu vực dân dụng cũng như bổ sung thêm 2 tuyến đường kết nối để xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo đúng tiến độ.

Nhấn mạnh Quốc hội sẽ không chỉ định thầu cho một doanh nghiệp cụ thể đối với dự án đầu tư công, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, Quốc hội sẽ giao cho Thủ tướng Chính phủ được quyền chọn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cá nhân đại biểu cho rằng trong giai đoạn hiện nay, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng và khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng càng nhanh càng tốt là quan trọng nhất do tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực vận chuyển hành khách của Việt Nam hiện rất cao, khoảng 20 đến trên 30%/năm, thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam mỗi năm cũng trên 20%.

“Việc giảm tải ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vừa đảm bảo thu hút du lịch, vừa đảm bảo an toàn bay. Do đó, nếu Chính phủ chọn nhà đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV cũng rất hợp lý. Chúng ta sẽ giảm được thời gian đấu thầu vì đây là một đơn vị đảm bảo đầy đủ năng lực và khả năng triển khai dự án này”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.

Chia sẻ đầu tư công là vấn đề được các quốc gia rất quan tâm vì đó là đầu tư vào kết cấu hạ tầng cơ sở, làm nền tảng cho sự phát triển, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết: Ngày 11/11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư để thu hút khu vực ngoài nhà nước vào đầu tư công. Do đó, nên khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nguồn lực của mình và nguồn lực xã hội trong việc huy động vốn vào kết cấu hạ tầng, thay vì sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước như trước đây.

“Có như vậy chúng ta vừa giải quyết được bài toán đảm bảo kết cấu hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hạ tầng giao thông ngày càng tăng lên, lại vừa đảm bảo nợ công không tăng. Đó là nguyên tắc mà Quốc hội đang thảo luận theo phương án đó”, đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định.

Cho rằng Chính phủ đã có phương án và đang trong giai đoạn chọn lựa nhằm tránh những hậu quả sau này như một số dự án đã để lại hệ luỵ như dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ: Lựa chọn nhà thầu là vấn đề hết sức quan trọng, được cử tri và nhân dân cả nước sức quan tâm và đòi hỏi rất cao. Đặc biệt, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một dự án không chỉ liên quan đến kinh tế - xã hội mà còn cả quốc phòng – an ninh.

Nhắc đến việc bốn phía chung quanh sân bay Long Thành là các vị trí của quân đội, đặc biệt vừa qua hơn 1.050 ha đất, trong đó có hơn 500 ha đất dành cho quốc phòng, đã được điều chỉnh, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, là việc hết sức thận trọng là hoàn toàn chính đáng, dù điều đó có thể khiến dự án triển khai chậm hơn một chút.

“Dự thảo Nghị quyết đã ghi rất rõ, không ảnh hưởng đến nợ công, không được sử dụng bảo lãnh của Chính phủ, đây hoàn toàn phải là vốn của nhà đầu tư. Chính vì thế, hôm nay chúng ta xem xét Luật liên quan đến hình thức đối tác công tư đã tạo ra một sự đồng bộ về mặt pháp lý. Chúng ta cũng xem xét Luật Xây dựng làm sao để tránh “đá” lại Luật Đầu tư công, hoặc ngược lại. Tôi nghĩ rằng thực hiện tất cả các vấn đề nhằm đảm bảo tính đồng bộ của thể chể. Cử tri và nhân dân cả nước hãy yên tâm là Quốc hội, Chính phủ sẽ xem xét kỹ”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Đối với việc Thủ tướng Chính phủ được quyền quyết định chọn nhà đầu tư, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng đây là quy định rất cần thiết bởi vừa nâng cao vị trí, vai trò của người đứng đầu Chính phủ vì việc chỉ định cho các dự án đó là thẩm quyền của Nhà nước, lại vừa phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.

Điều quan trọng là tránh hiện tượng chỉ dựa trên cơ sở của việc đề xuất, tham mưu, mà như vừa qua, có một số tham mưu không chuẩn, dẫn đến Thủ tướng bị động. Lần này, Thủ tướng đã chủ động hơn, sẵn sàng lắng nghe dư luận chứ không chỉ lắng nghe cơ quan tham mưu. Điều này sẽ đảm bảo tính đa chiều khi xem xét, quyết định, chỉ định dự án đầu tư, cho dù đó là dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước hay không bằng ngân sách nhà nước.

“Chúng ta nên nhớ, nguồn vốn đầu tư cho dự án không phải là điều quá quan trọng nữa, mà quan trọng là dự án đó đem lại điều gì, có gây hệ luỵ không? Đó chính là điều cử tri, đồng bào quan tâm”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói./.

>> Khảo sát nhu cầu, hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng Dự án Sân bay Long Thành

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục