Thanh niên Trung Quốc đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục

05:30' - 28/07/2023
BNEWS Thanh niên Trung Quốc hiện phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục là 21,3%. Một số nhà kinh tế cho rằng tỷ lệ thanh niên không có việc làm, giáo dục hoặc đào tạo thực tế có thể cao hơn đáng kể.

Theo báo The Nikkei Asia, sinh viên mới tốt nghiệp Glonee Zhang đã có nhiều hy vọng khi tìm được việc làm tại một công ty sản xuất pin lithium ở Thâm Quyến vào mùa Hè năm 2022. Bây giờ, giống như hơn 20% thanh niên ở Trung Quốc, anh Zhang lại rơi vào cảnh thất nghiệp.

Là một sinh viên chuyên ngành tiếng Anh đi tìm việc trong giai đoạn hậu COVID-19, anh Glonee Zhang nghĩ rằng "đại dịch kết thúc sẽ mang lại một tương lai tươi sáng". Sáu tháng sau, anh ấy và một nửa trong số 400 sinh viên mới tốt nghiệp của công ty đã bị sa thải khi doanh số bán hàng của công ty giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc chấn chỉnh hoạt động của doanh nghiệp tư nhân và sự sụt giảm tuyển dụng của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc, thanh niên nước này hiện phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục là 21,3%. Vì con số chính thức chỉ bao gồm những người tích cực tìm kiếm việc làm, nên một số nhà kinh tế cho rằng tỷ lệ thanh niên không có việc làm, giáo dục hoặc đào tạo thực tế có thể cao hơn đáng kể.

Mặc dù đại dịch có thể đã qua, nhưng COVID-19 đã phơi bày một vấn đề cơ cấu đang gia tăng của Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tạo ra số lượng sinh viên tốt nghiệp gấp đôi so với 10 năm trước, với gần 12 triệu người trong năm nay, nhưng không tạo ra thêm những công việc phù hợp cho họ.

Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng Morgan Stanley, cho biết trong những năm qua, Trung Quốc đã mở rộng các trường đại học, nhưng nước này vẫn là một nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất và dịch vụ. Đây là vấn đề cấu trúc bởi bản thân nền kinh tế lớn đang dần thay đổi. Nhưng Trung Quốc cần có thời gian để trở thành một nền kinh tế tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, những nền kinh tế có nhiều dịch vụ chuyên nghiệp hơn để tạo ra nhiều việc làm.

Tháng 12/2019, trước khi COVID-19 xảy ra, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 12,2%. Những sinh viên tốt nghiệp như anh Glonee Zhang buộc phải xem xét tiếp tục học cao hơn hoặc cố gắng tìm kiếm những công việc nhà nước có tính cạnh tranh cao nhưng ổn định. Học tập hoặc làm việc ở nước ngoài cũng là một lựa chọn cho một số người.

Sự bi quan của sinh viên tốt nghiệp ngày càng tăng do tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao gần gấp ba lần so với Mỹ và cao hơn nhiều so với mức 14% của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Quá trình phục hồi kinh tế sau COVID-19 của Trung Quốc đã chậm lại trong quý II/2023. Trong một dấu hiệu ảm đạm khác, doanh số bán lẻ chỉ tăng 3,1% trong tháng 6/2023. Con số này cũng giảm mạnh so với mức tăng 12,7% trong tháng Năm, theo dữ liệu chính thức.

Trong bối cảnh lo ngại về tình trạng giảm tốc của nền kinh tế, Chính phủ Trung Quốc tuần trước đã tiết lộ một kế hoạch lớn nhằm giảm bớt các rào cản thị trường và tiếp cận tài chính, đồng thời nâng cao niềm tin của khu vực tư nhân. Ngày 24/7 Trung Quốc cho biết họ muốn thu hút thêm vốn tư nhân tham gia vào các dự án quốc gia trong các lĩnh vực từ giao thông đến nước, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng, sản xuất tiên tiến và nông nghiệp.

Việc làm trong khu vực tư nhân được trả lương cao từ lâu đã là mục tiêu hàng đầu của nhiều sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc. Theo một báo cáo hồi tháng Sáu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cứ 10 người có việc làm ở thành thị thì có tới 6 người trong độ tuổi từ 16 đến 24 làm việc trong khu vực tư nhân.

Thế nhưng các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài đã giảm mạnh sự hiện diện của họ khi phương Tây tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc năm ngoái đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990.

Trước khi Chính phủ tăng cường siết chặt các quy định, công nghệ và giáo dục là một trong những lĩnh vực được sinh viên đại học mong muốn nhất khi tìm kiếm công việc được trả lương cao. Năm 2019, hơn 80% nhân lực trong ngành giáo dục dưới 35 tuổi và hơn 90% có bằng cử nhân hoặc thạc sĩ, theo một cuộc khảo sát việc làm được công bố bởi nền tảng tìm việc Liepin của Trung Quốc.

Ngành giáo dục đã tạo việc làm cho khoảng 10 triệu người trước khi các dịch vụ dạy kèm tư nhân cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở các thành phố lớn bị cấm vào năm 2021. Chính phủ đã nỗ lực kiềm chế gánh nặng chi tiêu cho giáo dục của các hộ gia đình nhưng lại gây ảnh hưởng đến một ngành kinh doanh tạo ra hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Chính phủ Trung Quốc dường như cho thấy mục tiêu của họ là phá bỏ các rào cản tiếp cận thị trường cho các doanh nhân, hỗ trợ và bảo vệ quyền của các công ty tư nhân, đồng thời “vun đắp và thúc đẩy tinh thần kinh doanh”.

Nhà kinh tế Xing của Morgan Stanley nhận xét, một gói kích thích có thể giúp ích vì điều đó cho thấy chính phủ quan tâm đến nền kinh tế cũng như quan tâm đến khu vực tư nhân.

Trong khi chờ đợi, anh Glonee Zhang hiện có kế hoạch quay lại trường để học sau đại học. "Có lẽ điều đó có thể giúp khám phá tiềm năng và ý chí của tôi", anh Zhang nói khi đang chuẩn bị môn lịch sử triết học phương Tây cho kỳ thi tuyển sinh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục