Thế giới cần đoàn kết và hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu

16:33' - 13/02/2021
BNEWS Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định câu trả lời cho tình trạng khẩn cấp về khí hậu hiện nay là các nước phải đoàn kết và hành động một cách nhanh chóng, quyết đoán và tham vọng hơn.

Hội nghị thượng đỉnh về Thích ứng khí hậu do Hà Lan tổ chức theo hình thức trực tuyến đã khép lại.

Với mục tiêu giúp các nước tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, hội nghị đã khẳng định quyết tâm và thúc đẩy hành động nhằm tháo gỡ những thách thức khí hậu của cộng đồng quốc tế.

* Biến đổi khí hậu gây hậu quả nặng nề

Báo báo mới nhất của LHQ đã cảnh báo rằng thế giới đang nóng lên ở mức báo động và rằng khí thải nhà kính đang khiến thế giới đối mặt với ngày càng nhiều thảm họa từ cháy rừng, lụt lội, bão lũ đến mất an ninh lương thực và suy thoái kinh tế.

Theo báo cáo, đại dịch COVID-19 hiện nay không hề khiến cuộc khủng hoảng khí hậu tạm ngừng mà trái lại, mức khí thải nhà kính đã nhanh chóng cao trở lại như trước khi đại dịch xảy ra.

Thậm chí, đại dịch là hồi chuông cảnh tỉnh về những thách thức thậm chí thảm khốc hơn có thể xảy ra trong tương lai, mà trước tiên là cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Báo cáo của LHQ cho thấy nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển đã tăng lên mức cao kỷ lục mới trong năm 2020, đặc biệt là khí thải gây hiệu ứng nhà kính carbon dioxide (CO2), khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan càng trở nên trầm trọng, trong đó phải kể đến các vụ cháy rừng, bão lớn, khô hạn và lũ lụt chưa từng có.

Năm 2020 được xác định là năm nóng kỷ lục với nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,25 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, khép lại một thập kỷ với nhiệt độ cao kỷ lục do tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng Trái Đất ấm lên.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015 đặt mục tiêu không để nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp nhằm tránh những tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, LHQ cho rằng vẫn có ít nhất 20% khả năng nhiệt độ trung bình của Trái Đất sẽ vượt mức tăng 1,5 độ C vào năm 2024. Các chuyên gia cũng lo ngại lượng khí thải carbon có thể tăng trở lại trong năm 2021.

Thiên tai do biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan năm 2020 đã gây ra "những hậu quả thảm họa cho hàng triệu người" trên khắp các quốc gia, bất kể giàu hay nghèo, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và gây thiệt hại hàng chục tỷ USD.

Thiệt hại về tài chính có xu hướng cao hơn ở các nước giàu hơn vì họ có nhiều tài sản có giá trị hơn. Với các nước nghèo, dù thiệt hại tài chính ít hơn nhưng mức độ tàn phá của các sự kiện thời tiết cực đoan trong năm 2020 lại nặng nề hơn với số người thiệt mạng nhiều hơn so với các nước giàu.

Còn theo đánh giá mới nhất về mối đe dọa trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu đối với con người của đại diện tổ chức môi trường Germanwatch của Đức cho biết trong 2 thập kỷ qua gần 480.000 người đã thiệt mạng trong các thảm họa thiên tai liên quan đến các hiện tượng thời tiết cực đoan. Các nước đang phát triển chịu thiệt hại nặng nề do bão, lũ lụt, lở đất, động đất, nắng nóng...

Theo Germanwatch, kể từ đầu thế kỷ 21 này đến nay, các thảm họa thiên tai gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu ước tính lên đến 2.560 tỷ USD.

Germanwatch cũng đã đánh giá tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra kể từ năm 2000 đến nay, đặc biệt là mùa bão năm 2019 với nhiều cơn bão và lốc xoáy lớn tàn phá khu vực rộng lớn ở Caribe, Đông Phi và Nam Á.

Kết quả cho thấy những nước nghèo dễ bị tổn thương đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc giải quyết những hậu quả của hiện tượng thời tiết cực đoan. Do đó, những quốc gia này cần được hỗ trợ khẩn cấp về tài chính và kỹ thuật.

Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy số tiền trợ giúp các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu trên thực tế thấp hơn rất nhiều. Ước tính, mỗi năm các nước đang phát triển cần 70 tỷ USD, nhưng số tiền hỗ trợ thực tế hiện nay chỉ đạt 30 tỷ USD.

* Cần có sự chung tay của mọi quốc gia

Thích ứng khí hậu tức là giảm thiểu hậu quả và tăng khả năng chống chịu với những thảm họa liên quan đến khí hậu như lũ lụt và hạn hán. Đây cũng là một trụ cột trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu 2015.

Thỏa thuận này ước tính mỗi năm cần 50 tỷ USD cho việc thích ứng khí hậu, nhưng thảm họa thiên tai đã tăng mạnh trong những năm qua và Liên hợp quốc (LHQ) cho rằng chi phí cho hoạt động này cũng sẽ tăng lên trong những năm tới.

Trong báo cáo Khoảng cách Thích ứng đưa ra trong tháng 1 này, Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho biết chi phí thực tế hàng năm cho công tác thích ứng khí hậu có thể tăng lên đến 300 tỷ USD vào năm 2030 và 500 tỷ USD vào giữa thế kỷ này.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng đã đoàn kết thế giới cùng hướng về một mục tiêu là hạn chế mức nhiệt tăng toàn cầu. Nhưng ngày càng nhiều người lo ngại cánh cửa cơ hội đạt mục tiêu đang khép dần và thời gian tới được coi là quyết định, đòi hỏi các quốc gia đưa ra chính sách, hành động có ý nghĩa và hiệu quả thực tiễn.

Trước vấn đề cấp thiết toàn cầu hiện nay là cố gắng phục hồi bền vững sau đại dịch COVID-19 và ứng phó với biến đổi khí hậu, tại hội nghị thượng đỉnh về Thích ứng khí hậu, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định câu trả lời cho tình trạng khẩn cấp về khí hậu hiện nay là các nước phải đoàn kết và hành động một cách nhanh chóng, quyết đoán và tham vọng hơn.

Tổng Thư ký Guterres đã kêu gọi mục tiêu trọng tâm trong năm 2021 là xây dựng liên minh toàn cầu về trung hòa khí thải carbon thông qua các biện pháp chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, định giá carbon, không xây thêm các nhà máy điện chạy bằng than, mạnh tay đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Hưởng ứng lời kêu gọi, lãnh đạo các nước tham dự hội nghị đều cam kết sẽ nỗ lực để hạn chế nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.

Cùng với đó, nhiều nền kinh tế lớn cam kết đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon với những mốc thời gian cụ thể.

Các lãnh đạo cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Mỹ quay lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva khẳng định để giải quyết thách thức lớn về biến đổi khí hậu, thế giới cần có sự chung tay của mọi quốc gia, đặc biệt là Mỹ, để đạt được thành công.

Về phía Mỹ, Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry khẳng định chính quyền Tổng thống Biden dự định sẽ đầu tư lớn vào hành động khí hậu ở trong và ngoài nước và thực hiện các cam kết tài chính hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mặc dù ông Kerry không tiết lộ chi tiết về các khoản đầu tư này, song khẳng định Washington sẽ sớm thông báo mục tiêu mới về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Mỹ, qua đó đáp ứng nhu cầu cấp bách của thách thức hiện nay.

Những cam kết thực chất tại hội nghị đã cho thấy nỗ lực của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề cấp thiết toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục