Thế giới đang chuẩn bị cho "cuộc đua" về chất bán dẫn

08:25' - 15/06/2021
BNEWS Để đảm bảo vị trí của mình trong lĩnh vực chiến lược quan trọng nhất trong tất cả các ngành công nghiệp, Mỹ sẽ phải cân nhắc chiến lược cẩn trọng và học hỏi từ những “bài học cũ” trong quá khứ.

Một sự cân bằng trong hỗ trợ cho cả sản xuất và sáng tạo đổi mới sẽ phân định “người chiến thắng” trong lĩnh vực này.
Trong tất cả các ngành công nghiệp hiện đại, chất bán dẫn đóng vai trò quan trọng và sản xuất chất bán dẫn là một ngành đem lại ra doanh thu lớn và tạo ra rất nhiều việc làm có mức lương cao.

Và trong bối cảnh chip máy tính là yếu tố đầu vào quan trọng cho nhiều ngành công nghệ cao khác, nên việc có cơ sở sản xuất chất bán dẫn đặt tại quốc gia nào thì sẽ hỗ trợ cho toàn bộ hệ sinh thái của hoạt động kinh tế giá trị cao.
Do đó, không quá ngạc nhiên khi chính sách công nghiệp mới của Chính phủ Mỹ sẽ tập trung đầu tiên và quan trọng nhất vào lĩnh vực chất bán dẫn.

Trong số 250 tỷ USD ngân sách phân bổ cho dự luật năng lực cạnh tranh vừa được Thượng viện Mỹ thông qua, 52 tỷ USD sẽ được dùng để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Trong khi đó, đánh giá mới nhất của Chính phủ Mỹ về chuỗi cung ứng chỉ ra rằng chip máy tính là lĩnh vực sản xuất cần đưa trở lại trong nước.
Trong khi đó, Trung Quốc đã triển khai một chương trình khổng lồ nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa để đạt vị trí hàng đầu trên thế giới. Nhật Bản và châu Âu đang cố gắng giành lại thị phần mà họ đã mất.

Hàn Quốc, quốc gia có những công ty đã chiếm một số thị phần từ Mỹ trong những năm gần đây, cũng đang tạo cú hích lớn phát triển ngành bán dẫn.

Trong khi đó, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) là nơi đặt trụ sở chính của TSMC - công ty gia công bán dẫn số 1 thế giới và dẫn đầu thế giới về công nghệ sản xuất chip sau khi giành lấy “ngôi vương” từ tay Intel Corp.
Nói theo cách khác, các quốc gia chi tiền cho các công ty chip và giúp tài trợ cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất, tăng cường nghiên cứu và phát triển, và hơn thế nữa. Nếu Mỹ có thể giữ nguyên thị phần toàn cầu (hiện khoảng 47%) thì có thể coi là một chiến thắng.

Và nếu Mỹ có thể thuyết phục TSMC đặt thêm nhà máy ở Mỹ, thì đó có thể xem như một chiến lược thành công lớn cho dù TSMC là doanh nghiệp Đài Loan.
Tuy nhiên, điều có thể làm nên một chiến thắng dứt khoát trong cuộc chiến bán dẫn toàn cầu thay vì cố gắng để giữ vị trí, là tầm quan trọng của đổi mới.

Ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ đã lao đao trong thập niên 1980 khi gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ Nhật Bản và rồi phải nhường vị trí dẫn đầu ngành bán dẫn cho các doanh nghiệp “xứ sở hoa anh đào”, và sau đó bị bỏ xa bởi Hàn Quốc, quốc gia đầu tư lớn để thống trị mảng chip bán dẫn.
Tuy nhiên, Mỹ sau đó đã giành lại vị trí hàng đầu của mình trên thị trường bán dẫn toàn cầu nói chung. Bởi trong khi thế giới cạnh tranh nhau về chip nhớ, các công ty Mỹ như Intel, đã chuyển sang sản xuất một thứ có giá trị hơn nhiều, bộ vi xử lý (CPU). Mảng CPU của Mỹ đã kiếm được "bộn tiền" trong khi các nước châu Á tranh giành nhau trong mảng công nghiệp bộ nhớ.
Tương tự, những thay đổi sau này trong ngành bán dẫn hầu hết đều không phải do cạnh tranh trên các thị trường hiện có mà chủ yếu do những sản phẩm mới, gồm có CPU, chip năng lượng thấp, chip di động và mô hình xưởng đúc chip của TSMC.
Lịch sử cho thấy vai trò và vị thế thống trị trong ngành bán dẫn của Mỹ phụ thuộc vào các doanh nghiệp mới tạo ra các loại chip mới.

Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ cần hỗ trợ những doanh nghiệp khởi nghiệp ngoài những tập đoàn, công nghệ hàng đầu nước này. Mỹ cần thay đổi cách thức để chiến thắng trong "cuộc đua" thiết bị bán dẫn mới này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục