Thế giới tập trung giải quyết vấn đề chống ô nhiễm nhựa

06:30' - 15/11/2023
BNEWS Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sản lượng nhựa toàn cầu có thể tăng gấp ba vào năm 2060.
Tạp chí La Tribune cho biết, đại diện từ 175 quốc gia đang tập trung tại Kenya để xem xét một dự thảo hiệp ước quốc tế nhằm đưa ra các điều khoản ràng buộc về chống ô nhiễm nhựa toàn cầu. Hội nghị này sẽ phải lựa chọn những định hướng then chốt.

Mặc dù đây chỉ là một phần của quá trình khó khăn đang được tiến hành và dự định kéo dài đến cuối năm 2024, nhưng lại là bước đi không kém phần quan trọng so với bất cứ giai đoạn nào.

Vòng đàm phán thứ ba về hiệp ước toàn cầu đầu tiên chống ô nhiễm nhựa đã được mở lại tại thủ đô Nairobi vào ngày 13 và kéo dài đến 19/11, quy tụ đại diện của 175 quốc gia. Các nhà đàm phán sẽ phải xem xét cụ thể một dự thảo hiệp ước vừa được công bố vào tháng 9, với đầy đủ mọi lựa chọn được “đặt lên bàn cân”, từ rụt rè nhất đến quyết liệt nhất, nhằm giải quyết tai họa toàn cầu này trong thời gian sớm nhất có thể.

Theo chuyên gia Pháp Henri Bourgeois-Costa, Giám đốc quan hệ công chúng của Quỹ Tara Ocean có trụ sở tại Paris, “nhựa xuất hiện nhiều vô hạn trong sinh quyển, từ dưới đất đến khí quyển, từ sông hồ đến đại dương, từ tế bào thực vật đến cơ thể con người”.

Và nếu thế giới không làm gì, tình trạng ô nhiễm này đương nhiên sẽ tồi tệ hơn, vì theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nếu không có gì thay đổi, sản lượng nhựa toàn cầu có thể tăng gấp ba vào năm 2060. Thậm chí, các tổ chức này còn cảnh báo rằng lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương sẽ tăng nhanh gần gấp ba lần. Đến trước năm 2040, con số này sẽ đạt 30 triệu tấn.

Tác động của nhựa đến hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng ngày càng trở nên rõ ràng và nặng nề hơn. Mặc dù khí thải từ nhựa chiếm 3,4% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2019 nhưng con số này có thể tăng đến 15% vào năm 2050.

Những đánh giá về nguy cơ này đã hối thúc Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) thông qua kiến nghị thành lập một “Ủy ban đàm phán liên chính phủ” vào tháng 3/2022, chịu trách nhiệm xây dựng một hiệp ước toàn cầu đầu tiên chống ô nhiễm nhựa trước cuối năm 2024.

Như vậy, thế giới đã nhất trí rằng toàn bộ vòng đời của nhựa, từ sản xuất đến chất thải, phải được đàm phán. Và tất cả đều dẫn đến các biện pháp ràng buộc, kèm theo các biện pháp tài chính và kiểm soát.

Đã có hai vòng đàm phán diễn ra trước khi “dự thảo số 0” được đưa ra tại Nairobi. Chuyên gia Henri Bourgeois-Costa cho biết các cuộc họp mới nhất, diễn ra tại Paris hồi tháng 6, “đã cho thấy sự huy động và hiện diện mạnh mẽ của các quốc gia sản xuất dầu mỏ và các nhà sản xuất nhựa để cản trở các cuộc thảo luận”.

Cho đến nay, có một vấn đề then chốt vẫn chưa được ngã ngũ là thế giới nên giảm sản lượng hay tập trung vào tái chế nhựa. Chuyên gia môi trường trên cho biết “dự thảo số 0”, được tập trung thảo luận lần đầu tiên tại trụ sở UNEP ở Nairobi cho đến ngày 19/11, “sẽ trình bày tất cả các phương án mà nhiều quốc gia khác nhau đề xuất”.

“Chúng ta có thể vui mừng khi tất cả lựa chọn đều được tập hợp lại để giới thiệu, kể cả những lựa chọn tham vọng nhất. Nhưng cũng thật đáng tiếc khi có sự phát triển thực sự không cân xứng giữa các giải pháp tham vọng hơn và những giải pháp biến vấn đề thành câu chuyện rác thải thuần túy”, chuyên gia Henri Bourgeois-Costa nhận xét.

Theo ông, đối với những người bảo vệ môi trường, cách tiếp cận thứ hai, giảm nhẹ vấn đề, chính là một “cạm bẫy cần phải tránh trong các cuộc đàm phán”. Đó là lý do khiến giới bảo vệ môi trường kêu gọi hạn chế sản xuất nhựa tại nguồn, cũng như hạn chế tình trạng sử dụng nhựa một lần trên quy mô toàn cầu.

Về phần mình, các nhà sản xuất nhựa đang tìm cách cải thiện việc quản lý và tái chế chất thải. Nhưng cần lưu ý rằng cho đến nay, chỉ có 9% nhựa được tái chế và theo UNEP cũng như OECD, đến năm 2060, do hạn chế về kỹ thuật và kinh tế, các dự báo không cho phép chúng ta tưởng tượng tỷ lệ tái chế sẽ đạt trên 12%.

Trước khi diễn ra các cuộc thảo luận tiếp theo tại Nairobi, đã có khoảng 60 quốc gia lên tiếng kêu gọi thế giới cần đưa “các điều khoản ràng buộc vào hiệp ước nhằm hạn chế và giảm thiểu việc tiêu thụ và sản xuất” nhựa.

Liên minh châu Âu (EU), theo đề nghị của Pháp, thể hiện một tham vọng khá cao. “Định hướng của chúng tôi là giảm sản lượng và nhìn chung, đây là lộ trình mà chúng tôi sẽ tuân theo. Việc đề cập quá sớm đến tái chế sẽ đồng nghĩa với việc gây cản trở tiềm ẩn mục tiêu giảm sản lượng, đặc biệt đối với nhựa nguyên sinh”, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Sinh thái Pháp Christophe Béchu, nhấn mạnh tại một cuộc họp ngày 6/11 tại Paris, với sự tham gia của các nước EU.

Ngược lại, các nước sản xuất dầu như Saudi Arabia và các thành viên của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), cũng như các nước sản xuất nhựa lớn của thế giới như Trung Quốc, cũng như các nước khác thuộc nhóm BRICS, lại không muốn giảm sản lượng.

Tại Nairobi, vấn đề quan trọng là lựa chọn các định hướng lớn và xác định thời gian làm việc dành cho mỗi định hướng. Đối với giới bảo vệ môi trường, thách thức đặt ra là làm sao tránh sa đà vào các cuộc thảo luận xung quanh cơ chế bỏ phiếu (đa số tuyệt đối, đa số đủ điều kiện hoặc nhất trí).

Sự sa đà này có thể được nhìn nhận như một công cụ mà những ai muốn có một hiệp ước ít tham vọng sẽ dễ dàng huy động được, ông Henri Bourgeois-Costa nhận định. Giống như tất cả các hiệp ước quốc tế, khó khăn vẫn là tìm ra sự cân bằng giữa việc có được càng nhiều bên ký kết càng tốt và những nội dung đầy tham vọng.

Hai vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 4/2024 tại Canada và cuối năm nay tại Hàn Quốc. Thời gian biểu rất sít sao và phải được duy trì đúng kế hoạch, bởi với sự tăng trưởng rất nhanh của sản xuất nhựa, mỗi năm trôi qua là một năm gây thêm những yếu tố rất bất lợi cho việc tìm kiếm giải pháp.

Như vậy, “nếu không đạt được tiến bộ đáng kể nào ở Nairobi, năm 2024 sẽ rất căng thẳng nếu thế giới muốn đạt được một hiệp ước có ý nghĩa vào cuối năm”, người phụ trách chính sách toàn cầu về nhựa tại Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) Eirik Lindebjerg nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục