Thêm 2 tàu lai dắt được điều động để giải cứu tàu Ever Given

20:04' - 28/03/2021
BNEWS Ngày 28/3, truyền thông nhà nước Ai Cập cho biết đã có thêm 2 tàu kéo được điều động để đẩy nhanh nỗ lực giải cứu tàu chở hàng Ever Given mắc cạn ở Kênh đào Suez. 

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, tàu kéo Alp Guard mang cờ Hà Lan và tàu Carlo Magno mang cờ Italy đã đến Biển Đỏ gần thành phố Suez từ sáng sớm 28/3.

Hãng Bernhard Schulte Shipmanagement, công ty quản lý tàu Ever Given, cho biết các tàu lai dắt sẽ kéo tàu "siêu tàu" dài 400m này trong khi các tàu cuốc tiếp tục hút cát từ bên dưới tàu và bùn bám vào mạn trái của con tàu này.

Trước đó, nhiều nỗ lực để giải cứu con tàu container khổng lồ Ever Given đang mắc cạn và gây tắc nghẽn giao thông ở kênh đào Suez đã được triển khai vào tối 27/3 do thủy triều dâng cao, nhưng đến nay chưa có tuyên bố chính thức nào được nhà chức trách Ai Cập đưa ra về kết quả hoạt động cứu hộ con tàu này. Hiện có 14 tàu lai dắt đang tham gia nhiệm vụ cứu hộ tàu Ever Given.

Cùng ngày, Ai Cập gấp rút điều động các bác sĩ thú y để kiểm tra tình trạng gia súc trên những con tàu bị mắc kẹt ở Kênh đào Suez. Bộ Nông nghiệp nước này cho biết 3 đội bác sĩ thú y đã được cử đi, phối hợp với Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA), để kiểm tra và cung cấp thức ăn gia súc cần thiết.

Nhà chức trách lo ngại các tàu chở gia súc hết nguồn cung cấp nhu yếu phẩm khi tình trạng tắc nghẽn ở Suez bước sang ngày thứ 5.

Tàu Ever Given, mang cờ Panama, có chiều dài hơn tổng chiều dài của 4 sân bóng đá và tải trọng lên tới 199.000 tấn. Khi tiến vào kênh đào Suez từ Biển Đỏ, con tàu đã bị mắc cạn.

Nguyên nhân ban đầu được cho là vì sức gió quá mạnh khiến tàu xoay ngang và mắc kẹt từ ngày 23/3. Tuy nhiên, người đứng đầu SCA Osama Rabie ngày 27/3 khẳng định gió mạnh và các yếu tố thời tiết không phải là nguyên nhân chính khiến con tàu mắc cạn, mà có thể do lỗi kỹ thuật hoặc con người. Tất cả những yếu tố này sẽ được làm rõ trong quá trình điều tra.

Vụ mắc cạn đã khiến hoạt động giao thương đi qua Kênh đào Suez hầu như tê liệt, khiến hơn 200 tàu khác bị tắc nghẽn ở hai đầu kênh đào dài khoảng 190 km này. Đặc biệt, nhiều tàu chở dầu bị mắc kẹt tại đây được cho là nguyên nhân khiến giá dầu tăng khoảng 5%.

Kênh đào Suez, được khánh thành năm 1869, là tuyến vận tải quan trọng đối với việc vận chuyển dầu thô, hóa chất và các sản phẩm tinh chế từ khu vực Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương đến châu Âu và Bắc Mỹ.

Theo SCA, khoảng 12% giao thương toàn cầu đi qua kênh đào Suez với tổng số 18.829 tàu chở 1,17 tỷ tấn hàng hóa  trong năm 2020. Đây cũng là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Ai Cập, mang lại cho quốc gia Bắc Phi này doanh thu 5,6 tỷ USD trong năm ngoái./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục