Tháng 9/2021 sẽ bắt đầu thực hiện dự án nâng cấp Quốc lộ 1A

09:34' - 31/03/2021
BNEWS Theo thiết kế, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn từ thành phố Ngã Bảy, Hậu Giang đến huyện Châu Thành, Sóc Trăng, có chiều dài khoảng 20km, qua Sóc Trăng hơn 10km và qua Hậu Giang khoảng 8km.

Quốc lộ 1A, đoạn từ thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng hiện không còn đáp ứng tốt nhu cầu về giao thông.

Nhất là vào những tháng mùa mưa, đoạn đường này liên tục bị ngập bởi triều cường tại nhiều nơi, việc đi lại trở nên khó khăn, nguy hiểm.

Dự kiến tháng 9/2021, đoạn đường này sẽ được cải tạo, nâng cấp, nên hiện tỉnh đang tăng tốc, thúc đẩy giải phóng mặt bằng dự án này.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, hiện nay dự án đã có, yêu cầu thành phố Ngã Bảy công bố công khai quy hoạch thực hiện dự án đến người dân.

Đồng thời, thành phố sớm phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch sử dụng đất năm 2021.

Đối với Trung tâm Phát triển quỹ đất của tỉnh, đơn vị cần xây dựng kế hoạch, tiến độ giải phóng mặt bằng, cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị phối hợp. Cũng như cập nhật ranh mốc giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng chồng lấn.

Nhất là Trung tâm Phát triển quỹ đất và thành phố Ngã Bảy phải khẩn trương đề xuất phương án thực hiện tái định cư khi thu hồi đất của người dân.

Ông Diệp Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngã Bảy, cho biết thành phố đang khẩn trương chỉ đạo các phòng chuyên môn, chi nhánh quỹ đất thành phố, phòng tài nguyên và môi trường tích cực thực hiện các thủ tục liên quan giải phóng mặt bằng.

Địa phương cũng đang phối hợp đơn vị liên quan xem xét, xác định phạm vi ranh đất giao thông và ranh đất đủ điều kiện bồi thường, làm cơ sở tiến hành đo đạc, kiểm đếm và áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ đúng quy định.

Theo ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang, cơ quan đã kiến nghị UBND thành phố Ngã Bảy phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường sớm trình UBND tỉnh cập nhật, phê duyệt bổ sung kế hoạch sử dụng đất, làm cơ sở ban hành kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và ban hành thông báo thu hồi đất.

"Liên quan vấn đề tái định cư, trung tâm sẽ phối hợp UBND thành phố Ngã Bảy rà soát và sớm báo cáo đề xuất UBND tỉnh. Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, trung tâm sẽ phối hợp đơn vị chủ quản quản lý các công trình và các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế, báo cáo đề xuất cơ quan thẩm quyền xem xét, quyết định. Về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đơn vị sẽ rà soát trong quá trình kiểm đếm, kịp thời báo cáo đề xuất cơ quan thẩm quyền xem xét, giải quyết sớm nhất trong thời gian tới", ông Thanh cho biết.

Ông Lê Quốc Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải), cho rằng, Hậu Giang và Sóc Trăng cần đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và có sự thống nhất về giá bồi thường giải phóng mặt bằng giữa 2 địa phương để việc tiến hành giải phóng mặt bằng được nhanh chóng, Ban Quản lý Dự án 7 đề xuất lập quy chế phối hợp trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan có liên quan; đồng thời, xử lý ngay các vướng mắc từ lúc mới phát sinh.

Theo thiết kế, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn từ thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, có tổng chiều dài khoảng 20km, qua địa phận Sóc Trăng hơn 10km và qua Hậu Giang khoảng 8km.

Đoạn thuộc tỉnh Hậu Giang đi qua 4 xã, phường gồm Hiệp Lợi, Đại Thành, Ngã Bảy, Hiệp Thành. Qua rà soát diện tích thu hồi đất khoảng 5,3ha; trong đó, khoảng 1,6ha đất ở; 2,86 ha đất nông nghiệp; đất giao thông, thủy lợi khoảng 1,29ha. Thống kê bước đầu có trên 290 hộ dân bị ảnh hưởng; trong đó, khoảng 50 hộ phải di chuyển chổ ở, dự kiến phải tái định cư.

Dự án có thời gian thi công 14 tháng, kế hoạch khởi công trong tháng 9/2021 và kết thúc vào năm 2022. Tuyến đường được cải tạo, nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với tổng mức đầu tư trên 1.600 tỷ đồng.

Đây là dự án nhằm kết nối giữa Quốc lộ 1A, đường Nam Sông Hậu và Quản lộ Phụng Hiệp, tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, để không chỉ rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa cho người dân Hậu Giang, Sóc Trăng mà còn cho các tỉnh lân cận; tạo nên trục hành lang vận tải chính nối các trung tâm kinh tế, chính trị giữa các tỉnh tiểu vùng Tây Sông Hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội mạnh mẽ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục