Thế giới đang bị chia rẽ bằng "bức màn sắt" kỹ thuật số

06:30' - 17/07/2021
BNEWS Cái gọi là “Chiến tranh Lạnh về công nghệ” đã nhanh chóng trở thành một chiến trường trong cuộc cạnh tranh siêu cường giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mặc dù Mỹ từ lâu đã chiếm lợi thế lớn nhất thế giới trong lĩnh vực công nghệ, nhưng Trung Quốc đang đuổi kịp với tốc độ nhanh chóng thông qua việc đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo (AI), robot, mạng viễn thông 5G và 6G, các thiết bị vi mạch và công nghệ giám sát. Tổng thống Mỹ Joe Biden đang lên kế hoạch tung ra một gói tài chính trị giá 330 tỷ USD để đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). 

Những gì mà nước Mỹ đã và đang thực hiện cho thấy cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc không khác gì một trận chiến để “giành chiến thắng trong thế kỷ XXI”. Cái gọi là “Chiến tranh Lạnh về công nghệ” đã nhanh chóng trở thành một chiến trường trong cuộc cạnh tranh siêu cường giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Bức màn sắt" kỹ thuật số

Để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một cường quốc công nghệ, Mỹ đã tìm các biện pháp hạn chế sự phát triển của các công ty và cá nhân Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. “Gã khổng lồ” công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc bị cấm tham gia triển khai mạng 5G ở Mỹ và các công ty Mỹ không được phép cung cấp phần mềm và linh kiện cho các công ty công nghệ Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng những cuộc giao tranh giữa đôi bên chỉ càng khiến cho “ bức màn sắt kỹ thuật số” ngày càng che phủ nhiều hơn giữa Trung Quốc và các quốc gia phương Tây. Thậm chí, một số tin rằng thế giới hiện đang bị phân tách thành hai hệ sinh thái công nghệ cạnh tranh và loại trừ lẫn nhau, mỗi hệ sinh thái bao gồm mạng Internet, phần cứng, giao tiếp cộng đồng và nền tảng tài chính riêng.

Apjit Walia, Giám đốc Chiến lược công nghệ của Ngân hàng Deutsche, nói rằng cuộc chiến công nghệ là một thế giới, trong đó hai nhóm quốc gia với hai tiêu chuẩn đối nghịch.

Vào năm 2019, khi đứng trước một khán phòng của Đại học Georgetown, Giám đốc điều hành mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg đã đưa ra lời cảnh báo rằng Trung Quốc đang phát triển một thế giới trực tuyến, hoàn toàn xa lạ với các quốc gia phương Tây, với các giá trị và nền tảng của riêng nước này.

Trên thực tế, WeChat - nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc, thị trường mua bán trực tuyến Alibaba và công cụ tìm kiếm Baidu - đã tạo ra một không gian mạng khác biệt với không gian mạng do các ông lớn công nghệ của Mỹ như Facebook, Amazon và Google thống trị.

James Green, cựu Bộ trưởng phụ trách các vấn đề thương mại tại Đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc, cho biết sự phân hóa Internet của Trung Quốc đã diễn ra khoảng một thập kỷ trước. Các nền tảng công nghệ như Facebook và Google đã bị cấm hoạt động tại Trung Quốc do các nhà lãnh đạo nước này muốn tạo ra một “thị trường bảo vệ” cho các công ty công nghệ trong nước.

Trung Quốc đang dần vượt Mỹ?

Việc Trung Quốc xây dựng hệ sinh thái công nghệ của riêng nước này đã được mở rộng ra cả ngoài nền tảng Internet, sang hệ điều hành, mạng kiến trúc CPU, kết nối vệ tinh và hệ thống thanh toán. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thúc đẩy Trung Quốc đạt tới khả năng tự cung tự cấp công nghệ trong các lĩnh vực như sản xuất vi mạch, nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ.

Các biện pháp trừng phạt của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump có thể đã làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh mảng điện thoại di động của Huawei, bằng cách cắt đứt quyền truy cập của nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc vào hệ điều hành di động của Google Android (OS). Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei Richard Yu, động thái này buộc công ty phải tập trung phát triển hệ điều hành Harmony OS của riêng mình. Huawei cũng đã bắt đầu sản xuất điện thoại không sử dụng vi mạch của Mỹ.

Trong khi đó, ngày càng nhiều các công ty khởi nghiệp công nghệ nước ngoài lựa chọn đặt trụ sở tại Đặc khu kinh tế Thâm Quyến (Trung Quốc). Trước những năm 1980, Thâm Quyến là một làng chài vắng vẻ với chưa tới 100.000 cư dân. Ngày nay, đây là một đô thị rộng lớn với các rất nhiều tòa tháp cao tầng và là nơi sinh sống của 12,5 triệu cư dân. Thâm Quyến cũng đã trở thành “quê hương” của rất nhiều “ông lớn công nghệ” Trung Quốc, bao gồm cả Huawei.

Hai năm trước, Trung Quốc đã đạt được một cột mốc quan trọng, khi lần đầu tiên Trung Quốc vượt Mỹ về số lượng bằng sáng chế toàn cầu được nộp. Trung Quốc đã đăng ký gần 60.000 bằng sáng chế, nhiều hơn 1.000 bằng so với Mỹ, và gần như toàn bộ số đó đều đến từ Thâm Quyến.

Mỹ tin rằng nước này luôn có thể chiếm ưu thế và duy trì lợi thế công nghệ của mình trong dài hạn. Nhưng Trung Quốc đang đẩy mạnh chi tiêu cho các hoạt động nghiên cứu công nghệ cao. Cường quốc lớn thứ hai thế giới cũng đã công bố kế hoạch 5 năm trị giá 1.800 tỷ USD, nhằm vươn lên thống trị trong các lĩnh vực AI, robot, viễn thông 6G và tất cả các công nghệ khác vào năm 2035.

Ông James Green cho rằng cuộc chiến công nghệ mở rộng dưới thời của Tổng thống Trump sẽ không sớm được giải quyết. Ông nói: “Một số vấn đề, đặc biệt xung quanh công nghệ và hệ sinh thái công nghệ, là những thứ sẽ tồn tại trong nhiều năm tới”.

Theo chuyên gia Walia của Ngân hàng Deutsche, sự phân chia kỹ thuật số ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sớm buộc các cá nhân, công ty và thậm chí là các quốc gia phải lựa chọn một hệ thống hoặc chịu chi phí cho việc phân chia đồng sử dụng cả hai chế độ công nghệ. Báo cáo của Deutsche Bank ước tính, trong vòng 5 năm tới, chi phí của cuộc chiến công nghệ sẽ là hơn 3.500 tỷ USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục