Thế giới cần kế hoạch dài hạn để tránh lặp lại khủng hoảng năng lượng

08:11' - 08/01/2022
BNEWS Thế giới cần một kế hoạch dài hạn để tránh lặp lại cuộc khủng hoảng năng lượng

Những vấn đề lớn mà lĩnh vực năng lượng thế giới phải vật lộn trong năm 2021 được dự báo sẽ tiếp tục là thách thức cho năm 2022, do tình hình dịch COVID-19 hay tác động từ quá trình thay đổi dài hạn nhằm hướng tới một tương lai ít carbon.

Một điều có thể dễ dàng nhận thấy từ tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng và giá cả tăng khiến lạm phát “phi mã” trong năm 2021 là nhu cầu năng lượng của thế giới không thể được kiểm soát/quản lý trong ngắn hạn. Do đó, các chính phủ cần xem xét lại một cách nghiêm túc các quyết định trong quá khứ và chuẩn bị sẵn sàng với các phản ứng chắc chắn hơn, các chiến lược được thiết kế và thực hiện nghiêm túc chứ không phải là phản ứng vội vàng.

Các cuộc khủng hoảng năng lượng trong ba tháng cuối năm 2021, như tình trạng giá khí đốt tại châu Âu tăng cao kỷ lục và thiếu than ở Trung Quốc, đã dẫn đến tình trạng gián đoán nguồn cung điện và làm tê liệt một loạt hoạt động sản xuất trong nhiều tuần. Một số cơ sở cung cấp điện ngừng hoạt động, còn hóa đoan điện nước của người tiêu dùng tăng vọt.

Người tiêu dùng châu Âu và Trung Quốc phải trả nhiều tiền hơn để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than từ các thị trường quốc tế. Để giải quyết tình trạng thiếu than, Trung Quốc đã tăng sản lượng khai thác tại các mỏ trong nước và hạn chế tiêu thụ điện bằng cách tạm ngừng việc kiểm soát giá và giá trần.

Tuy nhiên, với cam kết bắt đầu giảm dần việc sử dụng than vào năm 2026, Trung Quốc sẽ cần phải bắt đầu xây dựng một hệ thống cung cấp năng lượng thay thế đáng tin cậy và giá cả phải chăng để loại bỏ dần các nhà máy và nhà máy điện sử dụng than đá.

Nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc không cần thêm những "cú sốc" về nguồn cung năng lượng, trong khi việc tăng sử dụng than đá trở lại, thậm chí chỉ trong giai đoạn ngắn, sẽ làm giảm uy tín của Trung Quốc về cam kết không phát thải ròng vào năm 2060.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ tạm thời cho người tiêu dùng và các công ty bằng cách cắt giảm thuế, mức giá trần và tăng trợ cấp cho người nghèo, ngay cả khi khu vực này tiêu thụ nhiều than và dầu hơn để duy trì nguồn điện.

Quá trình chuyển đổi năng lượng của châu Âu đã trở thành một nghĩa vụ giữa lúc nguồn khí đốt từ nhà cung cấp chính là Nga đang bị “sa lầy” vào một cuộc khủng hoảng địa chính trị, năng lượng tái tạo được cho là không thể xác định và không đáng tin cậy, trong khi đó năng lượng hạt nhân ở hầu hết các quốc gia vấp phải sự cản trở/phản đối từ chính phủ và dư luận.

Cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2021 không phải là sự kiện chỉ xảy ra một lần, và Trung Quốc và châu Âu không phải là những người duy nhất có khả năng mắc sai lầm.

Công cuộc chuyển đổi năng lượng lớn sẽ phá hủy các quốc gia khác theo thời gian nếu các nhà hoạch định chính sách không bắt đầu phác thảo chi tiết “lộ trình” quốc gia đến các mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Điều đó nên được bắt đầu bằng việc kiểm kê toàn diện các nguồn năng lượng hiện có và tỷ lệ tiêu thụ, tính toán mức tăng trưởng dự kiến về nhu cầu điện và nhiên liệu quốc gia trong những thập niên tới và việc thiết lập kế hoạch thay thế từng đơn vị loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, đáp ứng nhu cầu sẵn có, chi phí và cơ sở hạ tầng của các nguồn năng lượng mới.

Trong lúc chờ đợi, các nước cần phải đảm bảo việc thăm dò các nguồn dầu và khí mới vẫn tiếp tục cho đến khi có thể chắc chắn rằng các giải pháp thay thế năng lượng sạch hơn đáng tin cậy, giá cả phải chăng và đầy đủ đang được đưa vào thương mại.

Bởi các nước sẽ vẫn cần phụ thuộc vào dầu và khí đốt cho phần lớn nhu cầu năng lượng trong vài năm tới, các chính phủ và các cơ quan đa phương cần đảm bảo rằng các công ty đang tìm cách giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất, lọc dầu và vận chuyển dầu khí phải được hỗ trợ và tài trợ đầy đủ.

Các quốc gia tiêu thụ nhiều và phụ thuộc vào nhập khẩu đang hy vọng giá dầu thấp hơn một chút vào năm 2022. Liên minh các nước sản xuất dầu mỏ trong và ngoài Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), hay còn gọi là OPEC+ cũng tỏ ra sẵn sàng tiếp tục cắt giảm dần sản lượng mặc dù dự báo thị trường sẽ dư cung đáng kể đến năm 2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục