Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến nới lỏng giãn cách xã hội sau ngày 30/9

20:31' - 27/09/2021
BNEWS Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến xác định, bắt đầu từ 00 giờ 00, ngày 1/10/2021, Thành phố thực hiện từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo Hướng dẫn.

Chiều 27/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về dự thảo Chỉ thị Điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố sau ngày 30/9.
Dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và các Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi.
Dự thảo Chỉ thị xác định, bắt đầu từ 00 giờ 00, ngày 1/10/2021, Thành phố thực hiện từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch COVID-19” của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.
Dự thảo Chỉ thị đánh giá: Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố đạt được nhiều kết quả khả quan, số ca mắc mới và số ca tử vong đều có xu hướng giảm, tỷ lệ tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% được tiêm mũi 1 và trên 33% được tiêm mũi 2. Một số hoạt động kinh tế - xã hội thí điểm mở cửa trở lại tại các địa bàn đảm bảo an toàn.

Với mục tiêu kiểm soát dịch COVID-19 trên toàn địa bàn Thành phố, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, khống chế số ca mắc và tử vong do COVID-19 đến mức thấp nhất để người dân sớm quay lại với cuộc sống trong bối cảnh bình thường mới; từng bước khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội Thành phố an toàn, hiệu quả.

Nguyên tắc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế; huy động, phát huy mọi nguồn lực xã hội tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch, phục hồi hệ thống y tế và các hoạt động kinh tế - xã hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Chỉ thị nêu rõ: Tiếp tục tạm dừng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động (trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động); hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; bán hàng rong, vé số dạo; hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác (trừ các trường hợp được phép hoạt động).

Tại buổi làm việc, các đại biểu đều tán thành việc Thành phố chủ động đề xuất dự thảo Chỉ thị Điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày 30/9.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn khiến cho dịch có thể diễn biến phức tạp, như: việc người dân từ Thành phố trở về nhà dễ lây lan dịch bệnh tại các địa phương; việc ùn tắc tại các chốt của ngõ ra vào Thành phố; người dân ở các tỉnh, thành trở về Thành phố trong khi tỷ lệ tiêm vaccine ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long còn hạn chế...

Đánh giá cao việc Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động nghiên cứu, xây dựng Chỉ thị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để tiếp tục giải quyết những khó khăn trên, Thành phố phải tính đến việc tác động liên vùng, phải đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, chủ trì cuộc họp với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long để thống nhất biện pháp giải quyết tình huống ùn ứ khi Thành phố Hồ Chí Minh nới lỏng.

Thành phố cũng phải tính đến việc lo đồng bộ việc làm, nơi ở, an sinh và vaccine để “giữ chân” người lao động từ các địa phương ở lại Thành phố làm việc; tuyên truyền để bà con hiểu đây cũng là biện pháp tốt để mọi người không mang “cái khó khăn” về gia đình và địa phương; đồng thời phải gắn trách nhiệm trong việc phòng, chống dịch đối với mỗi người lao động, doanh nghiệp - Phó Thủ tướng lưu ý.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, sau nới lỏng nên có hướng dẫn việc duy trì trạm y tế lưu động; tăng cường kiểm soát các chốt ra vào tỉnh; đảm bảo nới lỏng an toàn từng bước chắc chắn, với mục tiêu là phải kiểm soát được dịch bệnh; mở sản xuất để phục hồi kinh tế, nhưng người dân vẫn phải thực hiện tốt phòng, chống dịch; lập bản đồ tới từng khu phố để quản lý dịch bệnh tới từng hộ gia đình... Thành phố cần tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, sớm công bố Chỉ thị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục