Thế khó của Fed khi lạm phát tăng nhanh

21:59' - 02/11/2021
BNEWS Giới quan sát đánh giá rằng việc giá cả và tiền lương đang ở mức cao nhất trong nhiều thập niên có thể "thử thách" giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này.

Giới quan sát đánh giá rằng việc giá cả và tiền lương đang ở mức cao nhất trong nhiều thập niên có thể "thử thách" giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này, khi thể chế tài chính này cố gắng duy trì sự cân bằng giữa việc kiềm chế lạm phát và tạo thêm thời gian cho nền kinh tế khôi phục số việc làm bị mất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

*Kế hoạch và kỳ vọng của Fed

Fed sẽ nhóm họp trong hai ngày 2 -3/11 và sẽ đưa ra tuyên bố chính sách mới vào chiều 3/11 (theo giờ địa phương), với Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có một cuộc họp báo sau đó. Các quan chức Fed được dự báo sẽ thông qua kế hoạch thu hẹp chương trình mua trái phiếu hàng tháng hiện tại trị giá 120 tỷ USD, rồi ngừng hoàn toàn vào giữa năm sau. Đây sẽ là bước thoái lui đầu tiên của Fed khỏi các chính sách cốt lõi được đưa ra vào đầu năm 2021 để chống lại tình trạng suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19.

Các quan chức Fed đã cố gắng tách quyết định thu hẹp chương trình mua trái phiếu khỏi quyết định cuối cùng về thời điểm tăng lãi suất của họ. Fed đã thiết lập tiêu chuẩn cho việc tăng lãi suất vào năm ngoái: Ngân hàng trung ương này sẽ không điều chỉnh lãi suất đến khi nào nền kinh tế trở lại mức toàn dụng lao động, còn lạm phát đã tăng lên 2% và đang trên đà vượt quá ngưỡng này trong một giai đoạn nhất định.

Vào thời điểm đó, các nhà hoạch định chính sách nghĩ rằng họ sẽ có nhiều thời gian để loại chương trình mua trái phiếu với ít rủi ro lạm phát.

Ngay cả khi lạm phát ở Mỹ đã tăng hơn gấp đôi so với mục tiêu 2% mà ngân hàng này đặt ra, ông Powell cho biết các "nút thắt" nguồn cung có khả năng sẽ được nới lỏng dần và theo đó áp lực lạm phát cùng tiền lương cũng giảm theo. Chủ tịch Fed khẳng định ngân hàng này sẽ có biện pháp để kiềm chế lạm phát trong trường  hợp cần thiết.

Tuy nhiên, tính toán này có vẻ không còn nhiều khả năng thành sự thật.

* Triển vọng không như mong đợi

Trong một báo cáo mới đây, các nhà kinh tế tại ngân hàng Goldman Sachs cho biết dù Fed muốn tiếp tục kiên nhẫn trong việc tăng lãi suất, cơ hội để họ cầm cự đang thu hẹp dần. Goldman Sachs đã trở thành cái tên mới nhất trong danh sách những bên lên tiếng kêu gọi Fed sớm tăng lãi suất, đẩy thời điểm thực hiện sớm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu vào tháng 7/2022.

Những chuyên gia kinh tế thuộc Goldman Sachs nhận định vào thời điểm trên, kỳ vọng lạm phát - được đo lường bằng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - vẫn ở mức trên 3%. Đây là mức lạm phát chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1990 và cao hơn một điểm phần trăm so với ngưỡng mục tiêu 2% của Fed.

Các vấn đề của thị trường việc làm, đặc biệt là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, khi đó cũng chưa phục hồi về mức trước đại dịch. Nhiều khả năng, thị trường lao động Mỹ sẽ vẫn chưa đạt được yêu cầu toàn dụng lao động mà Fed đưa ra để đồng ý tăng lãi suất.

Nhưng tại thời điểm đó, nhóm chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs cho rằng các quan chức Fed sẽ kết luận rằng hầu hết (nếu không muốn nói là tất cả) những điểm yếu còn tồn tại trong tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là do cơ cấu thị trường hoặc sự tự nguyện của người lao động. Ngân hàng trung ương này rồi sẽ tiến hành tăng lãi suất để đảm bảo lạm phát vẫn được kiểm soát.

Báo cáo của Goldman Sachs nêu rõ: "Kể từ khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) họp lần gần nhất vào tháng 9/2021, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã tiếp tục giảm, trong khi thu nhập trung bình mỗi giờ và chỉ số chi phí việc làm tăng mạnh, còn lạm phát vẫn ở mức cao". Theo báo cáo, đây là những thách thức đối với tuyên bố của Fed rằng lạm phát sẽ tự chấm dứt mà không cần ngân hàng này sử dụng biện pháp tăng lãi suất để thắt chặt các điều kiện tín dụng và làm chậm hoạt động mua bán của các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Còn theo số liệu từ sàn giao dịch CME Group, hoạt động giao dịch các hợp đồng tương lai của quỹ liên bang cho thấy khả năng rằng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 6/2022 là hơn 65%, ngay khi việc thu hẹp các chương trình mua tài sản có thể kết thúc. Đợt tăng thứ hai dự kiến vào tháng Chín và lần thứ ba vào tháng 12 năm tới.

Để so sánh, mới cách đây một tháng, các chỉ báo trên thị trường báo hiệu chưa đến 20% khả năng Fed tăng lãi suất vào đầu tháng Sáu. Khả năng về hai lần nâng lãi suất trong năm tới cũng tương đối không đáng kể.

* Khi “lạm phát nhất thời” kéo dài hơn dự kiến

Theo giới quan sát, đây là một thời điểm rất khó để nói về tình hình và triển vọng lạm phát. Vào thời kỳ ban đầu, Fed cho rằng tình trạng gián đoạn nguồn cung cùng việc nhiều người tiêu dùng gia tăng chi tiêu đối với các hàng hóa khó kiếm là lý do thúc đẩy lạm phát. Nhưng đà tăng giá đã kéo dài hơn dự kiến.

Nhiều khả năng lạm phát giá hàng hóa không chỉ sẽ giảm bớt trong năm tới, mà còn đảo ngược và xảy ra một đợt giá giảm. Nhưng chi phí dịch vụ tăng lên có thể xóa nhòa sự biến động này, đặc biệt nếu mức tăng lương gần đây vẫn còn tồn tại tới thời điểm đó.

Việc tăng lương và phúc lợi sẽ đặt ra một thách thức cụ thể đối với ngân hàng trung ương để xác định xem nhân viên đang được trả lương cao hơn do năng suất tăng lên, hay do thị trường việc làm và số lượng công nhân hiện có bị “chệch nhịp” do tác động của đại dịch COVID-19.

Kịch bản đầu tiên sẽ được coi là một sự phát triển tích cực. Nhưng kịch bản còn lại có khả năng gia tăng rủi ro lạm phát.

Ông Krishna Guha, Phó Chủ tịch công ty tư vấn tài chính Evercore ISI, đánh giá rằng tất cả những điều này đặt ông Powell vào tình thế khó khăn hơn trong cuộc họp tháng 11 so với cách đây chỉ vài tuần. Chủ tịch Fed luôn cố gắng tìm cách cân bằng một ủy ban bị chia rẽ giữa những người sẵn sàng tăng lãi suất vào năm tới và những người tỏ ra kiên nhẫn hơn.

Theo ông Guha, không yếu tố nào trong số nêu trên chứng minh rằng luận điểm “lạm phát chỉ mang tính tạm thời” là sai. Nhưng các thử nghiệm để chứng minh cho luận điệm này là đúng có vẻ không thành công như đã mong đợi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục