Thanh toán điện tử và ngân hàng số tiếp tục xu hướng gia tăng

21:14' - 01/11/2023
BNEWS Sở thích áp dụng các kênh thanh toán và ngân hàng kỹ thuật số tiếp tục có xu hướng gia tăng mạnh mẽ.

Người tiêu dùng Việt Nam đang ưa chuộng các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại và các phương thức thanh toán kỹ thuật số mới như ví điện tử, thanh toán dựa trên mã QR, nền tảng thanh toán thương mại điện tử và thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng trên ví di động.

 

Đây là nhận định được Ngân hàng UOB Việt Nam nêu ra trong báo cáo Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng ASEAN (ACSS) năm 2023 được công bố vào chiều 1/11, tại Tp.Hồ Chí Minh.

Ông Paul Kim, Giám đốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân, Ngân hàng UOB Việt Nam phân tích: Khi người tiêu dùng Việt Nam trở nên thuần thục hơn về kỹ thuật số, mức độ sử dụng các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại đã tăng đột biến, với 54% số người được hỏi ngày càng tăng mức độ sử dụng kênh này.

Đối với các giao dịch phức tạp hơn như giao dịch có giá trị cao, nộp hồ sơ vay hoặc tái cấu trúc cho các khoản vay ngân hàng cũng như mua bảo hiểm, người tiêu dùng vẫn coi trọng kênh trực tiếp hoặc kết hợp các kênh trực tuyến lẫn trực tiếp.

Theo nghiên cứu của UOB, trong lĩnh vực thanh toán, người tiêu dùng Việt Nam am hiểu những công nghệ mới nhất. Cụ thể, ví điện tử, thanh toán qua thẻ trên ứng dụng ví di động và nền tảng thanh toán thương mại điện tử là những phương thức thanh toán phổ biến nhất với lần lượt 67%, 58% và 55% số người được khảo sát sử dụng chúng trong năm qua.

Cứ 5 người thì có 4 người tiêu dùng ở Việt Nam sử dụng ví điện tử ít nhất một lần một tuần và có xu hướng giới thiệu ví điện tử cho người khác. Momo là ví điện tử được người tiêu dùng ưa chuộng nhất, tiếp theo là ZaloPay và VNPay.

Từ nghiên cứu của mình, ông Paul Kim cho biết, thời gian tới UOB tiếp tục đầu tư vào các giải pháp ngân hàng kỹ thuật số tiên tiến và hợp tác với các nền tảng thanh toán kỹ thuật số hàng đầu để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Ngân hàng cam kết đảm bảo cho việc việc đáp ứng các nhu cầu tài chính và lối sống của khách hàng một cách liền mạch và an toàn, đồng thời luôn đi đầu trong kỷ nguyên kỹ thuật số thú vị này.

Về góc độ tâm lý chung của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay, ông Paul Kim, cho hay, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam đã giúp cho người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy lạc quan hơn về “sức khỏe” tài chính của họ so với người tiêu dùng trong khu vực. Trong khi người tiêu dùng vẫn quan ngại về lạm phát cao, điều đáng khích lệ là họ vẫn không ngừng đón nhận một kỷ nguyên mới của số hóa.

Theo đó, người tiêu dùng ở Việt Nam có tâm lý lạc quan hơn so với người tiêu dùng ở Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Cứ 3 trong 4 người trả lời khảo sát tại Việt Nam cho biết, kỳ vọng sẽ có tình hình tài chính tốt hơn vào thời điểm tháng 6 năm sau (2024) mặc dù lạm phát cũng như các chi phí sinh hoạt gia tăng đã nhóm lên nỗi lo lắng về suy thoái kinh tế ở người tiêu dùng Việt Nam.

Đi vào phân tích cụ thể, theo các chuyên gia của UOB, bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế, người tiêu dùng Việt Nam lạc quan hơn về tương lai so với những người tiêu dùng ở các nước khác trong khu vực. Có 76% số người được khảo sát ở Việt Nam kỳ vọng mình sẽ có tình hình tài chính tốt hơn vào tháng 6 năm sau, tiếp theo là Indonesia (74%) và Thái Lan (68%).

Ở phạm vi khu vực, nghiên cứu cũng chỉ rõ: Lạm phát gia tăng là mối lo ngại hàng đầu ở ASEAN, với 62% số người khảo sát đồng ý rằng đây là mối lo lắng hàng đầu của họ, trong khi 57% lo ngại về chi phí sinh hoạt tăng cao. So với khu vực, tỷ lệ người được khảo sát ở Việt Nam bày tỏ quan ngại về hai lĩnh vực này cũng cao hơn, lần lượt là 66% và 62%.

Nghiên cứu của UOB cho thấy, cứ 10 người tiêu dùng ở Việt Nam thì có 8 người lo lắng về vấn đề tài chính, trong đó ba mối quan tâm tài chính hàng đầu ở Việt Nam là khả năng để dành tiền tiết kiệm, khả năng duy trì lối sống hiện tại và khả năng đáp ứng nhu cầu tài chính và chăm sóc sức khỏe của cha mẹ. Do đó, người tiêu dùng thận trọng hơn với tài chính và việc đầu tư của họ.

Chia sẻ về xu hướng phát triển vĩ mô của Việt Nam, ông II Dong Kwon, Giám đốc điều hành BCG Việt Nam thuộc Tập đoàn tư vấn chiến lược toàn cầu Boston Cosnilting Group cho biết: ASEAN đang ở vị trí đầu tàu về tăng trưởng thương mại, vượt xa mức trung bình toàn cầu, trong đó Việt Nam đang là nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế của khu vực và toàn cầu. Việt Nam hiện là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong những năm qua.

Theo ông II Dong Kwon, Việt Nam đã cho thấy sự tăng trưởng nhất quán, tích cực ngay cả trong thời điểm khó khăn. Quá trình phục hồi của Việt Nam được thúc đẩy nhanh với các giải pháp mạnh mẽ trong thúc đẩy đầu tư công và tư nhân, du lịch đang phục hồi mạnh mẽ với các chính sách miễn phí visa, visa ưu tiên.

Cùng với đó, Việt Nam chủ động mở rộng hoạt động thương mại như đã mở cửa thương mại, tìm kiếm các thị trường mới như Trung Đông,  Ấn Độ, Châu Phi, Nam Mỹ; thúc đẩy các mô hình kinh tế mới, tiên tiến như kinh tế số, kinh tế xanh; thúc đẩy kinh tế nội địa với việc đầu tư hạ tầng giao thông, hoạt động phân phối và ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất...

Đề cập đến xu hướng tiêu dùng đang phát triển với sự tăng cường số hóa, ông II Dong Kwon cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của internet, Việt Nam ghi nhận hoạt động mua sắm trực tuyến ngày càng nhiều hơn, thương mại điện tử có sự tăng trưởng hàng năm lên đến hơn 41% trong 3 năm qua, cùng với đó là hoạt động thanh toán trực tuyến cũng tăng cao. Xu hướng này tiếp tục được duy trì và tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới tại Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục